"Tôi tin rằng biết lái xe máy và nói tiếng Việt là hai chìa khóa để sinh tồn ở Việt Nam", cô gái người Mỹ 24 tuổi nói. Brooklyn nói cuộc sống của cô đã thay đổi 180 độ sau hai tháng trở thành con dâu Hà Nội.

Nữ y tá ở TP St. Louis, bang Missouri gặp anh Văn Tấn Vũ, làm việc trong lĩnh vực giáo dục, trong buổi đi chơi với nhóm bạn chung hồi năm 2020. Họ nhanh chóng có ấn tượng tốt về nhau. Brooklyn dịu dàng, sâu sắc còn Vũ là chàng trai mạnh mẽ, thẳng tính, du học từ năm 16 tuổi.

Hai năm sau, cô tình cờ chuyển tới tòa nhà mà Vũ sinh sống. Họ chạm mặt nhiều hơn và hỏi han nhau về cuộc sống thường ngày.

"Ban đầu, mình cũng không có nhiều khái niệm về Việt Nam ngoài cuộc chiến tranh từng học". cô nói. "Nhưng anh ấy đã kể cho mình rất nhiều thứ về quê hương".

Họ hẹn hò lần đầu ở nhà hàng Việt Nam, mặc dù thức ăn không đậm đà vị bản xứ nhưng giúp Brooklyn có chút cảm nhận đầu tiên về ẩm thực Việt. Cô thích bún chả, phở và bánh mì.

Brooklyn bắt đầu hình dung về một đất nước với đặc trưng đời sống cộng đồng, họ hàng, làng xóm có nhau khác với Mỹ, nơi con người sống độc lập và tôn trọng chủ nghĩa cá nhân.

Sự ấm áp của chàng trai Việt Nam đã thôi thúc Brooklyn muốn gắn bó lâu dài. Họ tổ chức hôn lễ vào tháng 1/2024 ở TP St. Louis.

Screen-Shot-2024-06-26-at-00-0-5384-5129-1719408832.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BTpx_JM9Nu3-NP_DUwC5Hw

Brooklyn và chồng trong đám cưới ở Mỹ, tháng 1/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trải qua các cột mốc lớn trong đời, tốt nghiệp, đi làm và kết hôn, Vũ bỗng dưng nghĩ nhiều về quê hương, đặc biệt là khi bố mẹ anh đều đã lớn tuổi. "Tôi đã đi xa khá lâu và nghĩ đây là khoảng thời gian phù hợp để ở cạnh bố mẹ", Vũ nói.

Điều này được vợ anh đồng cảm, họ lập kế hoạch trở về Việt Nam. Trong hai tháng, Vũ thu xếp công việc trong khi Brooklyn đang hoàn thành nốt bằng cử nhân ngành y tá.

Cuối tháng 4, Brooklyn đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Cô gặp hai cú sốc đầu tiên về giao thông và nhiệt độ. Cái nóng hè cùng với sự oi ả của độ ẩm cao khiến cô lúc nào cũng đẫm mồ hôi. Cô cũng thấy sợ khi thấy người Việt lách giữa luồng giao thông hỗn loạn. Có một lần, Brooklyn còn thấy một cậu bé tầm 13 tuổi đạp xe trên trục đường chính, xung quanh các làn ôtô, xe máy. "Mình thấy sợ hãi thay cho cậu bé và chợt nhận ra ở đây, mọi người đều bình thường với chuyện đó", cô nói.

Gia đình Vũ chào đón cô bằng sự thân thiện và cởi mở. Tuy nhiên, Brooklyn nói mình không thể chủ động làm gì mỗi khi không có chồng ở cạnh. Cô không biết tiếng Việt, không thể đi đâu vì không biết chạy xe máy.

"Tôi nhận ra mình muốn học cách để trở thành người Việt", cô kể. Vũ là người đồng hành với vợ, anh tặng cô quyển sổ nhỏ để làm nhật ký ghi chép cảm nhận thay đổi từng ngày.

541fe227fd0c5e52071d-8838-1719408832.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TD33X8oXQVP5tMlDCh_Dig

Vợ chồng Brooklyn ở quận Ba Đình, Hà Nội, tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu tiên, Brooklyn học quan sát. Cô nhận ra người Việt Nam chịu khó, khéo léo và chăm chỉ. Một lần, Brooklyn chứng kiến người phụ nữ chở cả túi rác nhựa lớn trên xe máy nhỏ, cô thầm nghĩ nếu là người Mỹ, chắc chắn họ sẽ bỏ cuộc từ đầu.

Người trẻ Việt Nam làm việc hầu như liên tục. Họ đem việc về nhà sau giờ làm và điều này cũng hiếm xảy ra ở công sở Mỹ.

Cô ra ngoài nhiều hơn vào buổi tối và nhận ra ở đây là thiên đường nhịp sống về đêm. 20h ở Mỹ, khu vực Brooklyn cô sinh sống sẽ như thành phố "ma", các cửa hàng đóng cửa, đường xá rơi vào tĩnh lặng. Nhưng tại Hà Nội, mọi người vẫn buôn bán, trò chuyện, tập thể dục và ngồi cà phê.

"Cuộc sống thật đầy đặn và họ thích làm mọi thứ cùng nhau", cô nhận xét.

Brooklyn tự thôi thúc mình học tiếng Việt, cô được Vũ hướng dẫn vài buổi trong tuần. Những ngày đầu, cô gái Mỹ mô tả mình như rơi vào "mê cung" của những thanh âm. Ca, cá, cà, cả, cạ tất cả đều có nghĩa và thật khó phân biệt đối với một người Mỹ. Nhưng với Brooklyn, bế tắc nhất vẫn là các ngôi xưng hô của người Việt phải dựa trên giới tính, độ tuổi hoặc mối quan hệ xã hội.

Cô học thuộc vài từ "chú, cô, dì" thực hành ở quán ăn. Kể cả đi với chồng, cô cố gắng nói thành từng câu đơn giản để gọi món. "Tôi cảm thấy rất vui nếu họ hiểu", cô nói. Cô nghĩ ra mẹo nhẩm đếm số tiếng Việt khi đang dừng đèn đỏ trên đường.

Brooklyn học cả sự ấm áp của phụ nữ Việt Nam, như mẹ Vũ. Bà chủ động mang quần áo của các con đi giặt hoặc đợi cô mỗi khi về muộn với bát phở nóng. Điều này khác biệt với văn hóa Mỹ. Một lần, khi họ về thăm nhà vào lúc nửa đêm, cả nhà đã ngủ. Mẹ cô chỉ dành sẵn thức ăn nóng trong bếp và chào họ vào sáng hôm sau.

Cô nhận ra bữa cơm là sự kết nối của gia đình Việt, họ luôn cố gắng sắp xếp dùng bữa với bố mẹ mỗi buổi tối. Sau mỗi bữa cơm, cô luôn chủ động giúp mọi người rửa bát.

Nhưng nỗi sợ giao thông vẫn là thứ khó thích ứng nhất. Một lần, Vũ cho vợ thử trải nghiệm cảm giác tắc đường khi anh cố tình đi vào một trục đường chính trong giờ tan tầm. Cô phải quen với tiếng còi và dòng xe dịch chuyển.

Brooklyn bắt đầu tập đi xe máy bằng cách chống hai chân rồi từ từ vặn ga. Ở Việt Nam, lái xe không chỉ là nhìn phía trước, cô tập quan sát gương chiếu hậu và cả hai xe cạnh mình để tránh va chạm. "Kỹ năng của tôi vẫn chưa tốt lắm và phải luyện tập rất nhiều", cô nói.

Đêm cuối tháng 6, Brooklyn ngồi bên ô cửa sổ viết nhật ký. Cô mô tả hai tháng ở Việt Nam như mở ra chương mới cho cuộc đời với quá nhiều thứ phải học mỗi ngày. Vợ chồng Brooklyn đã lên kế hoạch cho cuộc sống trong 5 năm.

"Khi có con, chúng tôi muốn chúng lớn lên với văn hóa và ngôn ngữ Việt", Vũ nói. "Dù sống ở bất kỳ nơi đâu, chúng cũng sẽ nhớ về cội nguồn gia đình mình".

Ngọc Ngân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022