* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Trailer "Lật mặt 7". Video: LH Production
Sau doanh thu 300 tỷ đồng của Lật mặt 6 (2023), tác phẩm tiếp theo đánh dấu sự đổi mới về dòng phim ở Lý Hải. Nếu Lật mặt: 48h mang chất hành động đặc trưng, Tấm vé định mệnh khai thác đề tài giật gân, Một điều ước tập trung vào thể loại gia đình, với những lát cắt xoay quanh tình mẫu tử.
Dài 138 phút, Lật mặt 7 không nhiều nút thắt cao trào như các phần trước. Kịch bản phát triển theo hình thức đa tuyến, xoay quanh nhân vật chính - bà Hai (Thanh Hiền đóng) và gia đình của năm người con. Chồng mất sớm, bà Hai một tay nuôi đàn con trưởng thành ở huyện nghèo Lạc Dương (Lâm Đồng). Lớn lên, mỗi người con rời tổ ấm, lập nghiệp nơi phương xa, chỉ còn con gái Ba Lành (Đinh Y Nhung) sống gần bà. Họ hiếm khi cùng về thăm mẹ, nên điều mong mỏi của bà Hai là một tấm ảnh chụp chung của đại gia đình.
Biến cố bắt đầu khi người mẹ 73 tuổi bị tai nạn gãy chân, phải ngồi xe lăn. Năm con đùn đẩy nhau, bốc thăm để mỗi người chịu trách nhiệm chăm mẹ trong một tuần. Với cái chân đau, bà Hai đến thăm mỗi nhà, nhìn thấy lỗ hổng trong cuộc sống các con, vá lành nỗi đau cho họ. Nhưng người mẹ biết càng già, bà càng là gánh nặng của con cháu.
Nghệ sĩ Thanh Hiền đóng vai người mẹ già - nhân vật chính của phim. Ảnh: Lê Tuấn
Sức hút của kịch bản Lật mặt 7 đến từ những câu chuyện đời thường gần gũi. Đạo diễn lần lượt dẫn dắt người xem qua những tình huống gia đình dễ bắt gặp ngoài xã hội, từ đó khơi gợi đồng cảm. Với người con đầu - Hai Khôn (Trương Minh Cường), bà Hai nhận ra bi kịch vợ chồng anh khi hàng ngày phải chạy theo vòng xoáy mưu sinh ở thành phố lớn. Sống ở căn hộ đắt đỏ, gia đình Hai Khôn hiếm có bữa ăn chung, con cái nổi loạn vì không được cha mẹ thấu hiểu. Mỗi thành viên dần xa nhau dù bề ngoài họ có cuộc sống viên mãn, êm ấm.
Đến thăm gia đình Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên) ở một làng chài miền Trung, bà chứng kiến cảnh con đặt cược mạng sống vì kế sinh nhai trong những lần ra khơi. Câu chuyện của vợ chồng Năm Thảo (Trâm Anh) là màn hài kịch ngay trước mắt mẹ. Vì mặc cảm nghèo khổ luôn bủa vây, họ dựng lên một cuộc sống giàu sang, vừa an ủi bản thân, vừa để bà Hai đỡ đau lòng.
Lý Hải không sa vào các chi tiết bi lụy để lấy nước mắt người xem. Xen kẽ phim là các tình huống gợi tiếng cười nhẹ nhàng, như cách vợ chồng Tư Hậu tự trào về gia cảnh bên mâm cơm với cá khô. Ở nhiều phân đoạn, đạo diễn tiết chế lời thoại, để hình ảnh tự lên tiếng theo phương pháp "show, don't tell". Một trong số đó là cảnh bà Hai mở chiếc hộp đựng kỷ vật của các con thời bé, rưng rưng nhìn bức tranh nguệch ngoạc vẽ các thành viên trong gia đình.
Xem suất chiếu tối 24/4, đạo diễn Mai Thế Hiệp nói nhiều lần khóc trước câu chuyện của các nhân vật. "Tôi đặc biệt thích phần về vợ chồng Tư Hậu, cho thấy sự lên tay về kịch bản lẫn cách kể chuyện của Lý Hải so với các phần trước. Anh không nhồi nhét tình tiết nhưng vẫn đảm bảo được những lớp lang cảm xúc", Mai Thế Hiệp nói.
Đa số diễn viên hóa thân tròn trịa nhờ được chọn đúng vai. Tác phẩm quy tụ gần 50 diễn viên chính lẫn phụ (chưa kể quần chúng) - đông nhất trong các phim của Lý Hải, tuy nhiên hiếm có vai thừa. Lần đầu đảm nhận vai chính trên màn ảnh rộng, nghệ sĩ Thanh Hiền là phát hiện mới của Lý Hải. Diễn viên 72 tuổi chuyển tải tự nhiên nỗi lòng của một người chịu cảnh "con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày". Đầu phim, lối diễn của Thanh Hiền có phần gượng gạo song về sau, nghệ sĩ đóng thuyết phục hơn nhờ bắt nhịp tốt với các gương mặt trẻ.
Hậu trường Lý Hải quay cảnh làng chài gặp bão biển. Video: LH Production
Ngoài các cái tên quen thuộc như Trương Minh Cường, Quách Ngọc Tuyên, Thanh Thức, diễn viên mới Tín Nguyễn, Trâm Anh là những mảnh ghép nổi bật trong bức tranh gia đình bà Hai. Đạo diễn Timothy Linh Bùi nói ngạc nhiên trước khả năng chọn diễn viên của Lý Hải khi dàn cast không có tên tuổi nào thuộc hàng ngôi sao phòng vé. "Tôi tâm đắc với vai bà Hai. Nhân vật khiến tôi nhớ nhiều đến mẹ của mình, nhất là cách bà luôn nói lời xin lỗi, cảm ơn các con", đạo diễn cho biết.
Đầu tư nhiều bối cảnh, đạo diễn nỗ lực lồng ghép những đặc trưng văn hóa, du lịch vùng miền vào từng câu chuyện. Ở cảng cá Mỹ Tân (Ninh Thuận), anh tái hiện các màn hát bội trong lễ hội ở lăng Thần Nam Hải, nhịp sống của làng chài miền Trung. Hình ảnh đồi chè bạt ngàn được giới thiệu khi bà Hai đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) thăm con, hay đặc sản cà phê vợt của Sài Gòn. Tại làng K'Long K'Lanh, Lạc Dương, nơi nhân vật chính sống, đạo diễn dựng lên một cánh đồng hoa bất tử - hình ảnh chủ đạo của tác phẩm - trên phim trường.
Lý Hải dựng nhà và cánh đồng hoa bất tử ở phim trường tại Lạc Dương. Video: LH Production
Phim mắc một số "sạn" ở những phân đoạn sử dụng nhiều kỹ xảo hình ảnh (VFX). Ở cảnh đoàn thuyền gặp bão giữa biển khơi, chiếc lá già rơi khỏi cây, người xem dễ nhận ra lỗi đồ họa vi tính trên màn ảnh rộng. Lời thoại ở một số đoạn còn tạo cảm giác kịch, mang hơi hướng phim truyền hình, chẳng hạn trong phân đoạn gia đình Hai Khôn tranh cãi. Nhiều khán giả cũng cho rằng một số chi tiết trong phim chưa phù hợp thực tế, như một nhân vật là ngư dân nhưng trước khi ra khơi lại không mang áo phao - vật bất ly thân.
Mai Nhật