* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Norman Nordstrom (Stephen Lang) cứu sống cô bé Phoenix (Madelyn Grace) sau một cơn hỏa hoạn, đưa về vùng ngoại ô Detroit nuôi nấng như con đẻ. Hai cha con sống tách biệt thế giới bên ngoài, suốt ba tháng Phoenix không được phép đi đâu xa. Một lần Norman cho con lên thành phố, cô bé rơi vào tầm ngắm của gã đàn ông lạ mặt. Hắn cùng đàn em lên kế hoạch đột nhập nhà Norman để bắt cóc Phoenix.

trailer-dont-breathe-2-1630993394.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rK8JEvMRukXvmPUK4gEKKg
Trailer ‘Don’t Breathe 2’

Phim chiếu trên các dịch vụ VOD (xem theo yêu cầu) từ ngày 3/8. Video: Youtube Sony Pictures Entertainment

Phim lấy bối cảnh tám năm sau những sự kiện phần đầu, nội dung hoàn toàn độc lập nên khán giả dễ dàng nắm bắt câu chuyện. Thời lượng 90 phút được chia làm hai: nửa đầu khai thác dòng "home invasion" (đột nhập nhà) của thể loại kinh dị, nửa sau chuyển hướng sang câu chuyện báo thù của Norman Nordstrom. Nhân vật là điểm nhấn trong loạt phim, không thể nhìn nhưng tai rất thính, sử dụng vũ khí thành thạo vì xuất thân là lính hải quân SEAL. Kinh nghiệm từng bị đột nhập và tám năm chuẩn bị giúp Norman chủ động hơn ở ngôi nhà mới. Hàng ngày, ông nhờ nữ cựu binh Hernandez (Stephanie Arcila) mua đồ dự trữ trong kho để phòng thân. Norman xây sẵn đường hầm, huấn luyện con gái kỹ năng sinh tồn khi bị kẻ khác săn đuổi.

Khác phần đầu, Norman được đẩy từ vai phản diện lên tuyến chính diện, như cách Terminator 2 từng làm với nhân vật của Arnold Schwarzenegger. Trên Twitter, biên kịch Fede Álvarez giải thích Norman không phải người hùng cũng chẳng phải phản anh hùng trong phần mới. "Ông là phản ác nhân (anti-villain)", anh nói. Sự xuất hiện của Phoenix khiến đời sống Norman có nhiều thay đổi. Ông hướng thiện hơn bởi mục đích làm cha xem như đạt được. Tác giả John DeFore của tờ THR so sánh Norman với sát nhân Jason Voorhees trong Friday the 13th (1980) và Michael Myers trong Halloween (1978), kẻ vô thần trở thành người biết dạy con về sự công bằng của Chúa.

Từ "kẻ săn mồi" trong phần một, Norman thành "con mồi" trong phần hai. Để thế trận cân bằng, các nhà làm phim xây dựng đối thủ Norman không kém phần đáng sợ. Đột nhập vào nhà ông lão mù không phải những cô cậu bé mới lớn, mà là một băng đảng tội phạm, chủ động tìm đến thay vì ngẫu nhiên như phần đầu. Chúng có thời gian theo dõi, quan sát địa bàn, lên kế hoạch trước khi hành động. Mỗi thành viên đều trang bị vũ khí, phối hợp ăn ý qua những tín hiệu, cử chỉ bằng tay, sẵn sàng cướp mạng Norman bất cứ lúc nào.

Nỗi sợ được xây dựng qua những tình huống bạo lực khi hai bên đối đầu. Phe tội phạm có lợi thế về số lượng, hiếu chiến như hổ được thả về rừng. Phoenix, dù được bố dạy trước, cũng nghẹt thở trước những kẻ lạ mặt. Ngược lại, Norman nắm rõ đặc điểm căn nhà. Ông trốn trong bóng tối rồi bất ngờ xuất hiện khiến đối thủ khó lường. Máu đổ ngay trong nửa tiếng đầu. Đạo diễn đưa ống kính chĩa thẳng vào vết thương để người xem cảm nhận nỗi đau nhân vật. Nhiều cảnh quay mang tính kinh dị khiến phim dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi).

Don-t-Breathe-22-9028-1630996869.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sf3csXwXpL7AjLcOPzJGjw

Stephen Lang tiếp tục đảm nhận vai sát thủ mù trong phần hai. Ảnh: Sony

Giống A Quiet Place, âm thanh đóng vai trò quan trọng, xây dựng không khí căng thẳng xuyên suốt. Khán giả thấu hiểu cảm giác của Norman qua từng tiếng động như bước chân chạm vào sàn nhà, cửa gỗ lâu ngày không mở, đàn dế kêu trong đêm. Bối cảnh Detroit mang hơi hướng hậu tận thế với những con đường vắng bóng người, nhà cửa bỏ hoang. Phần hình ảnh được phủ tông màu xám xanh càng tăng thêm cảm giác lạnh lẽo, vô hồn.

Lần thứ hai vào vai Norman Nordstrom, Stephen Lang là linh hồn của phim. Ông cho thấy khía cạnh khác của sát thủ mù, không chỉ biết bắt giết mà giàu tình thương và có khả năng thấu hiểu. Nhân vật mất đi đôi mắt nên nam diễn viên dùng nhiều nét mặt để biểu lộ cảm xúc. Trên Screen Rant, Lang cho biết tiếp cận kịch bản như phần một, nhưng có cơ hội đào sâu và mở rộng tầm nhìn nhân vật. "Nếu tôi yêu nhân vật đủ nhiều, mọi người sẽ nhận ra ngay", ông nói.

Hóa thân Phoenix, cô bé Madelyn Grace - sinh năm 2002 - phối hợp ăn ý với Stephen Lang. Vai diễn đòi hỏi tập thở dưới nước, chạy nhảy, chuyển động mất nhiều năng lượng. Diễn viên nhí nói với Screen Rant thích thực hiện các pha nguy hiểm. Cô chạy bộ và ăn uống lành mạnh hàng ngày để đảm bảo thể trạng tốt khi đóng phim. Cô tự đảm nhận cảnh hành động, trừ những phân đoạn nguy hiểm cần diễn viên đóng thế.

Giới phê bình và khá giả đánh giá phim thấp hơn phần đầu, với 4.7/10 điểm trên Rotten Tomatoes, 46/10 điểm trên Metacritic và 6.2/10 điểm trên IMDb. Nhà phê bình Benjamin Lee của The Guardian chấm 1/5 sao, đánh giá tâm lý nhân vật phát triển không hợp lý, nhất là việc Norman bớt độc ác và xấu xa hơn trước. Cây viết Owen Gleiberman của Variety cho rằng phim không hay bằng phần một, nhân vật Norman được nâng tầm như thần thánh. Tờ New York Times nhận xét phim nhiều cảnh hành động và bạo lực, nhưng câu chuyện nhàm chán với hội thoại kém.

Tác phẩm là phim đầu tay của Rodo Sayagues, người viết kịch bản phần trước. Đạo diễn phần đầu Fede Álvarez chuyển sang vị trí đồng biên kịch cùng Sayagues. Bộ đôi thay đổi vai trò khiến phim có nhiều điểm khác. So với phần đầu, tác phẩm thiếu tính cô đọng khi bị chia thành hai nửa. Cú "twist" (tình tiết bất ngờ) giữa phim không hợp lý, phần nào khiến mạch cảm xúc bị tụt.

Sơn Phước

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022