Dưới đây là bài viết của Angelina Jolie dành cho tờ tạp chí Harper’s Bazaar nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày ra mắt ấn bản đầu tiên:
Khi tôi được đề nghị viết một bài dành cho ấn bản kỷ niệm đặc biệt của Harper’s Bazaar, tôi thử hình dung về một độc giả nữ của tờ tạp chí này cách đây 150 năm, vào đúng năm 1867… Nếu độc giả nữ đó có thể nhìn thấy chúng ta hôm nay - những phụ nữ hiện đại - liệu cô ấy nghĩ gì?
Thế giới khi đó không có xe hơi, không có thuốc kháng sinh, chẳng có điện thắp sáng… Đa số mọi người đều coi sống qua tuổi 50 đã là sống thọ, và chuyện phụ nữ chết vì sinh nở là chuyện không hiếm… Phụ nữ thời đó còn hầu như không được học lên Đại học, chẳng thể ra ngoài xã hội để gây dựng sự nghiệp riêng.
Không có chuyện họ thành dược sĩ, nhà khoa học, luật sư… Thời ấy, phụ nữ cũng chưa được quyền bầu cử và phải hơn nửa thế kỷ sau, họ mới giành được quyền đó về mình. Vậy thì độc giả của Harper’s Bazaar ngày ấy, nếu có thể thấy chúng ta hôm nay, hẳn họ sẽ phải kinh ngạc lắm.
Nhưng tôi cũng muốn biết những phụ nữ thế kỷ 19 đó sẽ nghĩ như thế nào khi chứng kiến khoảng 10 triệu phụ nữ và bé gái trên thế giới hôm nay vẫn phải chung sống với sự bất bình đẳng, chẳng hạn như một cô bé phải đi làm kiếm tiền hỗ trợ gia đình thay vì đi học, như cô bé Parvana trong bộ phim hoạt hình “The Breadwinner” mà tôi vừa sản xuất.
Thế giới này vẫn còn có những phụ nữ phải sớm qua đời bởi họ không thể tiếp cận với các dịch vụ y tế… Người phụ nữ đẹp nhất và kiên cường nhất mà tôi từng gặp là một phụ nữ di cư người Afghanistan, cô còn trẻ và sống trong một trại tị nạn nằm ở biên giới Pakistan. Khi tôi gặp, cô đang mang bầu, chồng cô đã phải rời đi xa để tìm kiếm việc làm.
Thực ra trại tị nạn đó không còn nhiều người ở nữa và người ta bắt đầu mang xe ủi đến để làm sập một số lều lán tạm bợ, nhưng người phụ nữ bụng mang dạ chửa này vẫn đang phải ở lại để chờ chồng, bởi họ chẳng có cách nào khác tìm lại được nhau, ngoại trừ hẹn nhau sẽ đoàn tụ ở nơi này.
Nhà của cô không có mái và có thể cô còn sắp không có căn lều để chui ra chui vào, gần đó cũng không có bệnh viện, dù cô sắp đến ngày sinh, thế nhưng người phụ nữ đó vẫn mời tôi vào lều và mời tôi uống trà.
Thông qua người phiên dịch, cô hỏi về gia đình, về đất nước quê hương tôi. Khi tôi hỏi rằng liệu tôi có thể giúp cô được điều gì không, cô chỉ nói rằng không đòi hỏi gì hơn một cuộc viếng thăm và trò chuyện như thế này. Người phụ nữ ấy thật hào phóng và đầy phẩm cách, đôi mắt cô như nhìn thấu suốt mọi điều.
Đôi khi, có một ngày buồn, tôi nhớ lại nụ cười của cô và cách cô đi lại, như thể cô đang truyền sức mạnh cho đứa con trong bụng. Tôi không biết gì thêm về người phụ nữ. Liệu bằng cách nào cô có thể xoay xở mọi chuyện? Liệu chồng cô có về kịp trước khi người ta hoàn toàn xóa sổ trại tị nạn đó không? Liệu cô có sinh con an toàn không? Rồi cô sẽ lưu lạc đến đâu?
Tôi gần đây có đọc được thông tin rằng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các chuyên gia ước tính cần tới 83 năm để khoảng cách về quyền lợi và cơ hội giữa nam - nữ được bình đẳng tại tất cả các quốc gia.
Thực ra, chuyện này không phải là: Sự tiến bộ của nữ giới đến bằng sự nhượng bộ giật lùi của nam giới, mà là: Cả hai bên cùng tìm kiếm sự cân bằng bình đẳng, đưa lại lợi ích cho tất cả. 83 năm là một quãng thời gian quá dài đối với đời người…
Mỗi quyết định của chúng ta đều có ảnh hưởng tới thế hệ tiếp theo, để là người đúng đắn trong từng quyết định thật khó, nhất là khi chúng ta có quá nhiều áp lực trong cuộc sống, nhưng hãy cố để làm được điều đẹp đẽ.
Vì vậy, dù bạn là ai khi đọc bài viết này, là bác sĩ, luật sư, nhà khoa học, nhà hoạt động nhân quyền, sinh viên, giáo viên, người mẹ, người vợ, hay bé trai, bé gái đang đọc cuốn tạp chí của mẹ…, tôi đều hy vọng rằng bạn sẽ cùng tôi dành ra thời gian trong ngày hôm nay để nghĩ về cách chúng ta có thể đóng góp cho tương lai tốt đẹp hơn.
Có nhiều điều chúng ta không thể đoán trước về thế giới trong 150 năm nữa, nhưng chúng ta biết rằng con cháu của chúng ta sẽ sống với những gì chúng ta quyết định hôm nay. Chẳng hạn 150 năm trước, rừng còn rất nhiều, con người thích thú với ngà voi, sừng tê, da thú, lông thú… Họ phá rừng để gia tăng diện tích đất sống.
Và hậu quả là, cho tới hôm nay, số lượng động vật hoang dã chỉ còn lại rất ít, sống rải rác và đối diện nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn trộm và phá rừng.
Bộ ảnh này được chụp tại khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong sa mạc Namib của Namibia. Con gái tôi - Shiloh - sinh ra ở Namibia. Gia đình tôi đã tới khu bảo tồn này để tham gia một số hoạt động trong vòng một thập kỷ qua. Đối với tôi, Namibia tượng trưng cho mối gắn kết gia đình, cho tình bạn, và cả nỗ lực cân bằng giữa con người và thiên nhiên.
Ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ là đối tượng dễ bị tác động nhất. Phụ nữ thường phải gánh trách nhiệm mang thức ăn, nước uống, nhiên liệu về nhà để nấu nướng, sưởi ấm cho gia đình.
Khi môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, chẳng hạn thủy hải sản dần cạn kiệt, môi trường hoang dã bị phá hoại, rừng bị tàn phá, đời sống những con người phụ thuộc vào đó càng lúc càng khó khăn, thì điều kiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe của bé gái, của phụ nữ ngay lập tức bị tác động…
Những con báo xuất hiện trong ảnh này, tôi đã gặp hồi năm 2015, khi chúng còn nhỏ, gia đình tôi đã bảo trợ việc chăm sóc chúng. Chúng là những con báo mồ côi và suýt chết, rồi được chăm sóc cho khỏe lại, nhưng không thể đưa trở lại thiên nhiên hoang dã, bởi chúng không còn biết sợ con người nữa.
Nếu thả lại môi trường tự nhiên, chúng sẽ bị giết ngay vì không biết cách lẩn tránh con người. Giờ đây, số lượng loài báo chỉ còn chưa đầy 7.100 con trên toàn thế giới, người ta phải bảo vệ từng con báo một. Hãy bảo tồn thiên nhiên cho thế hệ tương lai.
Mỗi chúng ta đều có sức mạnh tạo nên ảnh hưởng, thông qua những lựa chọn của mình. Bạn có thể lựa chọn không bao giờ mua các sản phẩm làm từ động vật hoang dã.
Thời trang là nhân tố chính khiến chúng ta mua nhiều trang phục, trang sức, phụ kiện có nguồn gốc từ thiên nhiên. Nhưng các tạp chí có thể đưa ra thông điệp khác, rằng động vật hoang dã cần thuộc về thiên nhiên hoang dã, ngà voi chỉ đẹp khi nó thuộc về một sinh vật sống.
Mỗi việc chúng ta làm, dù là nhỏ, đều có ý nghĩa. Những suy nghĩ đầy hy vọng nằm trong tay chúng ta. 150 năm tới, công nghệ sẽ đưa lại nhiều điều, nhưng chính cách chúng ta sử dụng quyền tự do lựa chọn của mình, sẽ tạo nên khác biệt.
Nếu có điều gì mà trải nghiệm cuộc đời dạy cho tôi, thì đó chính là: Điều bạn đứng lên bênh vực, điều bạn quyết tâm chống lại, sẽ định nghĩa bạn là ai.
Bích NgọcTheo Harper’s Bazaar/New York Times