• Phim "Em chưa 18" đạt 150 tỉ đồng
  • Ngang nhiên livestream phim "Em chưa 18" ngay trong rạp
  • em-chua-18-1494820167-1494828083851.jpg

    Phim "Em chưa 18" đạt 150 tỉ đồng

  • em-chua-18-2-jpg-1492594841-149308610957

    Ngang nhiên livestream phim "Em chưa 18" ngay trong rạp

  • em-chua-18-1494820167-1494828083851.jpg

    Phim "Em chưa 18" đạt 150 tỉ đồng

  • Ngang nhiên livestream phim "Em chưa 18" ngay trong rạp

Thông tin bộ phim "Em chưa 18" lập kỷ lục doanh thu phòng vé với gần 170 tỉ đồng, vượt cả doanh thu của "Kong: Đảo đầu lâu" của Mỹ tại thị trường Việt Nam đã làm nức lòng người trong giới. "Em chưa 18" làm nên điều bất ngờ ấy nhờ đâu? Đó là câu hỏi khiến giới chuyên môn phải tìm lời đáp.

Câu chuyện "Em chưa 18" là một cách "Việt hóa" cho gần gũi với lứa tuổi "chanh cốm" Việt hôm nay đặc biệt thành công, đó chính là điều hấp dẫn người xem trẻ nô nức đến rạp. Nhưng điều quan trọng nhất mà bộ phim này đạt đến là cách điện ảnh hóa mới lạ của các nhà làm phim Việt khi tìm cách kể lại bằng ngôn ngữ phim truyện, một câu chuyện tình trái khoáy: một cô bé đang học năm cuối phổ thông trung học chưa đầy 18 tuổi mà dám bày đặt quyến rũ một anh chàng lớn hơn gấp đôi tuổi mình và không ngán quay lén cảnh giường chiếu giữa hai người để làm vật chứng ràng buộc, cũng không ngại bịa chuyện mình có thai, cho anh ta biết mình… chưa 18, cốt chỉ để thử nghiệm xem anh ta ứng xử với mình ra sao và còn muốn chọc tức một anh bạn cùng trường đã yêu mình, nay lại yêu cô bé khác. Anh chàng lớn tuổi hóa ra bị rơi vào bẫy tình của cô bé, phải làm đủ những việc mà anh ta không thích để chiều lòng nàng, để khỏi… đi tù… Cuối cùng, chính cô bé lại rơi và cái bẫy ngược của mình, cô nói thật về sự giả trá của mình và đâm ra yêu cái anh chàng đa tình, sát gái, từng nghênh ngang tuyên bố không ở với cô gái nào đến đêm thứ hai. Rốt cuộc, trong lễ tốt nghiệp của cô bé, hai người đã thoát ra khỏi những cái bẫy giả tạo và chính thức yêu nhau trước sự ủng hộ, mừng vui của cha mẹ và bạn bè, thầy cô. Cũng chính lúc ấy, hết phim, khi cô gái đã đủ 18 tuổi. Một kết thúc có hậu.

14-chot-1496413264803.jpg

Cảnh trong phim “Em chưa 18”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Khi "Em chưa 18" vừa ra rạp, nghe nói đã cháy vé ở khắp các phòng vé Hà Nội, tôi liền rủ ngay nhà văn trẻ Chu Thùy Anh, đi xem. Và hôm ấy là sáng chủ nhật, ở cụm rạp lớn tầng 5, trong một siêu thị lớn ở phố Tây Sơn, Hà Nội. Cả hai cô cháu đoạt ngay một cảm giác kép hiếm có: câu chuyện phim rất hấp dẫn, lôi cuốn, rất đời thường, hay xảy ra ở các thành phố lớn ở Việt Nam hôm nay và chưa bao giờ thấy diễn viên Việt, nhất là thiếu nữ diễn viên chính và cả dàn diễn viên trẻ trong phim này, lại có thể diễn xuất hồn nhiên, trẻ trung đến thế. Và đặc biệt thú vị, dàn diễn viên trẻ này không phải diễn viên chuyên nghiệp. Ngay khi xem xong, Chu Thùy Anh đã nhận xét rằng: "Cô ơi, các em diễn viên trẻ này đâu có nhập vai, họ chỉ hành động hệt như đời sống hằng ngày mà họ vẫn sống. Các em chẳng cần hóa thân, các em sống một phần cuộc sống của các em trên phim. Những người làm phim cũng thế, cũng chỉ cần quay lại chính cuộc sống đó. Bởi vậy, diễn viên chỉ cần sống, không cần diễn, khỏi lên gân, gồng mình, như cái cách em Katti Nguyễn đã diễn vai cô thiếu nữ chưa 18 rất xứng đôi vừa lứa với diễn viên chuyên nghiệp Kiều Minh Tuấn, vai người tình gấp đôi tuổi cô.

em-chua-18-1496476550877.jpg

Cảnh trong phim

Có một anh chàng rất trẻ, vừa mới qua tuổi 20 được mấy năm và ngay từ năm 2011, tròn tuổi 20, đã từ đại học Mỹ về Hà Nội dựng vở thực tập và thành công ngay với vở nhạc kịch đầu tay "Góc phố danh vọng" là Nguyễn Phi Phi Anh. Phi Anh gặp tôi cười tươi rói, chia sẻ ngay: Cô xem "Em chưa 18" chưa? Tôi bảo đã, thì anh chàng đã kêu lên cảm thán: Chưa bao giờ cháu xem một phim Việt Nam đã đời đến thế cô ơi. Bọn trẻ diễn hay quá, xem sướng cả mắt, cháu ước gì có cả dàn diễn viên ấy để cháu làm phim và nhất là cô bé diễn viên chính! Theo cách cô vẫn thích đấy, "diễn cứ như không". Diễn thích thật, diễn mà như chẳng diễn gì hết trơn! Thì ra, anh chàng này cũng không nhịn được việc đi xem và cũng giống như tôi, thấy bạn trẻ đi xem tấp nập, cả các bậc phụ huynh học sinh cũng thích thú xem phim nên tiền bán vé của phim gia tăng vùn vụt mỗi ngày là phải.

Phi Anh thích lắm và rất tự hào vì cái sự qua mặt ngoạn mục của bộ phim Việt này với cả "Kong: Đảo đầu lâu" trong sự đăng đối ngay ở thị trường phim Việt, vốn luôn chịu sự lép vế với phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ... Là đạo diễn kiêm viết kịch bản và kiêm luôn người tổ chức biểu diễn, lại vừa thành công ngoạn mục với một chùm 3 vở nhạc kịch trong dự án mang tên "Mộng ước (Hope): "Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối", "Mộng ước không xa vời" diễn suốt 35 đêm lại sân khấu của Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, từ tháng 10-2016 đến tháng 4-2017, chiếm được lòng yêu của khán giả trẻ Hà Nội, đạo diễn Phi Anh cảm hiểu rất rõ sự thành công của "Em chưa 18". Đó là thành công về nghệ thuật Việt hóa một dạng phim Mỹ về đề tài tình yêu vốn luôn được công chúng trẻ trên thế giới ưa thích. Phi Anh cho rằng phim này rất Mỹ về hình thức biểu đạt nghệ thuật nhưng lại mang chở sâu sắc hồn Việt hiện đại vấn đề tình yêu của giới trẻ Việt trong nhịp đập công nghiệp ở các thành phố lớn Việt Nam.

em-chua-18-2-1496476576283.jpg

Cảnh trong phim

Nhà văn trẻ Chu Thùy Anh cũng đánh giá phim tương đồng với Phi Anh khi cho rằng kịch bản phim "Em chưa 18" có thể coi là rất Mỹ "bởi nó không cần cố gắng bản địa hóa, không cần giương cao khẩu hiệu "hòa nhập mà không hòa tan", kịch bản phim tự thân đã hòa vào cuộc sống hằng ngày, cuộc sống của lớp trẻ Việt ở đô thị: yêu đương trước tuổi, ganh đua, ghen ghét, nói xấu nhau, giành giật, bóng rổ, đội nhảy cổ vũ, dạ hội tốt nghiệp… Tất cả đều là những hình ảnh quen thuộc như trong các bộ phim về học sinh THPT của Mỹ. "Em chưa18" đưa tất cả hình ảnh này vào mà chẳng cần sự bịn rịn giả đò, không cần phượng hồng, không cần lưu bút, không cần những ước lệ tốt nghiệp đã tồn tại từ 40 năm nay. Phim đã nhìn trực diện thẳng thắn vào cuộc sống thực của thế hệ trẻ Việt hôm nay: từ cả chục năm nay, các lứa học sinh THPT tại Hà Nội và TP HCM đã sống một cuộc sống đã là như thế, vì vậy bộ phim rất gần với các em, gần với cuộc sống thực, nhất là của người trẻ ở tuổi chưa 18, như chính cái tên phim".

Đằng sau những sự kiện có vẻ như hời hợt, nông nổi, trẻ con và cả ích kỷ ấy là những vấn đề nghiêm túc về chuyện hôn nhân, có con, về ứng xử tử tế, không tử tế với nhau… được đặt ra trong xã hội Việt Nam đang tiến lên. Phải chăng, chính vì thế mà tôi thích xem người trẻ xem phim tình yêu và đối thoại với họ, nghe họ nói về sự thú vị khi xem "Em chưa 18". Người già không nhìn thấy mình trong người trẻ, không ngẫm ngợi về đối thoại mới với sự thưởng thức của họ đối với phim ảnh và sân khấu nước nhà… thì thật là không phải.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022