Jeremy Chua từng tham gia thực hiện phim Việt Tro tàn rực rỡ Bên trong vỏ kén vàng (giải Camera d'Or Liên hoan phim Cannes 2023). Hiện anh là tổng giám đốc Liên hoan phim quốc tế Singapore (SGIFF), sự kiện lần thứ 35 diễn ra từ ngày 28/11 đến 8/12. Dịp này, nhà sản xuất nói về vai trò của điện ảnh Việt đối với thị trường trong khu vực và quốc tế.

- Điện ảnh Việt có yếu tố nào khiến anh ấn tượng và tham gia cộng tác?

- Những bộ phim của các đạo diễn Việt thường cho thấy nhiều điều về văn hóa, lịch sử, phong cảnh và lối sống của người dân. Tôi thích phim của Trần Anh Hùng, theo dõi thế hệ trẻ như Dương Diệu Linh, Phạm Ngọc Lân và Ash Mayfair. Nhưng phải kể đến Bi, đừng sợ! (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di là phim khiến tôi tò mò về điện ảnh Việt. Thời điểm đó, tôi đang viết kịch bản đầu tay, phim A Yellow Bird (2016). Tôi khám phá ra vẻ đẹp của những chi tiết trừu tượng, trữ tình được cài cắm trong phim.

jeremy-1734590968-1734590991-1-5601-8304-1734591871.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-irqoG569f_J6dI2GwGZ9g

Tổng giám đốc Liên hoan phim quốc tế Singapore Jeremy Chua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Với góc nhìn của anh, dòng phim nghệ thuật của Việt Nam phát triển thế nào những năm qua?

- So với 20 - 30 năm trước, tôi nghĩ sự khác biệt lớn của điện ảnh Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là có nhiều nhà sản xuất có khả năng phát triển và tài trợ cho các dự án độc lập. Nhờ sự hỗ trợ của họ, nhà làm phim có cơ hội khai thác đa dạng thể loại, chủ đề lẫn ngôn ngữ hình ảnh. Điều này tạo điều kiện cho đạo diễn vạch ra kế hoạch tiếp cận thị trường nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các liên hoan phim quốc tế.

Các đạo diễn Việt luôn cởi mở bày tỏ quan điểm của họ trong phim. Tôi cảm nhận được chất thơ trong cách họ quan sát cuộc sống. Nếu có dịp thưởng thức bộ phim của thế hệ nhà làm phim trẻ ngày nay, bạn sẽ thấy họ có cá tính và quan điểm riêng biệt.

Tuy nhiên, để phim độc lập ghi dấu ấn quốc tế, cần sự hỗ trợ của chính phủ. Từ đó, các êkíp có thể duy trì công việc, tiếp tục sản xuất dự án. Hiện nhiều phim Việt đang được công ty từ Pháp, Hàn Quốc, Singapore hoặc Philippines sản xuất. Khi các nhà sản xuất Việt Nam được tạo điều kiện để thực hiện, họ sẽ tự động kết nối với thị trường quốc tế và đưa các sản phẩm ra toàn cầu, từ đó giúp nền điện ảnh nước nhà phát triển.

- Bên cạnh phim nghệ thuật, anh quan tâm thế nào về các tác phẩm thương mại Việt?

- Phim thương mại đang làm tốt ở thị trường trong nước, thậm chí là quốc tế. Một bộ phim muốn thu hút khán giả đại chúng cần có kịch bản gần gũi, tạo sự đồng cảm cho người xem, đồng thời được đầu tư quảng bá, hiệu ứng truyền miệng tốt.

Tôi thấy Mai của Trấn Thành là một thành công, trong nước lẫn ở Mỹ và châu Âu. Các phim của Trấn Thành thường đạt doanh thu cao, góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường phim ảnh. Điều này giúp công chúng quốc tế biết đến dự án, thu hút thêm nhà đầu tư, đồng thời chứng minh phim Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở nước ngoài, về chất lượng sản xuất lẫn nội dung.

trailer-phim-mai-cua-tran-thanh-1706777833.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lsBLXHWKMMnkPdb4WODoQg
Trailer phim 'Mai' của Trấn Thành

Trailer phim "Mai" (2024). Video: Trấn Thành Town

- Anh nghĩ Việt Nam có thể học hỏi những gì từ kinh nghiệm của Singapore để phát triển điện ảnh?

- Các nhà làm phim Singapore nhiều lần hợp tác sản xuất với Pháp, từ đó gửi phim tham dự một trong những sự kiện nổi tiếng nhất thế giới - Liên hoan phim Cannes. Trong lần tổ chức năm 2016, chúng tôi có hai phim - Apprentice (2016) và A Yellow Bird (2016) - được chọn chiếu tại Cannes. Thành công này cho thấy sự hiệu quả của mô hình hợp tác quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim Singapore.

Chúng tôi còn học tập hệ thống xây dựng văn hóa và nghệ thuật của nước này, điều chỉnh để có chính sách phù hợp cộng đồng. Các chính sách chính thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh Singapore là các khoản tài trợ quốc tế - để nhà làm phim tham gia các khóa học, chợ dự án - và các chương trình sản xuất phim thương mại lẫn nghệ thuật. Các nhà làm phim có thể nộp đơn xin quỹ để phát triển và sản xuất từ Ủy ban Điện ảnh Singapore (SFC). SFC tài trợ học bổng để họ tham gia chương trình phát triển dự án, hỗ trợ chi phí đi lại cho êkíp có tác phẩm được chọn chiếu tại các liên hoan phim quốc tế uy tín.

Giáo dục là yếu tố cốt lõi để nuôi dưỡng tình yêu phim nghệ thuật ở mọi quốc gia. Tại Việt Nam, việc tổ chức các buổi chiếu, kết hợp các hoạt động đối thoại, tọa đàm sẽ giúp khán giả tiếp cận và hiểu hơn về những giá trị mà phim nghệ thuật mang lại.

6c6a0618-1734591715-1734591761-6702-1734591871.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ny097sptahdoDRU3E5Trxw

Jeremy Chua (phải) và giám đốc chương trình của Liên hoan phim quốc tế Singapore Thong Kay Wee ở lễ bế mạc sự kiện lần thứ 35, hôm 8/12. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Hiện Việt Nam hình thành nhiều liên hoan phim nhưng thường gặp các vấn đề về nguồn kinh phí tổ chức, anh có chia sẻ gì về điều này?

- Liên hoan phim là sự kiện phản ánh đời sống tinh thần của quốc gia. Một liên hoan phim thành công giống như cuốn sách hay, sẽ mở ra cho bạn một thế giới mới. Nó không chỉ gồm các buổi ra mắt phim hay trao giải, mà là nơi để mọi người giao lưu, hỏi đáp sau khi chiếu phim, giúp những nghệ sĩ hàng đầu và tài năng trẻ có cơ hội trò chuyện và thảo luận.

Tôi nghĩ mọi liên hoan phim cần cân bằng các yêu cầu về tài trợ và định hướng nghệ thuật. Điều này phải có sự chung tay hỗ trợ của các ban ngành và cần có ban tổ chức uy tín, có chuyên môn. Trong giai đoạn đầu tổ chức, các liên hoan phim không nhất thiết phải quy mô lớn tầm cỡ quốc tế, mà quan trọng phải phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả và đóng góp tích cực vào sự phát triển điện ảnh nước nhà.

Jeremy Chua, 36 tuổi, là nhà làm phim người Singapore. Năm 2014, anh thành lập công ty Potocol sản xuất các phim A Yellow Bird (chiếu trong tuần lễ phê bình Liên hoan phim Cannes 2016), A Lullaby to the Sorrowful Mystery (giải Alfred Bauer Liên hoan phim Berlin 2016), Tro tàn rực rỡ (giải Golden Balloon Liên hoan phim Ba châu lục 2022), Bên trong vỏ kén vàng (giải Camera d'Or Liên hoan phim Cannes 2023). Tháng 11/2023, anh được trao giải FIAPF vì những đóng góp nổi bật cho điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương, tại Giải thưởng Màn ảnh châu Á - Thái Bình Dương.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022