Hoàng Anh Tuấn giành HC bạc Olympic Bắc Kinh 2008, trước khi bị phát hiện dương tính với chất cấm.
Ngày 22/4/2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái ký "Tuyên bố Copenhagen về Chống sử dụng chất kích thích trong thể thao" ở Hà Nội. Việt Nam thành quốc gia thứ 106 tham gia Tuyên bố này, đồng nghĩa việc công nhận Tổ chức Phòng chống Doping Thế giới (WADA). Đến tháng 9/2022, đã có 193 quốc gia và vùng lãnh thổ ký vào Tuyên bố trên.
Quyết định trên của ngành thể thao được đưa ra không lâu sau khi Việt Nam lần đầu phát hiện những trường họp doping, tại SEA Games 22 trên sân nhà. Đại hội năm 2003 xuất hiện năm trường hợp dương tính doping, trong đó có bốn VĐV chủ nhà gồm Hoàng Hồng Anh (canoeing), Phạm Thị Dịu (lặn), Phạm Toàn Thắng (lặn) và Nguyễn Mai Quỳnh (điền kinh).
Mai Quỳnh, khi đó 18 tuổi, lý giải rằng ba ngày trước khi thi đấu, cô bị cảm nên tự ý ra hiệu mua thuốc về uống. VĐV nhảy xa này cho rằng có lẽ trong thuốc cảm cô uống chứa chất cấm trong thể thao. Dù vậy, các VĐV Việt Nam đã dương tính với stanozol và testoteron, những chất được cho là không có trong các loại thuốc cảm.
Trong một phát biểu sau khi Việt Nam gia nhập WADA, bác sĩ trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lê Quý Phượng cho biết: "Các nhà quản lý phải dạy cho VĐV ý thức tránh xa những cám dỗ từ kết quả ảo có được bởi doping. Sự thiếu hiểu biết về doping của các HLV và VĐV thể thao cũng dẫn tới những trường hợp dương tính đáng tiếc".
Dù vậy, Việt Nam vẫn không thể triệt tiêu hoàn toàn "bóng ma doping". Trường hợp gây chú ý bậc nhất có lẽ là ca doping của "búp bê" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương tại Olympic Bắc Kinh 2008. Sau khi thi vòng loại ở Trung Quốc, VĐV 19 tuổi lúc đó nhận kết quả dương tính với chất cấm furosemide. Cô bị loại khỏi giải và cấm thi đấu một năm. Án phạt này là mức tối thiểu cho một VĐV dùng doping, cho thấy Ngân Thương không cố ý dùng chất cấm. Cô giải thích rằng bản thân muốn giảm béo, nên tự ý mua thuốc lợi tiểu về uống nhưng không báo cáo với HLV.
Dù chỉ bị cấm một năm, Ngân Thương cũng không dự thêm giải đấu quốc tế nào nữa. Cô giải nghệ năm 2010, ở tuổi 21, dù được đánh giá vẫn còn khả năng tranh chấp huy chương khu vực.
Ngân Thương thi đấu ở Olympic 2012. Ảnh: AFP
Hầu hết trường hợp VĐV dương tính doping đều là dấu chấm hết cho sự nghiệp thể thao của họ. Cũng trong năm Ngân Thương giải nghệ, Việt Nam đón nhận cú sốc lớn khi "người hùng Olympic" Hoàng Anh Tuấn dương tính với chất cấm oxilofrine, tại giải cử tạ thế giới.
Chất này không được coi là tăng cường thành tích cho VĐV, nhưng vẫn bị cấm. Á quân Olympic 2008 giải thích rằng có thể anh đưa chất này vào cơ thể qua việc uống nước đóng chai ở Trung Quốc. Ban đầu, đô cử 25 tuổi bị cấm bốn năm, nhưng Việt Nam đã xin giảm án cho Anh Tuấn xuống còn hai năm. Dù vậy, ca doping này cũng chấm dứt sự nghiệp thi đấu quốc tế của anh ở đó.
Một đô cử đẳng cấp thế giới khác cũng khép lại sự nghiệp vì doping là Trịnh Văn Vinh. Tháng 2/2019, Liên đoàn cử tạ thế giới công bố VĐV 24 tuổi đã dương tính với testosterone và một chất cấm khác. Khi đó, đô cử này được đầu tư trọng điểm, sau HC vàng cử giật thế giới năm 2017. Văn Vinh bị cấm thi đấu bốn năm, đến nay chưa hết án phạt.
Cũng có trường hợp VĐV Việt Nam trở lại sau án cấm doping và thi đấu quốc tế. Tháng 7/2008, VĐV thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh bị phát hiện dương tính chất cấm trước giải châu Á. Ban đầu cô bị cấm hai năm, nhưng sau xin giảm xuống một năm vì chất đó là thành phần trong thuốc cô dùng để chữa bệnh. Trở lại sau án phạt, cô giành ngay hai HC bạc châu Á năm 2009 và 2010. Tuy nhiên, những trường hợp như Mỹ Linh rất hiếm.
Thời gian tới, danh sách VĐV Việt Nam dính doping có thể sẽ nối dài, khi có ít nhất hai chân chạy bị phát hiện nhiễm chất cấm ở SEA Games 31. Hiện, WADA chỉ còn chờ xét nghiệm lại mẫu B, nhưng khả năng lật ngược tình thế hầu như không thể. Các nhà vô địch của Việt Nam khi đó sẽ lại đứng trước nguy cơ tước danh hiệu và bị cấm thi đấu.
Theo một số chuyên gia, sau 18 năm gia nhập WADA, các VĐV Việt Nam không còn được châm chước vì "thiếu hiểu biết" như trước đây.
Xuân Bình