Người đàn ông 56 tuổi, quê Hà Nam nói hai năm qua, gia đình ông tiêu 1.000 đồng cũng phải nghĩ bởi mọi khoản tiền đều được ưu tiên cho cuộc chiến của con gái Phạm Thị Thu Phương, 14 tuổi ở Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều, Hà Nội.

Phương là con gái út của ông Chăm và bà Lê Thị Vui, 55 tuổi. Họ có bốn đứa con nhưng mất hai người do bệnh và tai nạn giao thông. Khi người anh thứ hai lập gia đình, Phương trở thành niềm vui an ủi duy nhất của vợ chồng.

Đầu 2022, cơ thể em bắt đầu xuất hiện hạch to, đau nhức. Ông Chăm chở con đi khám và uống thuốc nhưng không thuyên giảm, hạch phát triển và lan rộng. Ròng rã một năm đi giữa Hà Nội và Hà Nam, kết quả sinh thiết cho thấy cháu Phương bị ung thư máu.

Screen-Shot-2024-01-28-at-12-1-9338-6444-1706425230.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qbCpc-Z3WrhPCIXs-lvdgg

Cháu Phạm Thị Thu Phương ở nhà thuộc xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, tháng 9/2023. Ảnh Nhân vật cung cấp

"Vợ chồng tôi như chết lặng bởi con bé còn hồn nhiên quá", bà Vui nhớ lại. "Nhận kết quả mà tôi không biết ngày mai mình sẽ sống như thế nào, làm gì".

Do mắc suy thận và tiểu đường biến chứng, ông Chăm nghỉ công việc bốc vác ở Hà Nội từ 10 năm trước. Về sau, ông phát hiện thêm bệnh gout phải điều trị bằng thuốc hằng tháng. Cả gia đình sống nương nhờ vào sào ruộng và 4,5 triệu đồng lương công nhân của bà Vui.

Mỗi tối trông Phương ngủ, bà Vui thương con chảy nước mắt. Họ vét hết tiền dành dụm, mượn thêm các bác để đưa Phương đến Hà Nội điều trị theo phác đồ đầu tiên.

Phương được mô tả là cô bé ngoan ngoãn, hiền lành, viết chữ đẹp phải gác lại việc học. Những đợt hóa trị khiến tóc Phương rụng dần, uể oải, nôn ói và thường trở mệt.

Mẹ con cô bé thường ngủ lại nhà trọ ở TP Hà Nội, nhưng chỉ cần bớt mệt Phương lại đòi về nhà bởi "có bố và không lạnh lẽo như bệnh viện".

Bà Vui là lao động chính, người khỏe mạnh duy nhất trong nhà, phải bỏ việc để theo con. Gần hai năm, kinh tế gia đình họ bị vắt kiệt theo những đợt truyền hóa chất, ông Chăm dè xẻn ở mức tối đa. Người đàn ông tự cắt bớt tiền thuốc của mình mỗi tháng, ngày nấu một lần ăn hai bữa.

"Mình đói cũng được nhưng không để con khổ", ông Chăm nói. Nhưng những đợt chạy tiền không làm họ đổ gục như lần Phương cấp cứu, tính mạng như ngọn đèn trước gió.

Ba tháng trước, bạch cầu giảm khiến cô bé phải nằm ở khoa cấp cứu suốt 18 ngày. Bà Vui như ngồi trên đống lửa khi thấy con sốt cao, mồ hôi tuôn như tắm. Phương lả người vì những cơn đau, rên rỉ trên giường bệnh. Một mình bà Vui ra vào phòng bệnh chăm sóc con, dìu cháu đi vệ sinh, lo giấy tờ, vay mượn tiền bạc.

"Con khóc thì mẹ cũng khóc", bà nhớ lại. "Tâm trí tôi chỉ cầu mong con được ở lại với mình".

Ông Chăm cũng sốt ruột nên đón xe lên Hà Nội với con được hai ngày. Người đàn ông đau chân, di chuyển khó khăn chỉ có thể ngồi ở giường bệnh, vuốt tóc con gái.

Phương vượt qua cơn nguy kịch nhưng cô bé phải thay đổi phác đồ điều trị, dự kiến hai năm. Số tiền điều trị một lần nữa khiến gia đình họ như bước vào cuộc chiến mới.

Tuy nhiên, ông Chăm nói không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc dù chỉ còn hy vọng cuối cùng. Ở bệnh viện, vợ chồng ông giấu hết những khó khăn và luôn động viên con.

"Rồi con sẽ khỏe mạnh và được trở về nhà", ông nói.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.

Độc giả có thể xem thông tin về chương trìnhtại đây.

Ngọc Ngân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022