Những cơ hội, thách thức của lĩnh vực này được bàn luận tại buổi họp báo ra mắt Hiệp hội Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam (VAVA), chiều 18/2, tại TP HCM. Theo đó, anh Đoàn Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch hội - nhận xét Việt Nam có tiềm năng lớn, thể hiện qua việc đã có nhiều công ty trong nước tham gia các dự án quốc tế. Tuy nhiên, nếu muốn tạo ra những tác phẩm "made in Vietnam" chất lượng cao, các đơn vị sản xuất cần có sự phối hợp với nhau chặt chẽ hơn.

"Na Tra: Ma đồng náo hải là thành quả của hơn 100 công ty nội địa Trung Quốc. Việt Nam có nhiều tài năng nhưng việc thiếu sự liên kết giữa các studio có thể khiến chúng ta chưa thể tạo ra những tác phẩm gây tiếng vang với quốc tế", Anh Tuấn nhận định.

hau-truong-hoat-hinh-na-tra-1739177816.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VaAQTicF-6r9ifRQNv7qVA
Hậu trường hoạt hình Na Tra

Hoạt hình "Na Tra 2", từ hình vẽ ban đầu đến hiệu ứng trên màn ảnh. Video: Mtime

Khác với một bộ phim người đóng có thể hoàn thành trong 12 tháng, hoạt hình tốn nhiều thời gian hơn, có phim làm ít nhất 24 đến 36 tháng, nhưng có dự án mất đến 5 năm như Na Tra 2. Điều này là do quy trình sản xuất phức tạp, từ khâu thiết kế nhân vật, xây dựng bối cảnh, đến việc tạo ra từng khung hình hoạt họa.

Thập niên 2010, ngành kỹ xảo điện ảnh (VFX) và hoạt hình tại Việt Nam chủ yếu phục vụ các dự án nội địa với quy mô nhỏ. Nhưng khoảng năm 2018-2023, thị trường tăng trưởng với hơn 100 studio được thành lập như AIOI Studios, Bad Clay, CYCLO, Sconnect, SPICE fx. Ngoài ra, các chi nhánh của công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gồm Giant Swing Production, Jet Studio (Nhật Bản), Skyfall Studio, Synapse, OPIM Digital, The Last VFX (Hàn Quốc), Bonjour SG, Xilam (Pháp).

Nhờ sự phát triển của công nghệ và nhu cầu về nội dung số, nhiều đơn vị có cơ hội làm việc với đối tác quốc tế. Theo dữ liệu của VAVA năm 2023, hơn 60% studio tham gia các dự án toàn cầu: Khoảng 30% làm việc với khách hàng châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản) và 31% đến từ châu Âu. Êkíp Việt góp mặt trong đội ngũ các phim như Parasyte: The Grey, The Devil Judge, Black Knight, Money Heist: Korea. Tuy nhiên, các công ty này chủ yếu làm gia công cho nước ngoài, chưa ra mắt dự án chung.

Ngoài việc thiếu liên kết giữa các bên, vấn đề chung của ngành là chưa tìm được nguồn sản xuất phim thương mại. Năm 2024, Sconnect- chủ sở hữu hệ sinh thái hoạt hình Wolfoo - lần đầu ra mắt phim chiếu rạp Wolfoo và hòn đảo kỳ bí nhưng chỉ thu về năm tỷ đồng.

Nhiều họa sĩ ấp ủ dự án, nhưng không triển khai được vì thiếu ngân sách. Hiện ông Tuấn có ý tưởng thực hiện phim 3D Zombie mắt lác, nội dung lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế nơi loài virus bí ẩn bùng phát khiến mọi người trở thành xác sống. Nhân vật Khoai và những người bạn - đều là học sinh cấp ba - phải tìm cách sống sót trong bối cảnh hỗn loạn.

trich-doan-hoat-hinh-zombie-mat-lac-1739894099.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fhq_Nigf4_InVvTjnJGGKw
Trích đoạn hoạt hình 'Zombie mắt lác'

Trích đoạn hoạt hình "Zombie mắt lác" của Đoàn Trần Anh Tuấn. Video: Nhân vật cung cấp

Kinh phí dự kiến của dự án khoảng 18-20 tỷ đồng, mất hai năm mời người tài trợ nhưng chưa được rót vốn. Khi đạo diễn giới thiệu về câu chuyện Zombie mắt lác, các nhà đầu tư chủ yếu quan tâm việc phim có mang lại lợi nhuận hay không. Nhưng thị trường Việt có ít case study (nghiên cứu qua tình huống thực tiễn) để họ sẵn sàng chịu rủi ro, mạo hiểm chi tiền.

"Vì không có nhiều chi phí sản xuất, tôi buộc phải cắt giảm nhân sự, chia nhỏ dòng tiền cho từng giai đoạn. Nhưng tôi may mắn có sự hỗ trợ từ nhiều nghệ sĩ thuộc cộng đồng làm kỹ xảo và hoạt hình, giúp tôi tin vào con đường mình lựa chọn", Anh Tuấn cho biết.

Đoàn Trần Anh Tuấn, 38 tuổi, sinh tại TP HCM, đồng sáng lập công ty Colory Animation vào năm 2011. Anh là đạo diễn của một số phim hoạt hình ngắn gây chú ý trong nước và quốc tế như Dưới bóng cây, Lu và Robo, Cuộc phiêu lưu của Trứng, Chanh và Ớt. Anh Tuấn đang phát triển phim hoạt hình dài Dưới bóng cây - Hành trình trở về Zombie mắt lác.

581fe5b7978329dd7092-173989373-8814-4619-1739895398.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iQLNTltE9YQu_vM4A84Viw

Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn tại sự kiện chiều 18/2. Ảnh: Quế Chi

Đồng quan điểm, ông Thierry Nguyễn - nhà sáng lập AIOI Studios kiêm phó chủ tịch VAVA - cho rằng kỹ xảo hoạt hình Việt không thua kém nhiều nước như Pháp, Thái Lan, nhưng để phát triển một dự án chất lượng về câu chuyện và hình ảnh cần nguồn nhân lực biết cách sáng tạo, nắm vững các kỹ thuật. Đồng thời, các ban ngành nên có biện pháp thu hút nhà đầu tư, tạo môi trường làm việc hấp dẫn.

Ông Thierry nói: "Thời còn ở châu Âu, tôi nhận thấy nhiều công ty làm việc với nhau mang lại kết quả rất tốt. Ví dụ, một phim Hollywood sẽ có hơn 1.000 cảnh (shot) VFX, sẽ chia cho ba đơn vị cùng thực hiện. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta chưa quen với cách làm này. Nếu cứ làm riêng lẻ, lĩnh vực này sẽ không thể tạo được cộng đồng lớn mạnh, ngược lại yếu dần theo thời gian. Chỉ khi phối hợp chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, chúng ta mới có thể tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao".

zombie-1739894603-1739894630-1269-1739895398.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3AABd1m1n277We0cVlrqLQ

Cảnh phim hoạt hình "Zombie mắt lác". Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Tại sự kiện, các chuyên gia còn nói về việc hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Jeremy Segay - Tùy viên nghe nhìn Đại sứ quán Pháp - nhận định mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển mạnh, thể hiện qua các hoạt động, sự kiện trao đổi chuyên môn, giúp Việt Nam tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Ông Segay nói: "Sự kiện mang lại cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm nhân tài và khai thác nguồn lực. Với chi phí sản xuất cạnh tranh, đội ngũ trẻ, Việt Nam là đối tác chiến lược của các studio Pháp".

VAVA do ông Đinh Trí Dũng - giám đốc Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC - làm chủ tịch. Hiệp hội ra đời với mục kết nối các chuyên gia, studio, đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam. Thông qua việc tổ chức hội thảo, khóa đào tạo, ban lãnh đạo kỳ vọng giúp các thành viên tiếp cận công nghệ tiên tiến, xu hướng mới nhất của ngành, mở rộng cơ hội làm việc.

Quế Chi

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022