Amber Dale, 46 tuổi, ở Dubai (UAE) mất khoảng 2/3 thu nhập mỗi tháng dành cho việc nuôi con. Những người mẹ có con nhỏ như Dale thường có hai lựa chọn: thuê người giữ trẻ hoặc gửi nhà trẻ. Chi phí trung bình cho người trông trẻ là 17.500 USD một năm, tùy vào kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ.

Mức giá này khiến Dale phải chọn cách thứ hai để tiết kiệm. Cô cũng muốn con trai tiếp xúc với những đứa trẻ khác sau đại dịch Covid-19. Tuy vậy, cô vẫn phải cắt giảm giờ làm công việc tư vấn tiếp thị để đón con lúc 14h mỗi ngày. Cùng với đó, mức học phí của con trai đã tăng từ 17.500 USD một năm lên 24.000 USD. Thậm chí, chiếc bánh quy yêu thích của cậu bé đã tăng giá thêm 1/3 tính từ đầu 2023. Hai giờ ở khu vui chơi của con có giá 44 USD.

Dale buộc phải rút tiền tiết kiệm để nuôi con.

Lạm phát tăng cao đang đẩy chi phí chăm sóc trẻ lên mức cao chưa từng có. Khảo sát công ty dự liệu phần mềm ECA International cho thấy chi phí trung bình dịch vụ giữ trẻ tăng 6% vào năm 2023. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 9%.

2000x1334-3-3491-1706775004.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6eSkEh4RAqnqrtDKSPFYmA

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có chi phí chăm sóc trẻ đắt. Ảnh: Christopher Pike/Bloomberg

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2023, mức giá giữ trẻ trung bình là 321 USD, tăng so với mức 284 USD trước đó. Riêng New York có mức tăng khoảng 16% khiến Mỹ có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất trong số các quốc gia phát triển.

Mỗi năm, Mỹ mất khoảng 237 tỷ USD do phụ nữ giảm giờ làm để chăm sóc con cái trong khi đó mức này ở toàn châu Âu là 255 tỷ USD.

Fawn Hudgens, 39 tuổi, phó giám đốc công ty phần mềm ở London đã phải trả 1.700 USD mỗi tháng cho con gái hai tuổi ở nhà trẻ. Ngày thứ 6 hàng tuần, cô mất thêm 182 USD cho người trông trẻ. Mức này chiếm 15% thu nhập của Fawn Hudgens. Vợ chồng cô từng nghĩ đến chuyện có thêm con nhưng chưa đủ thu nhập để chi trả cho các khoản phí chăm sóc.

Dữ liệu từ OECD cho thấy phụ huynh ở Anh trung bình chi 29% tổng thu nhập gia đình, khoảng 17.000 USD mỗi năm cho việc chăm sóc trẻ. Điều này khiến các nhà tuyển dụng cố gắng nâng gói tiền thai sản để giữ người lao động nữ.

Ở Nhật Bản, phụ nữ không lựa chọn nghỉ việc mà cố gắng đi làm, cân bằng với việc chăm sóc con cái và gia đình. Rie Yanagisawa, 35 tuổi, là một ví dụ. Cô có ca làm việc dài 5 tiếng mỗi ngày ở công ty bán dẫn và 8 tiếng chăm sóc hai con nhỏ. Trong khi đó, chồng Rie Yanagisawa làm việc 60-65 giờ mỗi tuần và trở về nhà lúc 22h. Đây là cách sắp xếp phổ biến của phụ nữ Nhật Bản. Họ có 7 giờ mỗi ngày cho công việc nhà và chăm sóc con, nhiều gấp 5 lần nam giới.

"Tôi cơ bản là mẹ đơn thân vào các ngày trong tuần", Yanagisawa nói. Cô đã làm việc toàn thời gian cho đến khi con gái đầu chào đời cách đây 5 năm.

2000x1334-2-7444-1706775004.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Edd_HPzSpxEr7iuWp-8PKw

Yanagisawa dành 8 giờ mỗi ngày để chăm sóc hai con. Ảnh: Noriko Hayashi/Bloomberg

Chi phí chăm sóc trẻ em ở Nhật Bản trung bình 200 USD mỗi tháng nhưng hệ thống thiếu linh hoạt. Yanagisawa buộc phải đến đón con khi chúng có dấu hiệu sốt nhẹ.

Các lựa chọn khác như thuê người giữ trẻ thì tốn kém và bị xã hội đánh giá là "không biết làm mẹ". Người trẻ ở nông thôn đến sống và làm việc ở các thành phố thường không có ông bà hỗ trợ. Những thách thức này kết hợp với mức lương tăng chậm góp phần làm giảm tỷ lệ sinh Nhật Bản.

Trước tình hình này, chính phủ và các công ty Nhật đang xem xét các phương án hỗ trợ. Một vài doanh nghiệp đã hỗ trợ tài chính cho dịch vụ chăm sóc trẻ, xem đây là phần phúc lợi của nhân viên.

Hãng mỹ phẩm Shiseido đã có chính sách cho nhân viên nghỉ thai sản 5 năm và giảm giờ làm cho đến khi đứa trẻ 9 tuổi. Họ đã hỗ trợ chi phí cho nhân viên sử dụng máy hút sữa và nghỉ giữa ngày hai lần. Điều này khiến Shiseido dẫn đầu trong bảng xếp hạng công ty Nhật Bản có nhiều nhân viên nữ nhất.

Công ty thương mại Itochu Corp. đã điều chỉnh giờ làm việc vào buổi sáng, cho phép nhân viên có trẻ nhỏ rời đi sau 15h và cấm làm việc sau 20h. Nhờ vậy, tính đến tháng 3/2022, tỷ lệ sinh nhân viên của Itochu đã tăng lên 1,97 lần.

Yanagisawa nói làm việc theo giờ giấc linh hoạt khiến cô muốn gắn bó với công ty hiện tại, dù mức lương thấp hơn so với mong muốn.

"Hiện tại tôi muốn tập trung vào việc chăm sóc con cái", cô nói. "Tôi tận dụng các phúc lợi chăm sóc con cho đến con út đủ 7 tuổi".

Ngọc Ngân (Theo Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022