OT (overtime) hay còn gọi là tăng ca dùng để chỉ thời gian phát sinh công việc ngoài giờ làm tại văn phòng. Cụm từ này khá phổ biến trong giới công sở vì tình trạng này xảy ra khá thường xuyên. Thông thường nếu nhân viên tăng ca thì sẽ được trả tiền công phát sinh vào lương. Tuy nhiên có những nơi yêu cầu nhân viên OT để hoàn thành nốt công việc của họ theo bổn phận, phải nhận thêm các việc ngoài vị trí để hỗ trợ đồng nghiệp... mà không được trả thêm bất cứ đồng nào. Và có lý do gì mà nhiều nhân viên vẫn vui vẻ tăng ca?
Tăng ca vì ý thức trách nhiệm
Hiện nay, khá nhiều trường hợp các công ty đặt nặng "deadline" cùng khối lượng công việc quá tải khiến dân văn phòng phải chủ động tăng ca để hoàn thành. Mặc dù tăng ca đồng nghĩa với việc trả thêm lương, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng "nếu không hoàn thành công việc của chính mình thì tự động tăng ca là điều đương nhiên".
"Việc tăng ca không lương ở công ty mình hiện đã trở thành điều bình thường. Mặc dù mình biết rằng hoàn thành đúng "deadline" là trách nhiệm, nhưng thực sự sếp giao quá nhiều việc. Không những vậy các việc này lại có deadline sát nhau, nên nếu không tăng ca thì sẽ bị chậm trễ thời gian. Nhiều lần mình và đồng nghiệp đã đề xuất với cấp trên rằng nên có thêm chi phí mỗi lần nhân viên tăng ca tại công ty. Tuy nhiên lời phản hồi rằng OT là do hiệu suất công việc của nhân viên không tốt nên sẽ không trả thêm vào lương"- chị Phương Anh, nhân viên tổ chức sự kiện tại TP.HCM chia sẻ.
"Khá nhiều doanh nghiệp cho rằng nhân viên nên làm việc trên tinh thần cống hiến chứ đừng tập trung vào mỗi đồng lương. Sếp cũ mình còn nói làm việc vì lương sẽ khiến nhân viên không tập trung, ảnh hưởng công việc. Tuy nhiên mình lại không nghĩ vậy, lương là một lý do quan trọng để nhân viên làm việc hiệu suất hơn. Khi đi xin việc mình luôn hỏi nhà tuyển dụng về lương tăng ca vì chắc chắn sẽ có một số ngày công việc bị "overload"- anh Hoàng Minh.
Ngược lại, chị Thắm Nguyễn bày tỏ quan điểm: "Đôi khi mình tăng ca chỉ để bản thân thấy thoải mái. Mình không thể bỏ mặc công việc ngổn ngang và tan làm đúng giờ được trong khi biết nếu không hoàn thành sớm thì tiến độ chung sẽ bị mình làm ảnh hưởng. Tăng ca một chút nhưng để bản thân không phải áy náy với đồng nghiệp, chỉn chu với những thứ mình làm ra cũng tốt."
Linh động thời gian làm việc
Giờ hành chính đi làm bình thường sẽ là 8 tiếng, trong khoảng 9h sáng đến 5h chiều. Nhưng ở một số công ty nhân viên có quyền linh động thời gian làm việc, có thể 11-12 giờ trưa mới đến văn phòng, và làm đến khi nào xong việc là về, có thể ít hơn 8 tiếng, nhưng cũng có thể nhiều hơn.
Chị Bảo Trân
"Cái này gọi là đánh đổi thôi. Nếu mình được thoải mái thời gian đi làm, có thể ít hơn 8 tiếng/ngày thì cũng phải chấp nhận trường hợp tăng ca làm nhiều hơn 8 tiếng/ngày. Vậy nên những ngày tăng ca mình không xem đó là một "cực hình", mình nghĩ đây là quyền lợi ấy chứ, đâu phải công ty nào cũng được linh động thời gian làm việc"- chị Minh Như nói.
Chị Bảo Trân cũng chia sẻ:"Công ty mình khá 'trẻ', sếp cũng không quá khắt khe thời gian làm việc, chủ yếu là hiệu suất. Nếu có việc bận mình có thể xin sếp đi làm từ giấc trưa, chỉ cần đảm bảo là công việc luôn được hoàn thành. Làm việc với môi trường thoải mái như vậy nên mình cũng không có đòi hỏi gì nhiều về việc phải thêm lương OT, chủ yếu là tự biết cách sắp xếp công việc để không bị trễ deadline thì OT hay không mình nắm quyền chủ động. Lương OT đối với mình chỉ cần thiết nếu như môi trường làm việc quá xem trọng chuyện phải làm đủ giờ nhưng khi tăng ca không trả thêm tiền."
Được "work from home"
Anh Đức Phan cho rằng:"Tăng ca bằng hình thức "work from home" thì đối với mình chẳng có vấn đề gì cả. Mình chỉ chán ghét cảnh phải ngồi tới tối mịt mới rời văn phòng, bước ra đường thì phố đã lên đèn, hết một ngày dành cho guồng công việc. Còn nếu làm việc ngoài giờ nhưng được tự do lựa chọn chỗ làm, thì mình có thể sắp xếp vừa làm vừa tán gẫu với bạn bè ở quán cà phê, có khi vừa họp vừa tận hưởng cảm giác ở nhà làm ra được điều gì có ích cho một ngày."
"Tính chất công việc của mình ngoài làm trên văn phòng còn phải luôn kiểm tra tin nhắn, kiểm tra tiến độ công việc liên tục ngoài giờ hành chính, đây cũng là một hình thức OT nhưng lại khá nhàn và tự do, không có gì to tát để mình đòi chuyện lương thưởng."- anh Hà Trần chia sẻ.
Nhiều công ty bây giờ không yêu cầu phải có mặt chấm công mỗi ngày nữa, tin tưởng và để mọi thứ cho nhân viên chủ động. Nhận được "đãi ngộ" này, dân văn phòng cũng tự ý thức được trách nhiệm làm việc của mình là hoàn thành đúng KPI bù cho chuyện "có mặt đủ giờ". Mà đồng thời, cũng muốn cống hiến nhiều hơn trong môi trường làm việc cho mình sự tự do, không gò bó.
Đổi lương OT thành ngày phép
Mỗi công ty sẽ có số lượng ngày phép nhất định trong năm. Tuy nhiên tùy tính chất công việc phải tăng ca liên tục, công ty sẽ xem xét quy đổi thời gian tăng ca thành ngày phép để nhân viên được nghỉ nhiều hơn. Đây cũng là một giải pháp hay được nhiều dân văn phòng ưng ý, đặc biệt là những người có sở thích đi du lịch.
Chị Ái Trân - nhân viên văn phòng
"Mình làm trong công ty tổ chức sự kiện nên phải tăng ca liên tục, thậm chí đến nửa đêm. Mình thường cộng dồn thời gian OT đó để chuyển thành ngày phép. Sau mỗi sự kiện/dự án lớn, mình sẽ xin nghỉ 4 đến 5 ngày để về quê, đi du lịch nghỉ ngơi. Mình khá thích cách này vì đôi khi có tiền mà không có thời gian cũng không thể xả hơi được"- anh Minh Tân chia sẻ.
"Mình nghĩ được nghỉ phép bù là quyền lợi của nhân viên khi tăng ca nên ghi chú cụ thể ngày tháng, thời gian OT để dễ đối chiếu, tránh trường hợp sức lao động bị lãng phí. Mặc dù ngày nghỉ cho dân văn phòng nhiều, nhưng ngoài kì nghỉ Tết thì các ngày nghỉ khác nó khá lẻ tẻ, khó để nghỉ một hơi dài ổn định lại trạng thái lắm, việc quy đổi thời gian OT thành ngày nghỉ rất tiện để những ai muốn có một trận "gap" hoàn toàn như mình."- chị Ái Trân chia sẻ.
Tính thêm lương cho chuyện tăng ca là một biểu hiện việc công ty có quan tâm đến nhân sự hay không. Tuy nhiên, ngoài tiền bạc, nhiều công ty hiện nay có các phương án mới mẻ hơn nhiều, đủ thiết thực để nhân viên tình nguyện tăng ca, vui vẻ cống hiến.