Trailer phim tài liệu "Không Sợ Hãi" - phát sóng từ ngày 9/7. Video: Galaxy
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện tác phẩmtừtháng 7/2021 - thời điểm dịch bùng phát, bối cảnh ở TP HCM và một số tỉnh lân cận, quay suốt ba tháng. Phim được chia thành năm tập, mỗi tập xoay quanh một nhóm nhân vật, khắc họa những ngày thành phố chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19. Đạo diễn cho biết khác một số phim tài liệu về đại dịch, anh không tái hiện đau thương, mà chủ yếu xoáy vào những câu chuyện truyền cảm hứng của các tình nguyện viên, lực lượng y bác sĩ.
Chẳng hạn, tập hai là câu chuyện về Oxy Sài Gòn - kể chuyện những người chuyên chở các bình oxy miễn phí khắp nơi ở TP HCM. Trước tình hình thiếu hụt nguồn oxy khi dịch bệnh bùng phát, họ tự mua bình sau đó lái xe để phân phối cho các bệnh nhân đang nguy kịch. Nhiều thành viên trong nhóm từng mắc Covid-19, sau khi khỏi liền xin tham gia tình nguyện. Phim ghi lại cảnh đường dây nóng của nhóm liên tục vang lên những cú điện thoại cầu cứu giữa đêm khuya, khoảnh khắc tình nguyện viên đẫm mồ hôi vác bình oxy trong bộ áo bảo hộ.
Tập ba xoay quanh đôi anh em một gia đình ở Thuận An, Bình Dương. Sau khi nhiễm bệnh và khỏi, họ xin làm tình nguyện viên hỗ trợ trong một bệnh viện, nơi cha họ đang điều trị Covid-19. Không chỉ chăm sóc cha, họ phụ các bác sĩ theo dõi từng bệnh nhân chuyển biến nặng để ứng phó kịp thời. Khi người cha nguy kịch, sợ ông khó quá khỏi, họ viết một bức thư, nhờ bác sĩ thay giúp ông bộ quần áo tươm tất trước lúc đưa đi hỏa táng. Tập năm là câu chuyện về những bác sĩ nhiệt huyết, lái xe máy qua các con đường đầy dây chăng, chốt phong tỏa, đến những con hẻm lực lượng y tế khó tiếp cận. Họ động viên người dân - trong đó những cụ ông, cụ bà gần đất xa trời - bằng niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.
Một tình nguyện viên mang oxy cho bệnh nhân Covid-19 và con nhỏ trong phim. Ảnh: Galaxy
Trong buổi công chiếu sớm hôm 8/7, nhiều khán giả xúc động khi xem tác phẩm. Khán giả Ngọc Thạch (35 tuổi) cho biết phim khiến anh liên tục khóc, nhớ lại ký ức nhiều người thân của anh qua đời vì Covid19. "Tôi cũng nhìn được bức tranh tổng thể hơn về đại dịch. Phim khiến tôi nhận ra: Những người có thể tiếp tục sống, hãy sống một cách tốt đẹp hơn", Ngọc Thạch nói. Hoa hậu Hương Giang cảm động về những phân cảnh về tình người. Cô nhớ nhất câu chuyện về hai người con ở Bình Dương khi họ dũng cảm vào bệnh viện làm tình nguyện viên để có thể gần cha họ những ngày cuối đời. Hương Giang cũng ấn tượng cách đạo diễn kể song song hai chuyện đối lập - một cô gái 17 tuổi có cha mẹ mất vì Covid-19 và một cặp vợ chồng già vượt qua căn bệnh để trở về bên nhau.
Phạm Phương Linh - sáng lập nhóm Oxy Sài Gòn - khóc khi xem lại các thước phim. Chị nói tên phim là Không Sợ Hãi nhưng thực tế, mọi thứ rất đáng sợ với nhóm. Các thành viên đều tham gia nhóm lúc chưa tiêm vaccine, trong bối cảnh dịch lây lan nhanh. Sợ ảnh hưởng người nhà, họ quyết định ăn, uống, ngủ nghỉ tại chỗ. "Nhớ lại những ngày đó thì rất ám ảnh, nhưng lúc ấy chúng tôi chỉ có suy nghĩ là phải làm từ thiện, giúp được gì thì giúp hết mình", Phương Linh nói.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (trái) bên bác sĩ Phan Xuân Trung - một nhân vật trong phim. Ảnh: Thuý Diễm
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết lúc đó anh đi theo một người quen - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - từ Hà Nội vào vùng dịch. Một mình anh đảm nhận các công việc, từ ghi hình đến phỏng vấn. Khi anh tiếp cận, nhiều nhân vật ban đầu từ chối nhưng sau đó được đạo diễn thuyết phục về ý nghĩa của tác phẩm. Điều anh băn khoăn nhất khi làm phim là sợ khơi dậy nỗi đau của các hoàn cảnh. "Rất may, tôi đều được họ ủng hộ. Hai người con trong tập ba còn gửi lại các bức hình của cha họ sinh thời để tôi biên tập, như một cách lưu giữ hình ảnh cha mãi trong tim", đạo diễn nói. Anh cho biết vẫn tiếp tục dựng phim để ra mắt các tập khác.
Khán giả xem buổi chiếu sớm "Không sợ hãi" chiều 8/7. Ảnh: Thuý Diễm
Đạo diễn - biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 ở Hà Nội. Năm 1995, anh theo học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với tác phẩm Cuốc xe đêm - phim Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế. Đạo diễn sáng lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hội điện ảnh Việt Nam từ năm 2002.
Mai Nhật