Hưng Yên, vùng đất nhãn lồng nức tiếng, từ lâu vẫn giữ trong mình những nét văn hóa ẩm thực riêng biệt, bình dị mà cuốn hút. Ghé qua mảnh đất này, ngoài nhãn, tương Bần... các bạn cũng có thể trải nghiệm thưởng thức hương vị bún thang lươn đậm đà và bánh cuốn Mễ Sở mềm mịn, thơm mộc mạc. Hai món ăn tưởng chừng quen thuộc ấy, vậy mà ở Hưng Yên lại mang một sắc thái rất riêng, đủ để du khách chỉ thử một lần là nhớ mãi.

Chùa Chuông ở Hưng Yên.
Bánh cuốn Mễ Sở, món quà sáng của làng quê ven sông
Từ trung tâm thành phố Hưng Yên, xuôi về phía Nam chừng hơn 20 cây số, ta sẽ đến làng Mễ Sở, nơi nổi tiếng với món bánh cuốn rất ngon. Bánh cuốn ở đây không chỉ là món ăn sáng quen thuộc mà còn là niềm tự hào của người dân trong vùng.

Tương truyền, bánh cuốn Mễ Sở có từ thời xa xưa, khi người dân trồng nhiều lúa nếp và gạo tẻ. Những hạt gạo được vo sạch, ngâm kỹ qua đêm rồi xay thành bột nước, để lắng thật kỹ. Khi làm, người ta đổ từng lớp bột mỏng lên nồi hấp bằng vải căng, đợi chín tới là dùng thanh tre khéo léo cuốn lại. Không giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh cuốn Mễ Sở thường để tráng mỏng, có thêm chút nhân thịt băm mộc mạc chứ không có mộc nhĩ.




Điều làm nên sự khác biệt rõ rệt của bánh cuốn Mễ Sở chính là ở nguyên liệu và cách tráng bánh công phu, tỉ mỉ. Gạo dùng để làm bánh là loại gạo tám xoan thơm, được ngâm nước trong nhiều giờ rồi mới đem xay nhuyễn. Thời gian ngâm gạo phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đủ để bột mềm dẻo mà vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng, không bị chua hay lên men. Khi tráng, lớp bột được đổ lên nồi hấp, sao cho vỏ bánh không quá mỏng nhưng cũng không dày, cuộn lại mềm mại, không hề bị cứng hay gây ngán.

Một điểm đặc biệt nữa là bánh cuốn Mễ Sở không quét thêm lớp mỡ mỏng như nhiều nơi khác. Bởi vậy, bánh không bóng loáng, mà có độ lì tự nhiên của bột gạo, nhìn mộc mạc nhưng lại tinh tế. Nhờ không có lớp mỡ này, bánh ăn vào không bị ngấy, đặc biệt là trong những ngày trời lạnh, khi mỡ dễ làm người ăn thấy nặng bụng. Chính sự giản dị ấy lại khiến bánh cuốn Mễ Sở dễ ăn, càng ăn càng thấy ngon.

Người dân Mễ Sở vẫn giữ nghề làm bánh cuốn từ đời này sang đời khác, nhiều gia đình vẫn thức dậy từ 2-3 giờ sáng để chuẩn bị bột, nổi lửa. Vào những ngày lễ Tết hay dịp có khách quý, bánh cuốn Mễ Sở luôn là món đầu tiên được mời dọn ra, như một lời chào nồng hậu của người Hưng Yên.
Chúng tôi tìm đến quán bánh cuốn của cô Hoa, nằm gần UBND Mễ Sở. Hàng quán ở đây chẳng có địa chỉ cụ thể, chỉ biết là gần ngã tư UBND. Quán cô Hoa nằm bên một con đường nhỏ, cô Hoa, chủ quán ngồi ngay bên ngoài, vừa tráng bánh cuốn vừa trò chuyện với khách. Khách gọi đến đâu, thì mới tráng đến đấy. Vì thế, bánh cuốn lúc nào cũng nóng hổi thơm ngon. Miếng bánh cuốn nhỏ nhỏ xinh vừa ăn, chấm nhẹ vào bát nước chấm, chỉ đơn giản vậy thôi là đủ cho một bữa sáng nhẹ nhàng.

Bún thang lươn, nét biến tấu đậm đà của đồng bằng Bắc Bộ
Nếu nhắc đến bún thang, người ta thường nghĩ ngay đến món bún của người Hà Nội, với nước dùng trong vắt, thịt gà, trứng thái chỉ, giò lụa... Ấy thế mà ở Hưng Yên, bún thang lại khoác lên mình một diện mạo khác, đó là bún thang lươn, đặc sản của vùng đất này.

Không ai biết chính xác bún thang lươn ra đời từ bao giờ, nhưng người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau rằng, ngày xưa, những gia đình ven sông thường đánh bắt được lươn đồng, rồi đem về nấu cùng bún cho bữa sáng. Dần dà, cách làm được gìn giữ và biến tấu để thành món ăn trứ danh này.
Khác với bún thang truyền thống, bún thang lươn ở Hưng Yên có phần nguyên liệu đơn giản hơn, nhưng lại đặc biệt ở chỗ lươn được làm sạch nhớt, lọc bỏ xương rồi thái sợi. Lươn sau đó được ướp với hành khô, nước mắm ngon và tiêu, đem xào săn lên cho dậy mùi. Một tô bún thang lươn ngon phải có bún rối, nước dùng trong, ngọt tự nhiên, thoảng vị mắm tôm.



Khi ăn, lươn xào thơm được xếp lên trên, thêm chút trứng tráng mỏng và giò lụa thái sợi, hành hoa, rau răm và đặc biệt có thêm thịt ba chỉ ướp nghệ chiên giòn. Tất cả hòa quyện tạo nên một bát bún nóng hổi, đậm đà, khiến ai nếm qua cũng xuýt xoa. Đặc biệt, bún thang lươn hợp nhất khi ăn vào sáng sớm, húp một thìa nước dùng ấm nóng dường như tỉnh cả người.

Một số quán bún thang lươn lâu đời ở thành phố Hưng Yên vẫn giữ được cách chế biến truyền thống, khiến món ăn này không chỉ đơn thuần là một phần ẩm thực, mà còn là ký ức của nhiều thế hệ.
Đến với Hưng Yên lần này, chúng tôi lựa chọn bún thang lươn ở quán cô Anh, một quán lâu đời và nổi tiếng với món ăn này. Được biết, để có nước dùng ngon cho món ăn này, cô Anh ninh từ xương heo và cho thêm sá sùng. Bún thì lựa chọn bún sợi to ở làng bún Viên Tiêu huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Lươn thì là lươn đồng chắc thịt, được sơ chế cẩn thận, lọc xương và ướp muối để loại bỏ nhớt. Nhờ sự cầu kỳ đó mà bát bún thang lươn ở đây ăn rất ngon.

Nếu một ngày bạn chán chốn phố thị ồn ào, muốn tìm về với những hương vị cũ, hãy thử ghé Hưng Yên. Ngồi bên quán nhỏ, thưởng thức tô bún thang lươn nóng hổi, hay đĩa bánh cuốn trắng ngần, biết đâu, bạn cũng sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn.