Ngày trở về là chương trình đặc biệt của Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là chương trình được thực hiện thường niên và phát sóng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và cũng là một trong những chương trình được đầu tư kỹ lưỡng về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện của Ban Truyền hình Đối ngoại mỗi năm.
Năm nay, chương trình sẽ có chủ đề "Như hạt phù sa", đi sâu vào những câu chuyện về những người con gốc Việt đang trong hành trình sáng tạo để văn hoá Việt bám rễ sâu hơn ở nước sở tại, tạo dựng một chỗ đứng vững chắc, trở thành tinh hoa của thế giới, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và trân trọng.
Vẫn như mọi năm, những câu chuyện trong Ngày trở về luôn đa dạng và đặc sắc. Đó là câu chuyện của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai - người Việt đầu tiên có tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh "Những ngọn núi ngân vang" được Giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021 và được dịch sang 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Điều đặc biệt ở tác phẩm này là một câu chuyện đậm đặc văn hoá Việt với ẩm thực, những câu tục ngữ, ca dao, những mối quan hệ trong gia đình cùng những từ tiếng Việt được viết một cách nguyên vẹn, với đầy đủ dấu, lôi cuốn hàng triệu người đọc trên thế giới về chiều sâu văn hoá và lịch sử của dân tộc thay vì trước đây khi nghĩ đến Việt Nam người ta chỉ nghĩ tới chiến tranh. Chị có một hành trình đặc biệt đi khắp thế giới quảng bá văn thơ của mình, nhưng để rồi những cảm xúc sâu sắc nhất lại là được trở về quê hương và đọc thơ cho những người thân yêu ở ngôi làng tuổi thơ.
Đó là câu chuyện của chị Erin Phương, một người phụ nữ gốc Việt đã cùng chồng của mình là anh Peter Steinhauer dành 20 năm tâm huyết trên con đường quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa - nghệ thuật Việt Nam với thế giới.
Đó là câu chuyện của những nhà hàng Việt tại New York, được tiên phong bởi những đầu bếp người Việt là người nhập cư thế hệ thứ hai, đang làm khuấy đảo thị trường ẩm thực nước Mỹ, trở thành một xu hướng được yêu thích. Nhà hàng Mắm tại New York với món bún đậu mắm tôm của Việt Nam đã được The New York Times bình chọn là 26/100 nhà hàng ngon nhất ở New York năm 2023 bởi trải nghiệm "rất Việt Nam" dù giá không hề rẻ (gấp rưỡi bữa ăn trung bình ở thành phố New York đắt đỏ).
Đó là câu chuyện của Hanbin (Ngô Ngọc Hưng) - thành viên duy nhất sinh ra và lớn lên ở Việt Nam của nhóm nhạc K-Pop Tempest. Là bạn trẻ Gen Z người Việt đầu tiên trở thành thần tượng tại Hàn Quốc, Hanbin thường xuyên thể hiện sự tự hào là người Việt của mình trong các hoạt động biểu diễn của nhóm: sửa vũ đạo thành nghi thức Chào cờ, mừng 30/4 ngay trên sóng show âm nhạc Hàn Quốc… Những người hâm mộ của Hanbin đã học tiếng Việt để viết thư tay gửi cho thần tượng.
Đó là hàng loạt các câu chuyện thành tựu về văn hoá của người Việt ở các lĩnh vực khác như điện ảnh, âm nhạc, thời trang...
Đó là câu chuyện của Maurice Durand, học giả Pháp gốc Việt đã đi khắp phố phường Hà Nội và các tỉnh lân cận để sưu tầm tranh dân gian Việt Nam và cho ra đời cuốn "L’imagerie populaire Vietnamienne - Tranh dân gian Việt Nam". Cuốn sách bao gồm 400 tác phẩm hội họa dân gian có nhiều chủ đề từ tôn giáo, lịch sử đến tranh thờ tranh Tết, phản ánh cuộc sống lao động sinh hoạt sinh động và đời sống tinh thần phong phú của người dân Việt Nam, kèm theo nghiên cứu, phân tích, bình chú uyên bác, tỉ mỉ và toàn diện.
Mặc dù những câu chuyện, những con người vô cùng khác nhau nhưng điểm chung của họ chính là góc nhìn độc đáo và tư duy đổi mới. Đây cũng là điều giúp họ có thể mang văn hoá Việt lan toả tới bất kỳ nơi nào họ sinh sống, để các giá trị Việt đơm hoa kết trái, trở thành tấm "căn cước tâm hồn" không thể trộn lẫn trong thế giới đa sắc màu hiện nay.
Ngày trở về 2024: Như hạt phù sa được phát sóng vào các khung giờ 1h00, 8h00 và 19h30 ngày mùng 1 Tết Nguyên đán (10/2) trên VTV4 và phát lại vào 20h05 mùng 3 Tết (13/2) trên VTV1.
Mời quý vị đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!