Mới đây, sự việc bộ phim Cô Ba Sài Gòn của Ngô Thanh Vân bị một khán giả tại Vũng Tàu quay trộm và livestream trên một trang fanpage khiến nhiều người coi được trên mạng gây xôn xao dư luận.
Câu nói của Ngô Thanh Vân: "Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy!" chính là khái quát lại quá trình chuyển từ diễn viên sang nhà sản xuất của cô vô cùng gian nan, không phải do thiếu quyết tâm, thiếu ý tưởng mà đều bị tác động bởi ngoại cảnh.
Hết mình làm phim rồi không được ra rạp!
Lần đầu tiên Ngô Thanh Vân ngồi ghế nhà sản xuất là khi thực hiện bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Với mỗi người dân Việt, Tấm Cám là câu chuyện cổ tích dân gian vô cùng quen thuộc vì vậy ai cũng ngóng chờ việc chuyển thể Tấm Cám lên trên màn ảnh.
Ngô Thanh Vân vừa là diễn viên vừa là nhà sản xuất của "Tấm Cám: Chuyện chưa kể".Tuy nhiên, sự nhiệt huyết và quyết tâm sản xuất những tác phẩm đậm chất Việt của Ngô Thanh Vân lại gặp phải rất nhiều trắc trở. Còn nhớ tháng 8/2016, truyền thông và người hâm mộ xót xa khi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bật khóc trong buổi giới thiệu phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Lý do là bởi bộ phim tâm huyết của cô không thể phát hành tại cụm rạp CGV.
CGV là cụm rạp lớn nhất tại Việt Nam với số lượng phòng chiếu nhiều nhất. Phía Ngô Thanh Vân mong muốn Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ được công chiếu tại CGV để đến được với nhiều khán giả hơn nhưng do tỷ lệ ăn chia doanh thu mà phía CGV đề nghị vô cùng thấp nên Ngô Thanh Vân chỉ có thể... bật khóc.
Ngô Thanh Vân tức tưởi vì phim không được đến với nhiều khán giả hơn.Đây cũng không phải lần đầu CGV bị tiếng "chèn ép" các doanh nghiệp điện ảnh trong nước. Hồi tháng 5/1026, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội Điện Ảnh khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.
Câu chuyện của Tấm Cám: Chuyện chưa kể chỉ là giọt nước làm tràn ly khiến nữ diễn viên không thể không lên tiếng và giúp khán giả nhận ra cuộc chiến ngầm trong giới làm phim cũng như nhận ra những bước đường khó khăn của các nhà sản xuất khi muốn đưa một bộ phim đến tay khán giả.
Dẫu là cô gái mạnh mẽ như Ngô Thanh Vân cũng không nén nổi nước mắt, khóc trước mặt rất nhiều phóng viên cũng đủ thấy những khó khăn mà cô đã phải chịu đựng và kìm nén trong thời gian qua.
Đến khi ra rạp lại bị quay trộm!
Nhưng đến hiện tại, khi làm phim đã có thể thuận lợi ra rạp thì tác phẩm của Ngô Thanh Vân lại gặp phải vấn đề khác cũng đau đầu không kém, đó chính là việc bị xâm phạm bản quyền. Nhưng nếu như câu chuyện rạp chiếu là vấn đề về bài toán kinh tế, một vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết thì vụ việc lần này Ngô Thanh Vân quyết không chịu thua.
"Cô Ba Sài Gòn" cũng bị quay trộm, trước đó "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" cũng gặp phải tình huống tương tự.Thực chất, bản quyền vốn là một vấn đề nan giải tại Việt Nam, từ âm nhạc đến phim ảnh, các ý tưởng và sản phẩm bị đạo nhái, bị ăn cắp, bị xem chùa là điều dễ dàng bắt gặp mà không có hướng giải quyết.
Nếu như hành vi này không được phía rạp chiếu phát hiện kịp thời và phía Ngô Thanh Vân ra tay giải quyết nhanh chắc chắn sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho doanh thu của phim. Không những vậy, đây là sự chà đạp lên công sức của cả một ekip đã làm việc vất vả hàng tháng trời mới tạo ra được bộ phim.
Ngô Thanh Vân làm việc với công an để giải quyết vụ việc.Còn nhớ, nghệ sĩ ưu tú Chánh Tín cũng vì nạn sao chép trộm phim mà mất nhà mất cửa. Trước đó, ông thế chấp nhà, vay vốn để làm phim Dòng máu anh hùng. Bộ phim thành công và nhận được nhiều sự khen ngợi nhưng cuối cùng doanh thu lại thua lỗ do bị sao chép quá nhiều ở cả trong và ngoài nước. Sau đó, lãi mẹ đẻ lãi con, để đến khi về già ông sống trong cảnh không nhà, không cửa, bệnh tật mà vẫn phải lo lắng về khoản nợ khổng lồ.
Với kinh nghiệm đau thương từ người đi trước như vậy, chẳng khó hiểu khi Ngô Thanh Vân tức giận đến phát khóc: "Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ekip của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tĩnh lại".
Câu chuyện làm phim của riêng Ngô Thanh Vân cũng chính là thực trạng chung của nền điện ảnh Việt Nam. Đó là hai trong nhiều vấn đề rất nhức nhối khiến các nhà làm phim đau đầu. Quá trình làm phim ngoại trừ đam mê và tài năng còn cần phải có một tâm lý vững chãi, sự khôn ngoan để vượt qua các chướng ngại. Từ tìm kiếm đề tài mới lạ, thu hút đầu tư, lựa chọn diễn viên, xây dựng kịch bản, đến khi đàm phán phát hành rồi bảo đảm bản quyền.... Bất cứ lúc nào các nhà làm phim cũng có thể gặp khó khăn khiến họ bất lực. Thậm chí, Ngô Thanh Vân còn chán nản đến mức không muốn làm phim với cảm giác lo lắng như vậy.
Dù có tâm đến đâu, gặp quá nhiều khó khăn cũng khiến Ngô Thanh Vân nản chí.Hơn ai hết, chính khán giả phải là người góp phần giúp đỡ những nhà làm phim tâm huyết bằng việc bảo vệ bản quyền, ủng hộ phim Việt, tiếp thêm cho họ sức mạnh và đam mê để cống hiến cho nền điện ảnh Việt.