Một góc ban công rộng chưa tới 10m2 thôi mà đôi khi cũng lắm chuyện bực mình. Đúng là cứ phải "trong chăn mới biết chăn có rận", ở đâu cũng thế chứ chẳng riêng gì ở chung cư. Cất bao công sức tìm mua/thuê chung cư, tốn không ít tiền để chọn căn có ban công rộng rãi, thoáng mát và view đẹp, nhưng...

Tầng trên hút thuốc, tầng dưới nuôi "cả bầy" chim lẫn chó: Nhà kẹp giữa hứng trọn mùi hương!

Đương nhiên, ban công nhà nào thì nhà ấy có quyền sử dụng theo ý thích, miễn sao không ảnh hưởng tới kết cấu tòa nhà là được. Đó là xét trên phương diện lý thuyết, chứ thực tế đôi khi lại khác xa. Biết rõ là mình chẳng có quyền gì can thiệp, nên thành ra lại càng bực mình - tất cả cũng là từ cái ban công mà ra.

Chị Thu Hường (33 tuổi), hiện đang sinh sống tại một dự án chung cư ở quận Nam Từ Liêm thở dài: "Nhà mình không ai hút thuốc cả nhưng ban công thì ôi thôi nào là tàn thuốc, đầu lọc thuốc lá, mùi thuốc lá lúc nào cũng sặc sụa lên vì người tầng trên toàn ra ban công hút thuốc. Ai hút thì người đó bị ảnh hưởng sức khỏe, nhưng cái bực là hút xong cứ thẳng tay ném xuống, mà chẳng hiểu ném kiểu gì toàn rơi vào nhà mình. 

Trước đây, mình còn trồng hoa ở ban công, thi thoảng ra đứng hóng gió ngắm trời ngắm mây chứ từ ngày tầng trên như thế thì dẹp hết, đóng kín gần như 24/7".

screenshot1745490743-17454910520001115167076-1745550391236-1745550391726182453671.png

Nhà không ai hút thuốc, nhưng ban công thì...

Chung cảnh ngộ với Thu Hường là Thùy Linh (29 tuổi) - hiện đang sinh sống tại một dự án chung cư ở quận Thanh Xuân, cũng trong cảnh "chán hết cả người" vì ban công có cũng như không. 

"Khu nhà mình không cấm nuôi thú cưng, nên mọi người nuôi cũng nhiều, từ chó mèo đến chim cảnh. Nhưng khổ cái là tầng trên nhà mình nuôi chó, trưng dụng ban công làm chỗ đi vệ sinh cho thú cưng nên mùi kinh khủng, trời càng nắng nóng thì mùi chất thải nó bốc lên càng ghê. 

Đấy là tầng trên, còn tầng dưới thì hình như nuôi cả mấy con chim ở ban công thì phải, mình cũng không chắc về số lượng nhưng mùi thì cũng "ngào ngạt" không kém tầng trên. Nhà mình ở giữa chịu hết mà cũng chẳng biết phải làm thế nào" - Thùy Linh chia sẻ.

Bất bình với hàng xóm khi ở chung cư, nên làm sao cho khéo?

Ở chung cư, việc tầng trên - tầng dưới đôi khi có những ảnh hưởng đến nhau là điều khó tránh khỏi, bất đồng có thể nảy sinh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của. Khi tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp giải quyết hiệu quả, nó có thể dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và thậm chí là những xung đột không đáng có. Vậy, trong tình huống này, bạn cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cũng như chất lượng cuộc sống của mình?

cbd4974cbd8060e76cd76f2a2728bc36-17454919853281856400836-1745550392691-1745550392804476406545.jpg

Ảnh minh họa

Trước hết, điều quan trọng là phải bình tĩnh nhìn nhận và xác định rõ nguyên nhân gây ra sự bất bình. Những vấn đề thường gặp có thể bao gồm tiếng ồn quá mức vào giờ nghỉ ngơi, các vấn đề gây mùi "í ẹ" như chia sẻ của Thu Hương và Thùy Linh - 2 cô gái trong câu chuyện phía trên, lấn chiếm không gian chung, thái độ ứng xử thiếu tôn trọng, hoặc thậm chí là những hành vi vi phạm các quy định của tòa nhà,... Việc xác định cụ thể vấn đề sẽ giúp bạn có hướng giải quyết phù hợp và tránh những phản ứng cảm tính, tiêu cực.

Sau khi đã xác định được nguyên nhân, bước đầu tiên và quan trọng nhất là cố gắng đối thoại trực tiếp và thiện chí với người hàng xóm đang gây ra vấn đề. Hãy chọn thời điểm và không gian thích hợp để trò chuyện một cách lịch sự và tôn trọng. Trình bày vấn đề một cách khách quan, tập trung vào những hành vi cụ thể gây ảnh hưởng đến bạn, tránh sử dụng những lời lẽ mang tính cáo buộc hay công kích cá nhân. Mục tiêu của cuộc trò chuyện này là để cả hai bên hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau và cùng nhau tìm ra giải pháp hợp lý. Ví dụ, nếu vấn đề là  mùi khó chịu, bạn có thể nhẹ nhàng trao đổi và đề nghị hàng xóm ra khu vực khác hút thuốc, hoặc cho thú cưng đi vệ sinh trong nhà tắm thay vì trưng dụng ban công cho việc đó.

Trong trường hợp cuộc đối thoại trực tiếp không mang lại kết quả như mong đợi, hoặc nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi phải đối diện trực tiếp, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của Ban Quản lý tòa nhà hoặc Tổ dân phố. Đây là những tổ chức có trách nhiệm quản lý và duy trì trật tự, nề nếp chung của khu dân cư. Hãy trình bày sự việc một cách chi tiết và cung cấp những bằng chứng cụ thể (nếu có), chẳng hạn như hình ảnh, video hoặc ghi âm. Ban Quản lý hoặc Tổ dân phố sẽ có trách nhiệm đứng ra hòa giải, nhắc nhở và yêu cầu hộ dân gây ra vấn đề tuân thủ các quy định chung. Họ có thể đưa ra những biện pháp xử lý hành chính theo thẩm quyền để giải quyết tình huống.

Cuối cùng, điều quan trọng là bạn cần kiên nhẫn và giữ một thái độ tích cực trong quá trình giải quyết vấn đề. Những bất đồng giữa từng hộ, giữa những cá nhân khi sống ở chung cư là điều khó tránh khỏi, và việc tìm ra một giải pháp thỏa đáng đôi khi cũng cần thời gian, không nên quá nóng vội hay gay gắt.

cover-17455505865702023090886.png

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022