Còn nhớ ở Mỹ, cái chết của George Floyd dưới tay cảnh sát đã khiến dư luận phẫn nộ đến nhường nào, khi châm ngòi cho vô số các cuộc biểu tình lan rộng sang cả nhiều nước phương Tây.
Còn tại Ấn Độ, hiện đang có một sự việc khác được truyền thông ví như "sự vụ George Floyd thứ 2". Đó là cái chết của cha con Jayaraj và Bennicks (nhiều trang tin nhầm lẫn là Fenix) tại thành phố Tuticorin (Thoothukudi), thuộc thủ phủ Tamil Nadu. Cả hai thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắt giữ và tra hỏi, với nhiều dấu vết bị bạo hành tra tấn dã man. Và hiện tại, cư dân mạng đang tạo ra một cơn bão với hashtag #JusticeForJayarajAndFenix, nhằm đòi lại công bằng cho họ.
P Jayaraj (59 tuổi - trái) và con trai J Bennicks (31 tuổi)
Cuộc bắt giữ địa ngục
Ngày 19/6/2020, P Jayaraj (59 tuổi) và con trai J Bennicks (Fenix - 31 tuổi) được triệu đến tại sở cảnh sát Tamil Nadu tại Sathankulam, để thẩm vấn về việc đã vi phạm nghiêm trọng lệnh phong tỏa tại thành phố này trong dịch bệnh. Theo đó, cả hai đã không tuân thủ yêu cầu cách ly xã hội của chính phủ, vẫn duy trì hoạt động cửa hàng bán phụ kiện điện thoại vượt quá giờ giới nghiêm trong ngày 19/6. Bản báo cáo đầu tiên được lập cho cả hai cũng trong ngày hôm đó.
Cảnh sát Sathankulam sau đó đã xin lệnh tạm giam từ tòa án. Theo ghi nhận từ India Today, tòa án đã phê chuẩn lệnh này mà không thực sự quan sát hiện trạng của Jayaraj và Bennicks, dù đây là quy trình bắt buộc để xác định xem nghi phạm có bị chấn thương không nhằm tránh để cảnh sát lạm quyền khiến sự việc đi quá xa.
Trên thực tế, có một số báo cáo ghi nhận rằng vào đêm ngày 19, rạng sáng 20, 2 cha con đã được đưa vào bệnh viện trước khi tiến hành lệnh tạm giam. Tại bệnh viện, Bennicks và cha đã không thể nói ra sự thật, do liên tục nhận phải lời đe dọa từ phía nhà hành pháp.
Đến ngày 22/6, Bennicks cảm thấy trong người không ổn, được chuyển tới bệnh viện Đa khoa Kovilpatti để điều trị nhưng không qua khỏi. Sau đó 1 ngày, cha anh - ông Jayaraj cũng qua đời. Các cáo buộc cho rằng cả hai đã bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man trong quá trình tạm giam, thậm chí một số phương tiện truyền thông còn cho rằng có thể họ đã bị tấn công tình dục, với mô tả tình trạng của họ như sau:
- Đầu gối bị đập nát, mặt bị đập vào tường, bị quất roi vào lưng đến rướm máu, bị tra tấn bằng gậy baton.
- Họ bị lột sạch đồ, tống vào tù trong tình trạng khỏa thân. Quần áo cũ của họ nhuộm đỏ máu.
- Cảnh sát xin lệnh tạm giam, nhưng chỉ 2 ngày sau họ đã qua đời, với thông báo bị sốt cao và ngưng tim.
Tìm lại công lý
Sau khi sự vụ được công bố, một làn sóng phẫn nộ đã xảy ra tại Tuticorin. Cửa hàng cửa hiệu đóng cửa để biểu tình, thể hiện phản đối về sự lạm quyền quá mức của cảnh sát. Hơn 150 người đã tham gia biểu tình tại chợ Virugambakkam, trong đó 50 người bị bắt giữ vì vi phạm lệnh phong tỏa của thành phố.
Thân nhân của Jayaraj và Bennicks đã yêu cầu mở cuộc điều tra án giết người đối với 2 thanh tra hỗ trợ, cáo buộc rằng họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cả hai. Gia đình nạn nhân cho biết họ sẽ không nhận lại thi thể của cả hai cho đến khi yêu cầu được đáp ứng, dù 2 nạn nhân hiện đang được giữ tại Bệnh viện chính phủ Tirunelveli.
Ghi nhận sự việc, tòa án tối cao Madras đã đưa ra yêu cầu phải có bản báo cáo chậm nhất là vào 26/7. Quản lý nhà tù cho biết, Bennicks đã bị thương từ trước khi được đưa vào phòng giam. Theo lời Sandeep Nanduri, nhà thu thập chứng cứ, cả hai trước đó đã bị giam giữ trong phòng tạm giam tại Kovilpatti. "Có lời tố cáo cho rằng cả hai đã bị sát hại trong quá trình thẩm vấn. Một cuộc điều tra tư pháp đã được tiến hành," - ông cho biết.
Tòa án tối cao hôm 24/6 đã ra quyết định đảm bảo hành động pháp lý trong việc điều tra về cái chết bí ẩn của hai cha con P Jayaraj và Bennicks, đồng thời tiến hành bồi thường cho thân nhân. Bộ trưởng tư pháp cho biết 2 điều tra viên liên quan đến sự việc đã bị đình chỉ, trong khi thanh tra cảnh sát Sathankulam bị tạm giữ, chờ đợi quyết định.
Sự vụ đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên Twitter, với sự đồng hành của nhiều người nổi tiếng, nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra. "Liệu chúng ta có thể chứng kiến cơ quan hành pháp điều tra mà không có bất kỳ sự trì hoãn nào? Thủ phạm không được phép trốn thoát. Một gia đình đã mất đi những người thân yêu. Công lý bị trì hoãn là thứ công lý bỏ đi." - Khushbu Sundar, một diễn viên Ấn Độ thẳng thắn nhận định.