Những người yêu chạy bộ và thích thử thách sẽ không ngần ngại đặt mục tiêu chinh phục half marathon hay full marathon tùy vào thể lực của bản thân. Tuy nhiên, với anh Tuấn, con đường gắn kết với chạy bộ rất khác biệt.

Tự nhận bản thân không đủ sức khoẻ để chinh phục các mốc thành tích cự ly dài, nhưng runner sinh năm 1971 lại sẵn sàng vác bộ máy ảnh nặng hơn 3 kg rồi chạy theo các VĐV để mang về những tấm ảnh đẹp.

z5147422459305-13b8c0052f20e07-1139-1999-1707610042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=69bE3RB-9wACNQLcn71MTA

Anh Trần Lê Tuấn vừa chạy, vừa mang máy ảnh tại Tiền Phong Marathon Lai Châu 2023. Ảnh: Tiền Phong Marathon

"Tôi rất yêu thích vận động. Từ năm 2010, tôi đã đạp xe dọc các cung đường ngoại thành Hà Nội. Nhưng đường sá ngày càng đông đúc và nguy hiểm. Đến năm 2018, tôi chuyển sang chạy bộ. Đến nay, tôi đã tham gia nhiều giải với cự ly dài nhất là half marathon. Tôi cũng đam mê nhiếp ảnh. Trước đây, tôi chụp tự do và tùy hứng. Nhưng đến 2022, khi các giải chạy nở rộ, tôi chuyển hướng sang chụp runner, chủ yếu ở khu vực Hồ Gươm", anh Tuấn nói.

Đều đặn mỗi sáng thứ Bảy, anh Tuấn mang bộ máy đến Hồ Gươm để chụp ảnh runner với mong muốn góp phần biến buổi long-run hàng tuần của nhóm Chay365 thành nét văn hóa thủ đô. Ban đầu, anh chưa quen và cần đến sự chỉ dạy của những người đi trước, trong đó có anh Xuân Đỗ - nhiếp ảnh gia chạy bộ nổi tiếng. Dần dà, chụp ảnh chạy bộ phong trào đã trở thành thói quen không thể thiếu mà theo anh Tuấn, mỗi lần đi công tác và không thể tham dự, anh cảm thấy nhớ.

Chụp nhiều cũng giúp anh Tuấn tích lũy kinh nghiệm của công việc đặc biệt này. Thay vì bấm máy liên tục, anh cho rằng người chụp ảnh chạy bộ tốt cần biết cách nắm bắt nhịp điều của VĐV. Anh thường đếm theo bước chân của họ rồi căn chỉnh khoảnh khắc sải bước hoặc đạp chân để lấy sức bật. Nhờ bí quyết đó, anh Tuấn từng có được những bức ảnh đẹp của các chân chạy hàng đầu Việt Nam.

z5147447539652-69e4d7ea65a2b3e-8001-4376-1707610042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0HXncPucfxRORGbU43WurA

Một tấm ảnh anh Tuấn chụp runner phong trào ở Hà Nội. Ảnh: Moon Media

"Khái niệm đẹp trong chạy bộ không giống nhiếp ảnh thông thường. Người mẫu của tôi không xinh tươi mà lúc chạy, trông họ cứ khổ thế nào ấy. Nhưng đó lại là thứ khiến tôi rất thích. Các VĐV chạy thường toát ra năng lượng và sự quyết tâm. Nói về dáng chạy thì các VĐV chuyên nghiệp rất đẹp. Tôi từng chụp Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Hồng Lệ... Trông họ sải bước giống như ngựa phi, rất đẹp. Nhưng tôi cũng thích những khoảnh khắc toát ra ý chí của runner phong trào", anh chia sẻ.

Nghề nghiệp chính của Tuấn là kỹ sư máy bay, làm trong ngành hàng không. Công việc bận bịu lại phải chăm lo gia đình nhưng anh luôn cố thu xếp thời gian để dành cho đam mê nhiếp ảnh. Anh cảm thấy may mắn vì được ủng hộ từ vợ, người cũng tham gia chạy bộ.

Đến nay, anh Tuấn từng mang bộ máy có giá trị hơn 100 triệu đồng đến nhiều giải chạy. Có những lần phải làm việc trong mưa, sương mù nhưng theo anh, thử thách lớn nhất với nhiếp ảnh chạy bộ là ở những giải chạy đêm.

"Tưởng tượng như mình phải sắp xếp một studio nhỏ, rồi tìm cách bẫy VĐV vào khu vực có ánh sáng. Nhưng VĐV khi thi đấu, họ đâu thể quan tâm nhiếp ảnh gia đứng ở đâu. Thế nên, tôi thường dự đoán trước các khu vực họ sẽ chạy đến và tìm khoảnh khắc tốt. Sau khi chụp nhiều giải, tôi học cách ước lượng thời gian các VĐV elite bắt đầu tách tốp để chụp. Nhưng điều này cũng phụ thuộc may rủi. Ví dụ các VĐV nhóm đầu thường có xe dẫn đường. Mình sắp xếp xong hết nhưng đến lúc chụp bị xe chắn thì cũng bó tay. Đến nay, tôi nghĩ chụp ảnh chạy bộ ban đêm vẫn là thử thách lớn mà chưa nhiếp ảnh gia nào ở Việt Nam chinh phục được", anh nói.

z5147434116541-1026b2adc405604-7904-3787-1707610042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sIUQc4LzUPdioXUhqHqxQw

Anh Tuấn chụp ảnh VĐV ở Việt Nam Trail Marathon 2024. Ảnh: NVCC

Anh Tuấn tiết lộ, để có những bức ảnh đẹp, nhiều lần anh phải vác máy chạy theo các VĐV. "Tưởng tượng giống như bạn chạy một bài interval nhưng phải vác theo cục tạ hơn 3kg vậy", anh nói. Theo anh, niềm vui của một nhiếp ảnh gia chạy bộ là khi về nhà lấy ảnh, gửi cho các VĐV và được họ cảm ơn hoặc đăng lên các trang mạng xã hội.

Nhờ chạy bộ, anh Tuấn có thêm nhiều người bạn mới và được biết tới rộng rãi ở cộng đồng chạy bộ phía Bắc. Năm ngoái, anh lập studio với tên Moon Media để đăng các tác phẩm của mình, từ đó được mọi người trong giới chạy bộ gọi là Tuấn Moon. Anh cho biết bản thân chụp ảnh chạy bộ thuần túy vì đam mê chứ không có ý định kinh doanh hay thu tiền từ VĐV.

Tự nhận bản thân là người cẩn trọng nhưng cũng có lúc, anh Tuấn gặp phải sự cố tác nghiệp. "Hồi cuối tháng Một, tôi lần đầu chụp giải Vietnam Trail Marathon ở Mộc Châu. Ban đầu, tôi chụp ở khu vực vườn mận Mu Náu, dự định ở đó từ 7h30 đến 8h30. Nhưng rồi cảnh đẹp giữ chân tôi quá lâu. Tôi la cà rồi đến khi sang Hang Táu thì bỏ lỡ toàn bộ các VĐV tham gia 70km. Lúc về tôi tiếc hùi hụi", anh kể lại.

Trong năm 2024, anh Tuấn hy vọng có cơ hội tác nghiệp nhiều hơn ở các giải phía Nam. Nhiếp ảnh gia người Hà Nội đặt mục tiêu tham gia các giải trail ở khu vực Tây Nguyên như Đà Lạt, Tà Năng. Theo anh, các giải này không khắc nghiệp như Việt Nam Trail Marathon hay Việt Nam Mountain Marathon, nhưng sở hữu địa hình rất đẹp và sẽ cho anh trải nghiệm mới trên con đường nhiếp ảnh chạy bộ.

Quỳnh Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022