Ông Hắc sinh năm 1940 ở tỉnh Hà Nam, từng là giám đốc công ty máy bay Hughes, phó tổng giám đốc công ty Acer Đài Loan, Phó giám đốc công ty truyền thông Kuangchi. Tạp chí CommonWealth từng đánh giá ông là một trong những người có ảnh hưởng nhất Đài Loan.
Không chỉ có sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, ông Hắc còn tự hào bởi cả bốn người con đều thành đạt, tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu thế giới.
Con trai cả Hắc Lập Ngôn có bằng thạc sĩ của Đại học Yale (Mỹ) sau này kế vị cha làm tổng giám đốc Viện đào tạo Carnegie. Con trai thứ hai Hắc Lập Quốc là bác sĩ y khoa tại Đại học California, sau này trở thành hiệu phó Trường Y thuộc Đại học Washington. Con gái thứ ba là Lập Lợi tốt nghiệp Trường Luật Đại học California và cậu con út Lập Hành có bằng thạc sĩ tại Đại học Stanford, hiện thành lập công ty riêng.
Gia đình ông Hắc Ấu Long chụp ảnh kỷ niệm trong buổi lễ tốt nghiệp của con gái Lý Lợi hơn 20 năm trước. Ảnh: toutiao
Mặc dù cả bốn người con của ông đều đạt được thành tựu nổi bật nhưng việc giáo dục không hề suôn sẻ. Nhớ lại những năm tháng khó khăn nhất trong quá trình trưởng thành của con, ông Hắc gọi đó là "khoảng thời gian đen tối".
Trong bốn người con của ông Hắc, ngoại trừ con trai lớn Lập Ngôn khá hiểu chuyện, ít gây phiền phức, ba đứa trẻ còn lại từng được đánh giá "khó có thể đào tạo"
Người con thứ hai Lập Quốc từ nhỏ đã không thích đi học, điểm số luôn thấp nhất lớp. Năm thứ hai trung học, Lập Quốc nói ước mơ của cậu là trở thành tài xế xe chở rác. Mặc dù người bố giải thích tiêu chuẩn và xuất phát điểm của người có học thức sẽ cao hơn nhưng con trai vẫn khăng khăng "Lái xe chở rác dù sao vẫn kiếm được nhiều tiền hơn làm giáo viên".
Lúc này ông bố không hề trách mắng con mà cầm vào cánh tay cậu bé, động viên "Với cơ bắp này, chắc con có thể vượt qua được vòng sát hạch".
Ông Hắc kể, mặc dù bên ngoài cố gắng tỏ ra bình thản nhưng trong lòng lại rối như tơ vò. Người cha tự nhủ, sự nghiệp vốn không phân biệt cao thấp, dù sao đó cũng là lựa chọn của con. Khi Lập Quốc học năm thứ ba, cậu trốn học đi hẹn hò với bạn gái nhưng bị bố bắt gặp trên đường. "Bố cứ đánh nếu coi con là đứa trẻ hư", Lập Quốc thách thức bố.
Tuy nhiên, ông Hắc không đánh con cũng không trách mắng mà đưa cậu về trường học. "Bố biết con rất bực nhưng nên về trường trước, mọi thứ khác giải quyết sau", ông trả lời nhẹ nhàng.
Hắc Ấu Long vốn coi việc trốn học là tội nghiêm trọng nhưng ông không hề coi con trai là "đứa trẻ hư", bởi đó chỉ là tâm lý nổi loạn của tuổi mới lớn. Lập Quốc sau đó cảm nhận được sự bao dung của cha mình, nên không trốn học đi chơi nữa.
Con gái thứ ba Lý Lợi cũng từng trải qua thời mới lớn nổi loạn. Năm lớp 8, cô bé đã thích trang điểm và ăn mặc diêm dúa, thậm chí sáng nào cũng dành hai tiếng tô son đánh phấn trước khi đến lớp. Lý Lợi có nhiều bạn trai, cũng hay cãi lộn thậm chí đánh nhau với anh em trong nhà. Thậm chí khi bị mọi người cười nhạo vì trang điểm xấu, cô xịt nước làm ướt hết phòng người đã trêu mình.
Đối với sự nổi loạn ở tuổi vị thành niên, nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy bất lực đồng thời hoàn toàn phủ nhận con, coi đó là một đứa trẻ hư hỏng. Nhưng Hắc Ấu Long và vợ tin rằng, con gái trang điểm sớm là muốn được chú ý, thể hiện cá tính mạnh. Hai vợ chồng không quát mắng con, cố gắng đánh giá tích cực về con gái và coi sự nổi loạn chỉ là tạm thời.
Theo ông, cha mẹ không nên hạn chế trẻ, bởi đó là cách huỷ hoại sự năng động và sáng tạo ở trẻ. Ông muốn cho con không gian thoải mái, được tự do sáng tạo, vui chơi và kết bạn.
Người con trai thứ tư là Lập Hành sau khi nhập học tại Đại học Stanford (Mỹ), lại nghi ngờ về sự lựa chọn của mình. Anh suýt bỏ học để theo nghề diễn viên. Hắc Âu Long hiểu được suy nghĩ của con trai, đề nghị anh dành một năm theo đuổi ước mơ sau đó mới nên quyết định làm gì tiếp theo.
Nghe lời bố, Lý Hành cống hiến hết mình cho sự nghiệp diễn xuất, người cha cũng cố gắng hết sức giúp con trai thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, sau một năm, Lý Hành nhận ra, diễn xuất không phải chuyên môn của anh, dù cố gắng thế nào cũng không đạt thành tích cao. Lý Hành từ bỏ giấc mơ trở thành diễn viên và trở lại Viện cơ khí của Đại học Stanford để tiếp tục con đường học vấn.
Nhìn lại chặng đường con trai mình đã đi qua, Hắc Âu Long nói: "Nếu không cho Lý Hành học diễn xuất vào thời điểm đó, có thể gây ra sự hối tiếc lớn nhất cuộc đời thằng bé. Tương lai của một đứa trẻ, xét cho cùng là do chính nó quyết định".
Ông Hắc Âu Long chụp ảnh bên những người cháu của mình. Ảnh: popdaily.com.tw
Theo người cha, ông không có quan điểm giáo dục gì cao siêu mà tất cả chỉ gói gọn trong hai từ: "Chậm rãi".
Hắc cho rằng, khi nuôi dạy những đứa trẻ, cha mẹ cần chậm lại từ suy nghĩ cho tới hành động, không nóng nảy, biết kiểm soát cảm xúc bản thân. Chậm để lắng nghe, chậm để thấu hiểu tâm tư tình cảm của trẻ, mới hy vọng đạt được kết quả mong muốn.
Cách "chậm" của Hắc Ấu Long là thực hiện từng bước trong việc dạy dỗ con. Ông dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của trẻ. Từ đó, hướng dẫn và truyền cảm hứng để các con thực hiện ước mơ của mình.
Theo ông, khi những đứa trẻ lớn lên, điều chúng nhớ nhất về cha mẹ không phải là xe hơi, nhà cửa hay tài sản bố mẹ để lại, mà là cha mẹ đã giúp con cái được gì để phát triển nhân cách tốt.
Trong bức thư mừng thọ cha 80 tuổi, con trai thứ hai Lập Ngôn vì không thể về nước đã viết:
"Bất chấp tất cả những điều tồi tệ mà con đã làm khi còn nhỏ, bố luôn yêu thương và tin tưởng con như một người tốt bụng và có tiềm năng lớn. Sự kiên nhẫn, bao dung của bố chính là cách tốt nhất dạy con theo đuổi những ước mơ trong đời".
Trang Vy