Chia sẻ với PV Dân trí, đạo diễn Bùi Trung Hải cho hay, vào ngày 28/3, 19 nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam như: NSND quay phim Vũ Quốc Tuấn, NSƯT quay phim Vũ Đức Tùng, đạo diễn Trần Chí Thành, biên kịch Tống Phương Dung, đạo diễn Đặng Thu Trang, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn… đã cùng ký vào đơn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).
Trong đơn kiến nghị, các nghệ sĩ cho biết, vào ngày 24/3/2023 trong cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ VH,TT&DL, khi được hỏi các bộ phim có được coi là di sản hay không và về phương án xử lý vụ việc này, bà Phan Linh Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đã nói rằng gần 300 bản phim bị hỏng của Hãng phim truyện "chỉ là bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện phim và chúng ta có thể yên tâm về hiện trạng các di sản".
Các nghệ sĩ cho rằng đây là câu trả lời không đúng, dù vô tình hay cố ý, đã làm giảm nhẹ thiệt hại, gây hiểu nhầm tai hại cho công chúng.
Đơn kiến nghị 19 nghệ sĩ gửi Bộ VH,TT&DL ngày 28/3 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Gần 300 phim bị hỏng thì ai cũng đau xót. Điều cần thiết hiện nay là phải có những đánh giá đúng về thiệt hại, chuyên sâu, rõ ràng, khoa học, minh bạch. Anh chị em đang làm nghề trong ngành điện ảnh cũng bàn luận rất nhiều về việc này. Những nghệ sĩ đang làm việc ở Hãng phim truyện đều có những phim của mình đang nằm trong kho phim này, họ rất buồn", đạo diễn Bùi Trung Hải cho hay.
Theo ông Hải, như phát biểu của bà Phan Linh Chi, với ý nghĩa của khái niệm photocopy giấy tờ thông thường: các bản phim này không có nhiều giá trị, vì ở Viện phim đã có một "bản gốc" nào đó, từ "bản gốc" đó có thể in được rất nhiều các bản sao, bản copy khác một cách dễ dàng và không tốn kém gì nhiều về kinh phí.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng các bộ phim đó đều đã được Viện phim, hoặc nơi nào đó đã số hóa. Các nghệ sĩ khẳng định rằng, điều đó là không chính xác, việc sản xuất phim điện ảnh không hề đơn giản như vậy.
Trong đơn gửi Bộ VH,TT&DL, các nghệ sĩ cũng chỉ 3 nội dung cần lưu ý: Thứ nhất, những bản phim dương bản gốc (positive) này là một trong hai bản duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền Điện ảnh Việt Nam, 1 bản được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam, 1 bản được lưu giữ tại Viện phim (với mục đích lưu chiểu). Trong điện ảnh, bản positive này chính là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng.
Tất cả các loại negative, kể cả bản negative được gọi là "negative gốc" cũng chỉ là những sản phẩm trung gian để tạo ra bản phim dương bản, positive gốc này. Bản được gọi là "negative gốc" mới chỉ là bản chưa được định ánh sáng, chưa định màu sắc (là khâu quan trọng hàng đầu trong việc hoàn thiện bộ phim của quay phim và đạo diễn), không có âm thanh, không thể trình chiếu cho công chúng như một tác phẩm được… Vì vậy khái niệm bản sao của bà Phan Linh Chi nói tại cuộc họp báo của Bộ VH,TT&DL là hoàn toàn không chính xác.
Thứ hai, để in lại bản phim dương bản gốc (positive) mới hoặc số hóa của các bộ phim cũ (như 300 bản đã bị làm hỏng tại Hãng phim truyện) là rất phức tạp và đòi hỏi kinh phí cao, đặc biệt vì nó liên quan đến việc phục chế các bản phim negative gốc đã cũ. Các bản negative này theo thời gian đều sẽ xuống cấp và bắt buộc phải được phục chế trước khi in.
Đây là một quá trình cần công nghệ và tay nghề người thực hiện rất cao, trên thế giới cũng không có nhiều những cơ sở có khả năng phục chế và số hóa phim đạt chuẩn quốc tế (khi chất lượng của bản phục chế/ số hóa được coi là tương đương với bản phim positive phim nhựa).
Hiện Viện phim Việt Nam vì có những hạn chế về phương tiện kỹ thuật, kể cả trong trường hợp đã có số hóa và phục chế những bản phim bị hỏng (điều này cũng hoàn toàn chưa được khẳng định) thì cũng mới chỉ có thể làm ra được bản phim với chất lượng 2K, trong khi chuẩn tối thiểu quốc tế là 4K, nên kể cả nếu có bản số hóa ở Viện phim thì bản số hóa này có chất lượng không cao, không thể coi là đạt tiêu chuẩn quốc tế, là tương đồng với bản phim dương bản (positive) phim nhựa được.
Công tác phục chế của Viện phim cũng đang ở những bước hạn chế khởi đầu, còn rất nhiều vấn đề kỹ thuật không thể khắc phục được. Ngoài ra còn cả vấn đề tái tạo âm thanh của các phim cũ với bản negative tiếng cũ, đã nhiều năm tuổi, cũng rất phức tạp.
Gần 300 bộ phim của Hãng phim bị mốc, hư hỏng nặng (Ảnh: Thanh Vân).
Thứ ba, cũng cần nói thêm rằng, quan niệm ở Việt Nam cho rằng phim nhựa đã được ngừng sử dụng là sai hoàn toàn. Trên thế giới phim nhựa vẫn đang được sử dụng rộng rãi, song song với phim kỹ thuật số. Tại Mỹ trong số những phim được lọt vào vòng đề cử giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ năm 2020, số phim được quay bằng phim nhựa chiếm tới 52%, số phim quay bằng phim kỹ thuật số chiếm 48%.
Những liên hoan phim, sự kiện điện ảnh quốc tế lớn vẫn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. Như vậy 300 bản phim nhựa bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, những bộ phim này hoàn toàn có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế rất hiệu quả. Do đó, tổn thất của việc hỏng 300 bản phim positive do sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết về nghề nghiệp điện ảnh của Vivaso là rất nghiêm trọng.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 24/3, khi được hỏi về bản quyền phim của Hãng phim, bà Phan Linh Chi nói rằng "mọi người có thể yên tâm, không có việc các phim của Hãng bị ẩm mốc bởi đó chỉ là bản copy".
Bà Chi nói thêm: "Hãng phim truyện Việt Nam có tổng cộng 291 phim, hiện tại 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu trữ do được sản xuất hợp tác với đơn vị khác".