"Từ lúc biết con cần ghép gan đến khi tìm được người hiến tặng là quãng thời gian đầy ám ảnh. Tôi chỉ sợ không kịp cứu con", chị Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi, ở xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, Thái Bình kể.
Tháng 7/2020, chị Lan sinh con gái út Đỗ Tú Anh. Hai tháng sau, bé có dấu hiệu viêm phổi, vàng da được chuyển từ bệnh viện tỉnh Thái Bình lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Tú Anh được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh - một bệnh lý hiếm gặp khiến đường mật ngoài gan bị tắc nghẽn hoặc không phát triển, gây ứ mật và vàng da nghiêm trọng. Ba tháng tuổi, cô bé phải trải qua phẫu thuật Kasai với hy vọng tái lập lưu thông đường mật.
Ca mổ giúp bé duy trì sự sống nhưng không thể ngăn biến chứng. Những đợt nhiễm trùng đường mật liên tiếp khiến sức khỏe Tú Anh suy yếu. Hành trình cùng con vào viện của vợ chồng chị Lan cũng bắt đầu.

Chị Nguyễn Thị Lan và con gái Đỗ Tú Anh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2024. Ảnh: Gia đình cung cấp
Gần bốn năm tiếp theo là chuỗi ngày vợ chồng chị thay nhau ở viện. Khi con điều trị ngoại trú, sáng sớm anh Đỗ Hoàng Hãnh chở vợ con từ phòng trọ ở Nam Từ Liêm đến Bệnh viện Nhi Trung ương, chiều tan làm lại vội vã đón về.
Mệt mỏi thể xác không thấm vào đâu so với nỗi lo canh cánh về sức khỏe của con gái và gánh nặng tiền bạc ngày càng chồng chất. Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi chi trả một phần, nhưng chi phí phẫu thuật, thuốc đặc trị vẫn quá lớn. Hết tiền, vợ chồng lại vay mượn khắp nơi, tổng số nợ lên đến 300 triệu đồng.
Tháng 7/2023, bệnh tình của Tú Anh trở nên nguy cấp khi cô bé mắc thêm hội chứng gan - phổi. Bác sĩ thông báo cần được ghép gan sớm để giữ tính mạng.
Hai chữ "ghép gan" như sét đánh ngang tai. Không chỉ lo tiền phẫu thuật, cặp vợ chồng còn đối diện bài toán nan giải tìm người hiến tạng.
Hai vợ chồng xin xét nghiệm trước nhưng không đủ điều kiện. Chị Lan có biến dạng mạch máu, men gan cao, anh Hãnh bị hẹp động mạch gan. Ông bà nội ngoại hai bên dù thương cháu cũng đành bất lực vì tuổi cao, người mắc bệnh tim, người huyết áp không ổn định. Chờ đợi nguồn gan hiến tặng trong danh sách của bệnh viện gần như vô vọng vì quá dài.
"Không tìm được người cứu con, vợ chồng tôi như sụp đổ", chị Lan kể. Bà mẹ hai con từng thử tìm kiếm sự giúp đỡ trên các hội nhóm nhưng thủ tục phức tạp, gần như không khả thi.
Giữa lúc nguy nan, anh Đỗ Văn Đức, 33 tuổi, em họ của anh Hãnh ở TP HCM, chủ động liên lạc, ngỏ ý muốn hiến một phần gan của mình.
"Nếu có thể giúp cháu có cuộc sống bình thường, em sẵn sàng tặng một phần lá gan để cứu cháu", anh Đức nói với anh họ.
Vợ chồng chị Lan ban đầu ngần ngại, lo lắng hiến gan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của em trai. Nhưng trước tấm lòng và sự quyết tâm của gia đình Đức, anh chị chỉ biết nghẹn ngào cảm ơn.
5 tháng sau đó, anh Đức từ TP HCM ra Hà Nội gần 10 lần để làm các xét nghiệm cần thiết. Mẹ anh từ Lai Châu cũng xuống Hà Nội để ký giấy tờ, hoàn tất thủ tục pháp lý. Mỗi lần ra thăm, anh lại thủ thỉ với Tú Anh: "Chú cháu mình cùng cố gắng nhé, con sẽ sớm khỏe lại thôi".
Đầu năm 2024, gánh nặng nợ nần hơn 300 triệu đồng sau nhiều năm chạy chữa cho con đè nặng lên vai. Anh Hãnh sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động bởi mức lương đầu bếp không thể trả nợ và lo chi phí điều trị lâu dài cho con.

Anh Đức và bé Tú Anh chuẩn bị thực hiện ca hiến và ghép gan, tháng 3/2024. Ảnh: Gia đình cung cấp
Tháng 3/2024, ca ghép gan cho Tú Anh thành công. Niềm vui chưa kịp trọn vẹn, do hệ miễn dịch yếu, bé lại gặp biến chứng. Tình trạng vàng da tăng trở lại, bác sĩ phải đặt stent do tĩnh mạch ở lá gan mới bị hẹp.
Sau 70 ngày điều trị, Tú Anh được xuất viện về nhà theo dõi, định kỳ mỗi tháng tái khám và điều trị men gan cao. Ở xa, chú Đức vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Sức khỏe của anh sau phẫu thuật đã ổn định và trở lại với công việc thường nhật.
Những tưởng sóng gió đã qua, nhưng trong lần tái khám gần đây nhất, tin dữ lại đến. Chức năng gan của Tú Anh có dấu hiệu suy yếu, buộc phải theo dõi sát. Hiện tại, vợ chồng chị Lan vẫn gắng gượng, gom góp từng đồng để tiếp tục chiến đấu cùng con. Chặng đường phía trước còn dài và đầy thử thách, nhưng người mẹ 32 tuổi chỉ có ước con khỏe mạnh, được đi học, đi chơi như bạn bè.
"Không mong gì cao sang, chỉ mong điều đó sớm thành hiện thực", chị Lan nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khaichương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây:
- Tên chương trình: Ten cua ban - Mat troi Hy vong
- ID chương trình: 195961
Quỳnh Nguyễn