Trong 16 tác giả và nghệ sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần này, NSND Ứng Duy Thịnh được ví như cánh chim không mỏi của nền nghệ thuật múa Việt Nam. Ông là tác giả của những vở kịch múa kinh điển đi cùng năm tháng như “Đất nước”, “Ngọn lửa”, “Trăng treo”. Cống hiến của ông cho nghệ thuật nước nhà khiến bạn nghề nể trọng, công chúng yêu mến.
PV: Ở tuổi ngoài 70, bước chân của ông đã đi khắp các mặt trận chiến trường ác liệt nhất đem lời ca điệu múa cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Những năm tháng phục vụ trong chiến trường có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác của ông?
NSND Ứng Duy Thịnh: Từ năm 1969 đến năm 1975, tôi có đi phục vụ rất nhiều chương trình lớn, những chương trình mang tính chất xung kích đi sâu vào các mặt trận biểu diễn gặp gỡ bộ đội. Tôi được trực tiếp tham gia một số chương trình phục vụ trong chiến trường. Mặc dù không phải người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng tôi cũng có những lúc cận kề ranh giới sống chết. Tôi thấy được sự hy sinh của những người lính. Chính những yếu tố đó làm cho tôi trở thành tác giả sau này.
PV: Sau những năm tháng đi biểu diễn khắp các chiến trường như thế, có kỷ niệm nào khiến ông nhớ mãi?
NSND Ứng Duy Thịnh: Tôi nhớ mãi kỷ niệm khi biểu diễn ở Vĩnh Linh, Quảng Bình. Chiến trường khi đó ác liệt lắm. Bộ đội ta sau khi chiến đấu trở về từ mặt trận xem văn công chúng tôi biểu diễn. Chương trình có tiết mục với cảnh anh bộ đội cầm súng đánh nhau với lính ngụy. Nhưng trong đó còn có cả múa dân gian các dân tộc, múa nón, múa xòe hoa…
Khi diễn viên múa xong ngồi xuống với khán giả, tôi ngồi cạnh một anh bộ đội, hí hửng hỏi “Này ông này, chúng tớ biểu diễn có hay không?, anh trả lời: “Hay quá, bọn tớ đánh nhau thật, mùi thuốc súng thật, chết thật mà các cậu diễn đóng giả là bộ đội, đóng giả là lính Mỹ cầm khẩu súng gỗ chạy lên chạy xuống chết giả vờ. Nhưng rồi lại có cả múa nón, múa xòe hoa…làm những người lính thấy được đất nước mình đẹp quá, có chết cũng phải bảo vệ”. Câu nói đó làm thức tỉnh tôi đầu tiên.
PV: Trở về nước sau nhiều năm học lớp biên đạo tại Liên Xô, NSND Ứng Duy Thịnh bắt tay thực hiện vở thơ múa “Con đường ra chiến dịch”. Ông chia sẻ gì về tác phẩm này?
NSND Ứng Duy Thịnh: Tôi về nước vào năm 1984 đúng dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và ông đoàn trưởng là nghệ sĩ - nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đặt vấn đề cho tôi: “Bây giờ cháu làm tác phẩm kỷ niệm 30 năm kéo pháo Điện Biên Phủ”.Và tác phẩm đầu tay của tôi là tác phẩm thơ múa dài khoảng 30 phút. Tuy vẫn sử dụng hình ảnh anh lính kéo pháo ở mặt trận, nhưng ở Điện Biên không chỉ là mỗi anh bộ đội mà cả đất nước, cả dân tộc kéo pháo. Hôm biểu diễn ở Nhà hát Lớn lúc đó, tôi bố trí dựng sân khấu nhiều dây pháo, kéo từ trong khán giả kéo lên cánh gà - sân khấu kéo pháo Điện Biên để làm nên chiến thắng lịch sử. Tác phẩm sau đó đã nhận được hai huy chương Vàng.
PV: Dường như thành công của “Con đường ra chiến dịch” là sự khởi đầu mát tay để ông tiếp tục sáng tác ra tác phẩm múa thấm đẫm hơi thở người lính?
NSND Ứng Duy Thịnh: Tôi có hai lý do vào quân đội, một là hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tạo cho tôi quyết tâm nỗ lực lớn để tôi vượt lên. Thứ hai là tôi đã có những năm tháng cuộc đời gần gũi với những người lính. Tôi luôn muốn nói lên vẻ đẹp của người lính. Tôi tự nhận mình là một biên đạo múa đi tìm cái đẹp của cuộc đời.
PV: Viết về người lính, ông có tác phẩm “Bài ca ra trận” mà ông đã truyền vào đó một tinh thần lạc quan, một niềm tin vào chiến thắng. Vì sao vậy ạ?
NSND Ứng Duy Thịnh: Tôi muốn nói là các thế hệ Việt Nam ra trận, như ngày hội hào hứng lên đường. Tôi nhớ khoảnh khắc ở ga Hàng Cỏ, khi bộ đội đi qua, họ vẫy tay với khuôn mặt rạng rỡ. Có lẽ đó là căn nguyên để chúng ta làm nên chiến thắng. Vẻ đẹp của người lính trong chiến tranh cần phải tái hiện. Do đó, trong “Bài ca ra trận”, tôi đều nói ở những tình huống rất lạc quan. Tôi không mô tả lính địch, không mô tả bên kia. Tôi chỉ mô tả cái vẻ đẹp của người lính trong một trạng thái lạc quan, chia tay cũng lạc quan, đánh nhau cũng lạc quan.
PV: Ngoài những tác phẩm thấm đẫm hơi thở người lính, “Trăng treo” lại thể hiện cái nhìn thấu hiểu, sẻ chia của biên đạo với những người phụ nữ Việt Nam đi qua chiến tranh. Ông có thể chia sẻ gì về tác phẩm này?
NSND Ứng Duy Thịnh: Trong vở kịch múa kéo dài 2 tiếng, tôi chỉ toàn nói về phụ nữ. Có rất rất nhiều số phận người đàn bà đã phục vụ chiến tranh và khi chiến tranh kết thúc họ ốm yếu, không chồng, không có con, không có gia đình. Họ rất anh dũng, đã hy sinh cả tuổi trẻ cho chiến tranh. “Trăng treo” như một lời nhắc nhở cho thế hệ đang sống ngày nay. Chúng ta đang sống bên cạnh những con người đã cống hiến như vậy thì mỗi người phải nên suy nghĩ lại cách sống của mình.
Tôi nghĩ rằng trong nghệ thuật, anh phải tạo được sự đồng cảm, đồng hành với khán giả được bằng cảm xúc hay nói khác để làm tổ trong trái tim người xem. Ví dụ có những đoạn mà ở giữa chiến trường như vậy, mấy cô gái ngồi tựa vào nhau vừa mới trải qua một trận bom, một cô đọc lên câu thơ “Bao giờ hết chiến tranh/Em về với mẹ húp canh cua đồng…Gái chưa chồng phụ công cha mẹ/Em chưa chồng biết tính sao đây?...”.
PV: Sáng tác ra những tác phẩm lớn về đề tài người lính chiến tranh cách mạng nhưng cách mà NSND Ứng Duy Thịnh thể hiện tình cảm trong đó rất đặc sắc. Điển hình như màn thể hiện tình cảm của người vợ hậu phương dành cho chồng nơi tiền tuyến tại kịch múa “Đất nước”. Ông đã làm như thế nào?
NSND Ứng Duy Thịnh: Làm thế nào thể hiện được tình yêu của người vợ hậu phương với người chồng trong sáng tác rất khó, nhất là múa. Ban đầu tôi bí ý tưởng. Nhưng rồi tôi mới tìm được một tình huống mà sau này mọi người ca ngợi là tình huống rất giỏi. Đó là hình ảnh người mẹ trong một căn nhà lá đèn dầu đang dạy đứa con chữ cái đầu tiên vẽ trên một cái mẹt bằng phấn. Chữ cái đầu tiên là chữ “b”, thế là giơ lên khán giả không hiểu là cái gì xong rồi mẹ lại vuốt đầu con để con học tiếp đi. Viết xong một lúc nó viết tiếp, giơ lên chữ “bố”. Điều đó thể hiện tình yêu của người vợ hậu phương dồn hết cho đứa con. Đó là một cách thể hiện bằng múa.
PV: Hơn nửa cuộc đời sống và cống hiến cho nghệ thuật múa. Theo ông, điều gì ở múa đã khiến ông vẫn cống hiến cho đến ngày hôm nay?
NSND Ứng Duy Thịnh: Tôi thấy con người luôn luôn đi tìm cái đẹp, cái đẹp trong quan hệ con người, trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ múa có sức mạnh ghê gớm lắm. Nó có thể thay lời nói. Chỉ có điều là trong thực tế Việt Nam, ngôn ngữ múa không phổ cập như một ca khúc, nhưng trong đầu người ta để lại một hình tượng nào đó rồi thì người ta sẽ nhớ mãi, ám ảnh mãi. Có lẽ cuộc đời mình cho nhau những cái đẹp của cuộc đời bằng múa cũng là hạnh phúc rồi. Quan điểm sống của tôi là cố gắng tìm cái đẹp mà cái đẹp đó hạnh phúc đối với người biên đạo là biết đưa lên sân khấu và mỗi một tác phẩm phải để lại cho cuộc đời một thông điệp gì đó.
PV: Xin cảm ơn ông!./.