Mới đây, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh những người phụ nữ vùng cao còng lưng cõng bồn nước lên bản. Nhìn bồn nước 1.200 lít nằm trên những chiếc lưng gầy guộc trên đoạn đường dốc, ai nấy đều xót xa, thương cảm.
Vậy nhưng phía sau bức ảnh này còn một câu chuyện khác của những người thầm lặng chắc chắn làm nhiều người bất ngờ.
Theo đó, một tài khoản viết: "Đường xa thì mặc đường xa. Còng lưng thì mặc còng lưng. Những người phụ nữ luống tuổi ở xã Sủng Trái (H.Đồng Văn, Hà Giang) - nơi vùng cao nguyên đá đang cõng bồn nước dung tích 1.200 lít băng rừng vượt đèo cao dốc cao để trữ nước cho gia đình".
bon-nuoc13_eqvn.jpg

Những bồn nước nặng khoảng 30kg, nhiều nhà không có xe máy hoặc có xe máy nhưng không chuyển được bồn nước nên họ phải cõng bồn về

Ảnh: N.V

Dưới bài viết này, nhiều dân mạng không khỏi ngạc nhiên vì sự rắn rỏi của người phụ nữ vùng cao. Tài khoản Lien Hoang bình luận: "Mấy cái thùng nước này nặng lắm, làm sao các bà các chị phải cõng một mình? Các ông đàn ông đi đâu hết rồi?". Nickname Facebook Cà Pháo thì nói: "Có những tấm hình ngay hiện tại, mà cứ tưởng... ngày xưa".
bon-nuoc11_zkvr.jpg

Khoảng 900 bồn nước được trao tặng cho người dân ở 3 huyện của tỉnh Hà Giang

Ảnh: N.V

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, đại diện UBND xã Sủng Trái cho biết, sau tết Nguyên Đán một nhóm từ thiện thực hiện dự án "Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá" đến xã tặng 76 bồn nước cho người dân. Những bồn 1.200 lít này nặng khoảng 30kg/bồn nhưng người dân phải tự cõng lên vì đoạn đường lên bản xe ô tô không vào được, xe máy thì cồng kềnh khó chạy.
bon-nuoc12_ojbi.jpg

Đoạn đường cõng bồn về nhà khó khăn

Ảnh: N.V

Trước đó, nhóm này đã 2 lần tặng các bồn tương tự cho bà con của xã. "Vì đoạn đường xấu khó đi nên người dân phải tự cõng bồn về. Hiện nay, đa số bà con ở xã trữ nước mưa để sinh hoạt, thiếu thì dùng can đi lấy thêm ở hồ gần nhà chứ không còn phải bỏ vào gùi như ngày xưa", đại diện xã thông tin.

900 bồn nước được trao tặng

Anh Giàng A Phớn - đại diện dự án "Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá" cho biết, thời gian thiếu nước sinh hoạt ở Hà Giang thường kéo dài từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 4 năm sau. Thông thường người dân hứng nước mưa để sinh hoạt, nhưng lại không có bồn để chứa nước. Còn trong mùa khô, người dân thường tiết kiệm nước đến mức tối đa, một gáo nước sau khi vo gạo sẽ được tận dụng để rửa rau, sau đó hứng cho gia súc uống hoặc tưới rau, rửa chân.
bon-nuoc8_rvao.jpg

Đi xe máy được đoạn nào thì đỡ đoạn đó, nhưng nhiều đoạn đường xe máy cũng không thể chở được

Ảnh: N.V

Do đó, anh Phớn cùng đồng nghiệp tận dụng quỹ phúc lợi xã hội ở công ty, đồng thời kêu gọi trên mạng xã hội để chung tay mua bồn nước tặng bà con ở cao nguyên đá.
Đến nay, dự án đã trao tặng gần 900 bồn nước 1.200 lít và 4 bồn 2.000 lít đến 14 xã trên địa bàn 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.
Anh Phớn kể, những ngày đầu bắt tay vào làm dự án, nhóm anh nghĩ sẽ tặng được 100 - 200 bồn nước. Nhưng đến nay con số đã là 900 bồn nước, điều này phần lớn nhờ vào việc dự án được chia sẻ trên mạng xã hội.
bon-nuoc9_jrtn.jpg

Cuộc sống người dân đổi khác, tiết kiệm được thời gian khi có bồn nước

Ảnh: N.V

"Có người chuyển khoản cho nhóm 100 triệu đồng mà không để lại thông tin gì hết. Điều này càng làm tôi và các thành viên nỗ lực hơn nữa để đưa bồn nước đến với đồng bào. Nhiều thôn bản đường đi rất khó khăn nên người dân phải tự cõng bồn về, nhiều đoạn đi được bằng xe máy thì chở xe máy, nhưng rồi cũng phải cõng lên vì xe máy cũng không đi được", anh Phớn tâm sự.
Ngoài những câu "so sanh" (Cảm ơn - Tiếng Mông), kỷ niệm mà cả nhóm thực hiện dự án nhớ nhất là lần đến thăm nhà của em Ly Mí Sình ở thôn Há Pia, xã Sủng Trái trong chuyến khảo sát. Nhà em Sình làm thịt gà đãi nhóm. Một bạn trong nhóm cùng mẹ Sình đi cõng nước hết 90 phút.
bon-nuoc5_lhqp.jpg

Ngày chưa có bồn nước, vào mùa khô người dân phải đi lấy nước về để sinh hoạt

Ảnh: N.V

bon-nuoc1_bwci.jpg

Đường về nhà chông chênh...

Ảnh: N.V

bon-nuoc6_cxyk.jpg

Niềm vui khi được nhận bồn nước

Ảnh: N.V

bon-nuoc4_ulbx.jpg

Dù đường về nhà có xa, có dốc nhưng họ vẫn hạnh phúc vì sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian đi lấy nước

Ảnh: N.V

Tuy nhiên, khi rửa thớt thì mọi người phải dùng hết một nửa can nước. Khi đó, em Sình nói "các anh thông cảm, một năm nhà em chỉ ăn 3-4 bữa có thịt nên giờ mới phải cọ thớt vất vả vậy"... Được tiếp đãi nồng hậu và tình cảm như vậy nên lúc ra về, ai nấy đều hạnh phúc mà lòng nặng trĩu.
Nhiều lần đi khảo sát địa điểm trao tặng bồn nước mới, anh Phớn đều quay lại thăm những nơi tặng bồn cũ. Nhìn bà con có nước mưa đầy bồn mà cả nhóm cảm thấy rưng rưng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022