Dịp giáp Tết, ngoài Nhà bà Nữ, Trấn Thành gây chú ý khi tham gia phim điện ảnh Đất rừng phương Nam (đạo diễn Quang Dũng) với vai trò diễn viên và đồng đầu tư, dự kiến công chiếu trong năm.
Lần đầu lên tiếng về dự án, anh cho biết tham gia với vai bác Ba Phi - một nhân vật luôn tạo tiếng cười, mang niềm vui đến cho mọi người. Ba Phi thường kể những câu chuyện nghe tưởng chừng phóng đại, thậm chí vớ vẩn, nhưng cuối cùng vẫn xảy ra trong thực tế.
Nghệ sĩ Trấn Thành (trái) bên đạo diễn Quang Dũng trong buổi khởi động dự án "Đất rừng phương Nam" cuối năm 2022. Ảnh: Huyền Đỗ
Theo nghệ sĩ, nhân vật Ba Phi như một nhà tiên tri, dự đoán được nhiều tình huống trong thời cuộc loạn lạc. Ước mơ của bác Ba Phi đại diện cho niềm hy vọng chung của người dân về cái kết viên mãn giữa cuộc sống nhiều khốn khó. "Tôi hy vọng qua diễn xuất của tôi, khán giả sẽ thấy một bác Ba Phi khác biệt, có màu sắc riêng, đồng thời không so sánh tôi với những nghệ sĩ gạo cội đã đóng vai này", anh nói. Trong bản truyền hình, nhân vật này do nghệ sĩ Mạc Can thể hiện, ghi dấu với lối diễn dí dỏm, gần gũi. Biệt danh "bác Ba Phi" cũng gắn với Mạc Can từ đó, giúp ông đến gần với công chúng hơn.
Ngoài việc đóng phim, Trấn Thành còn góp vốn. Anh nhận lời đầu tư vì muốn ủng hộ một tác phẩm giàu giá trị lịch sử. "Tôi mong một phim mang đậm dấu ấn Việt như thế sẽ đạt doanh thu cao. Tôi không muốn giữ định kiến rằng cứ phim lịch sử thì sẽ khô khan, thất bại về thương mại. Đó là quan niệm cũ", anh nói.
Trấn Thành tham gia trực tiếp vào khâu nội dung, góp ý ở bản dựng cuối. Nghệ sĩ kỳ vọng với việc đóng góp chất xám vào cách kể chuyện của phim, tác phẩm sẽ lôi cuốn người xem đến rạp, giới thiệu Việt Nam đến công chúng quốc tế. Anh cho biết: "Tôi thích những tác phẩm có thể khiến khán giả nước ngoài xem để hiểu người Việt hơn, và mong Đất rừng phương Nam là một phim như thế".
Đại cảnh đầu tiên được công bố của "Đất rừng phương Nam". Ảnh: Huyền Đỗ
Đạo diễn Quang Dũng nói biết ơn Trấn Thành khi tham gia dự án. Theo anh, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư không hứng khởi với thị trường phim Việt, Trấn Thành đã cảm nhận được sự thú vị của kịch bản, sẵn sàng hỗ trợ và góp vốn. "Tôi rất cảm động vì những dự án kinh phí lớn, đề tài nghiêm túc như thế này thường khó khăn gấp nhiều lần các phim thương mại thông thường", đạo diễn nói.
Đoàn làm phim Đất rừng phương Nam khởi quay ở nhiều bối cảnh miền Tây từ cuối năm ngoái. Một trong những đại cảnh đầu tiên diễn ra ở rừng tràm Trà Sư (An Giang). Hơn 300 diễn viên quần chúng tham gia phân cảnh được đầu tư nhất phim. Êkíp dựng mới 70% cho bối cảnh, do rừng tràm đang được khai thác làm khu du lịch sinh thái, một số cơ sở vật chất không phù hợp để quay. Tổ thiết kế mất 1,5 tháng để dựng bối cảnh chợ nổi, bài trí hàng trăm món nội thất, phụ kiện.
Ngoài ba gương mặt nhí đóng An, Cò, Xinh - dàn nhân vật chính của phim, các diễn viên còn lại gồm nghệ sĩ Công Ninh, Kiều Trinh, Trấn Thành, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Tuấn Trần... Bối cảnh trải dài nhiều tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh...
Đơn vị sản xuất nắm bản quyền làm phim từ 5 năm trước, song lúc đó chưa đủ kinh phí lẫn điều kiện sản xuất. Quang Dũng giữ lại tên phim giống tiểu thuyết gốc, thay vì lược mất chữ "rừng" như bản truyền hình Đất phương Nam năm 1997. Khi đó, kịch bản buộc bỏ bớt yếu tố "rừng" để giảm chi phí sản xuất. Quang Dũng tự tin có thể thực hiện tác phẩm đúng tinh thần nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi.
Ca khúc "Bài ca đất phương Nam" (nhạc: Lư Nhất Vũ, thơ: Lê Giang) do Tô Thanh Phương trình bày. Video: TFS
Nghệ sĩ Vinh Sơn - đạo diễn Đất phương Nam - làm cố vấn sản xuất. Diệp Thế Vinh đảm nhận đạo diễn hình ảnh, nhạc sĩ Đức Trí là giám đốc âm nhạc. Phim do nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan - giám đốc đơn vị làm phim Bố già, Tiệc trăng máu, Tháng năm rực rỡ - phụ trách. Êkíp kỳ vọng quay tác phẩm thành nhiều phần, mỗi phần là một trải nghiệm của cậu bé An với từng vùng đất, con người Nam bộ, phần đầu sẽ là Cậu bé tìm cha.
Phim truyền hình Đất phương Nam ra mắt năm 1997, dài 11 tập, về cậu bé An mồ côi mẹ, tha phương đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những mảnh đời lầm than dưới ách áp bức của địa chủ, thực dân. Hoàn cảnh đưa đẩy họ trở thành những nông dân khởi nghĩa. Tuy cực khổ, An vẫn luôn sống trong sự đùm bọc của những người thương yêu - nguồn động lực đưa cậu vượt qua gian khổ. Sau khi phát sóng, tác phẩm gây sốt, trở thành một trong những phim truyền hình kinh điển với nhiều thế hệ khán giả.
Phân cảnh những người Nam bộ bị giặc ngoại xâm giết hại trong "Đất phương Nam" (1997). Video: TFS
Mai Nhật