“Tốt nghiệp viện K” là câu nói vui của nhiều bệnh nhân ung thư hỏi thăm nhau, trong đó có người tốt nghiệp 5, 10 năm, thậm chí lâu hơn.
Chị Trần Kim Oanh (sinh năm 1986, quê Bắc Giang) làm được điều đó khi chiến thắng ung thư vú bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm lạc quan hướng về tương lai.
Đầu năm 2019, ngực chị Oanh xuất hiện cục nhỏ nhưng một phần vì chủ quan, phần cũng vì cuộc sống bận bịu nên bỏ qua việc thăm khám.
Gần cuối năm, cục u ngày càng to hơn. Cảm nhận điều chẳng lành, chị lập tức đi bệnh viện để khám.
“U vú ác tính, giai đoạn 3”, kết luận của bác sĩ khiến chị lặng người. Tâm trí rối bời, chị chỉ kịp gặng hỏi “bệnh của cháu có chữa khỏi được không?”. Vị bác sĩ đáp, “phải nhập viện luôn, để lâu khó có thể nói trước được gì”.
Chị Oanh lưu lại hình ảnh đẹp của bản thân trong ngày nhận "bằng tốt nghiệp viện K". Ảnh: NVCC. |
Sau khi nhận tin dữ, lo không còn nhiều thời gian bên con, chị Oanh dành trọn vẹn 2 ngày đưa con đi chơi khắp Hà Nội, xem phim, ăn kem, uống cà phê và không quên cùng con chụp bộ ảnh lưu giữ kỷ niệm.
Sau đó, chị tranh thủ sắp xếp việc gia đình, gửi cậu con trai 6 tuổi nhờ ông bà chăm sóc rồi nhập viện. Do khối u to, chị phải điều trị hóa chất trước khi phẫu thuật. Tác dụng phụ của hoá chất khiến chị rụng hết tóc, gần như không thể ăn, ngủ.
Từng mũi tiêm đau thấu xương cốt khiến chị mệt lả, liên tục nôn, chỉ uống nước cầm hơi. "Hóa chất như axit gây bỏng rát toàn thân tôi, len lỏi trong từng mạch máu, khiến tôi không thể nhấc nổi người, chân tay tê bì", chị Oanh kể.
Truyền hóa chất nhiều khiến da chị sạm đi, móng tay chân thâm đen, chính chị cũng không còn dám nhìn bản thân trong gương.
Sau một năm điều trị, dù ngực trái bị cắt nhưng sức khoẻ của chị ổn định, không nhìn thấy hình ảnh khối u bất thường.
“Ngày được cầm tờ giấy ra viện, tôi hạnh phúc lắm, vì đó là thành quả của cả chặng đường khó khăn bản thân đã phải nỗ lực rất nhiều”, chị Oanh nhớ lại.
Cuối tháng 5/2022, trong lần tái khám định kỳ, bác sĩ phát hiện ngực phải chị xuất hiện khối u, chẩn đoán bệnh tái phát. Lần này chị Oanh bình tĩnh hơn, bởi từ lâu chị xác định “di căn là điều khó tránh”.
Lần điều trị này, chị phải tiêm 6 mũi hóa chất, phẫu thuật cắt khối u, sau đó tiếp tục xạ trị. Tự động viên bản thân không được bỏ cuộc, nghĩ đến con trai, chị luôn gắng gượng vượt qua. Con trai là động lực lớn nhất, giúp chị có niềm tin chiến thắng bệnh hiểm nghèo.
Để lưu lại những ký ức tươi sáng, chị chụp bộ ảnh mặc áo dài trước khi ngực phải bị cắt bỏ. Nhờ tinh thần lạc quan và tích cực, tháng 8/2023, kết quả thăm khám cho thấy cơ thể chị hoàn toàn không còn tế bào ác tính, bệnh ổn định.
Hiện chị tái khám ba tháng một lần. Cầm kết quả trên tay, chị không giấu nổi niềm hạnh phúc, liền chia sẻ trên mạng xã hội: “Chính thức tốt nghiệp trường K, nhận bằng lần 2 nhưng cảm xúc vẫn rất khó tả”.
Giấy ra viện có ý nghĩa như "tấm bằng tốt nghiệp" với mỗi bệnh nhân ung thư. Ảnh: NVCC. |
Hiện chị Oanh sống cùng con trai ở Bắc Giang, kiếm sống bằng nghề bán và thiết kế cây cảnh. Mỗi sáng, chị ra vườn, uống cà phê, ngắm cây cối và biết ơn vì vẫn còn được sống. Công việc không cần di chuyển quá nhiều, chị có thể dành nhiều thời gian cho con.
Chị cảm thấy bản thân không vô dụng hay vì bệnh tật mà trở thành gánh nặng của gia đình. Điều tiếc nuối nhất của chị là chủ quan với bệnh, khi có dấu hiệu thì ngại đi khám, khiến bệnh tiến triển nhanh.
Mong truyền cảm hứng tích cực đến bệnh nhân ung thư, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, chị Oanh thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội vì người bệnh ung thư.
"Chúng ta không ai biết trước được ngày mai, nhưng hãy thật can đảm, sống hết mình cho hôm nay vì cuộc đời rất đẹp. Ung thư không còn đáng sợ, nếu con người đủ bình tĩnh và sẵn sàng 'đón nhận' nó như một thử thách đáng chinh phục", chị Oanh tâm niệm.
Bài hát lớn lên cùng con
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.