"Nỗi uất ức trào lên nhưng đã thất bại trong kinh doanh, tôi không muốn mất luôn gia đình", chị Nguyễn Thị Khánh Trang, 41 tuổi, ở Nha Trang kể về biến cố với cuộc hôn nhân của mình năm 2013.
Vì vậy khi đòi ly hôn, chồng không đồng ý, chị cũng xuôi. Trang sinh con giữa năm thì cô gái kia sinh con đầu năm sau. Chị kiểm soát để chồng không còn kết nối với người kia. Nhưng một lần cầm điện thoại của anh, chị phát hiện cả gia đình chồng đang âm thầm chăm sóc mẹ con cô gái. "Họ gọi nhau là ba mẹ. Phút đó, tôi biết chẳng còn lý do gì để tiếp tục sống chung với anh nữa. Tôi bắt đầu chuẩn bị để ly hôn", chị nhớ lại.
Không tức giận, không tìm cách theo dõi chồng làm gì, đi với ai, chị tập trung vào công việc để kiếm tiền. Khánh Trang xác định nếu ly hôn, thử thách trước mắt còn rất dài, rất gian nan nên quan trọng nhất là nội lực, bình an bên trong.
"Tôi cũng học cách không dựa dẫm vào anh nữa. Nếu ngày trước nhờ anh đón con, anh bảo bận tôi sẽ cáu gắt, nhưng giờ tôi vui vẻ chấp nhận", chị nói. Hàng ngày, Khánh Trang lo cơm nước cho chồng con, phụ chồng kinh tế trong nhà như trước nay lẫn làm.
Chị Khánh Trang hạnh phúc bên các con, dù ly hôn. Ảnh nhân vật cung cấp
Trước ngày nói chuyện chính thức với chồng, chị gọi riêng hai con, một bé lớp 2, một đứa học mẫu giáo lớn ra nói chuyện. Cầm bốn con búp bê, chị bảo với lũ trẻ: "Hai con búp bê lớn chơi thân với nhau, nhưng giờ một con không thích con còn lại nữa nên chúng tách ra ở riêng. Hai con búp bê lớn có hai con búp bê con. Dù ở riêng, chúng vẫn yêu búp bê nhỏ như bình thường".
Bọn trẻ òa khóc. Thương con, nhưng chị biết đó là điều nên làm và sẽ ít gây tổn thương cho con nhất. "Mình trực tiếp nói ra bao giờ cũng gần với sự thật hơn, còn hơn con nghe chuyện của bố mẹ từ người ngoài. Biết đâu, họ thêu dệt những điều không hay", chị nói lý do.
Dịp nghỉ lễ 30/4/2019, Khánh Trang đưa con về quê ngoại ở Nha Trang. Chị nói chuyện với chồng, dặn anh ở lại để dọn đồ ra ngoài vì không muốn các con chứng kiến cảnh này. "Anh rất bất ngờ, nhưng tôi không quan tâm. Tôi lắng nghe mình và thấy lòng an nhiên, sẵn sàng cho cuộc sống mới", chị tâm sự.
Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đánh giá cao những phụ nữ có sự chuẩn bị cho ly hôn như chị Khánh Trang. "Điều đó thể hiện sự chủ động, độc lập của người phụ nữ, giúp họ có tâm lý, tài chính vững vàng khi bước vào cuộc sống không có chồng bên cạnh", bà Ánh nói.
Trong khảo sát của VnExpress với gần 650 độc giả, có 67% độc giả ủng hộ quan điểm của bà Tuyết Ánh, cho rằng phụ nữ cần chuẩn bị tài chính, tâm lý... trước khi ly hôn để sẵn sàng bước vào cuộc sống độc lập, nhiều khó khăn phía trước. Trong khi đó, 28% độc giả cho rằng, tùy từng cuộc hôn nhân để quyết định ly hôn lập tức hay cần thời gian chuẩn bị.
Nhà báo Hoàng Anh Tú, admin một diễn đàn về hôn nhân cho biết, mỗi ngày, ông nhận được hàng chục bài viết tìm hiểu về ly hôn. "Tìm đến tư vấn trước quyết định ly hôn là việc rất cần thiết. Nó cho thấy sự nghiêm túc chứ không phải nóng giận tức thời", ông Tú nói.
Theo ông, chuẩn bị cho ly hôn cũng quan trọng như kết hôn. Khi hai người cưới nhau, không chỉ là mối quan hệ của người nam với người nữ, mà còn của hai gia đình, bạn bè. Sau những năm tháng sống chung, hôn nhân tạo ra vô số ràng buộc khác như tài sản, con cái, mối quan hệ.
Tiến sĩ Tuyết Ánh cho rằng trong một cuộc hôn nhân, dù ngắn hay dài, phụ nữ đã có một sự ổn định. Đột ngột ly hôn sẽ phá vỡ sự ổn định đó, dễ khiến người vợ rơi vào khủng hoảng. "Chưa kể, khi có vợ chồng, ít nhiều họ cùng san sẻ kinh tế, giải quyết rủi ro trong đời sống. Còn sau ly hôn, phụ nữ phải một mình gánh vác, một mình lo toan", bà phân tích.
Chị Nguyễn Thu Hạnh (28 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, không thể lường được những áp lực và lo toan phải gánh sau ly hôn. Trong cơn nóng giận, chị không đủ bình tĩnh để suy xét điều gì. Sau cuộc cãi vã căng thẳng, năm 2018, chị viết đơn ly hôn, yêu cầu chồng ký ngay lập tức. Họ ra tòa chỉ hơn một tháng sau đó, chấm dứt tình yêu từ thuở sinh viên. Con gái về sống cùng chị Hạnh, khi trong tay chị chẳng xu dính túi và nỗi hổ thẹn vì không tiền bạc, hôn nhân tan vỡ.
Hạnh dằn vặt bản thân những lúc cô đơn, bế tắc nên trút cơn giận lên con gái. Cả hai mẹ con phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Chị nhìn cuộc sống đầy hằn học, định kiến về đàn ông và phải sống nhờ trợ cấp từ bố mẹ đẻ. "Lúc chưa ly hôn, tôi nghĩ cần chấm dứt những ngày đau khổ này. Nhưng ly hôn rồi, tôi mới biết đó chỉ là mở đầu cho chuỗi đau khổ về sau", chị nói.
Từ một phụ nữ nội trợ, chị phải bán hàng online kiếm tiền nuôi con. Chị cũng phủi bụi tấm bằng sư phạm xin đi dạy trở lại, chiều bầm dập ngoài chợ bán từng mớ rau. "Bây giờ, khi cuộc sống đã ổn định, tôi vẫn không hối hận vì đã ly hôn nhưng ân hận vì quá vội vàng. Nếu có thời gian chuẩn bị, có lẽ tôi không xước xát cả thể chất lẫn tâm hồn nhiều đến thế. Con tôi cũng không chịu nhiều tổn thương", chị tâm sự.
Bà Ánh cho rằng chuẩn bị cho ly hôn cũng là quãng thời gian để vợ chồng có cơ hội nhìn lại hôn nhân của mình. Có thể trong quãng thời gian đó, họ nhận ra ý định ly hôn chỉ đến do nóng giận nhất thời. Họ biết mình sai ở đâu, chồng sai ở đâu để điều chỉnh hoặc hàn gắn...
Hôn nhân của Thảo Nguyên (34 tuổi, Thanh Hóa) may mắn được bảo toàn nhờ quyết định chờ đợi. Năm ngoái, khi Covid-19 gây khủng hoảng toàn cầu, hai vợ chồng chị đều mất việc. Giữa lúc túng quẫn, anh Minh Tiến, chồng chị đầu tư tiền ảo, thua lỗ hơn 50 triệu đồng. Không có tiền vốn đã bực dọc, nay chồng lâm nợ, chị Nguyên chán nản.
Họ thường xuyên cãi vã, thấy chán ghét bạn đời. Chị muốn dứt khoát ly hôn với người đàn ông "làm khổ vợ khổ con". Nhưng thương con gái mới hơn một tuổi, mình đang thất nghiệp, chị muốn đợi con cứng cáp hơn, mình chủ động kinh tế hơn.
Nhưng Thảo Nguyên thôi nghĩ đến ly hôn khi Covid-19 tạm lắng, công việc trở lại với hai vợ chồng. Kinh tế đi lên, họ nhìn nhau bớt hằn học. Chị vỡ ra chồng cũng vì muốn cải thiện bữa cơm cho các con mà nóng vội. "Có việc làm, anh lao đi từ sáng đến tối. Mua được cho con thùng sữa, bộ váy mới, mặt anh vui hẳn lên", chị nói.
Nguyên hối lỗi vì thiếu cảm thông với chồng trong lúc khó khăn. Anh cũng thừa nhận vì túng thiếu mà không lí trí, nóng vội để gia đình có thời gian bế tắc. "Kinh tế khó khăn biến chúng tôi thành những người xấu xí. Khi bình tĩnh nhìn nhận lại, chúng tôi biết mình đã sai và cùng vun vén để làm lại", chị đúc rút.
Vụ trưởng Gia đình cho rằng trước khi ly hôn, ngoài tâm lý và tài chính, phụ nữ cần nâng cao kiến thức để phát triển sự nghiệp, rèn cho mình kỹ năng và bản lĩnh đối phó với các rủi ro, áp lực xã hội khi chỉ một mình.
Nhà báo Hoàng Anh Tú khuyên phụ nữ đặt địa vị mình vào những người xung quanh để chọn giải pháp tốt nhất. Khi ly hôn, phải làm sao thật văn minh, tự nguyện và minh bạch, giảm bớt những hệ lụy.
"Hãy cho hôn nhân 'quyền an tử', đừng biến nó thành chiến trường hơn thua, là cách trừng phạt bạn đời. Trước khi ký đơn ly hôn, hãy chắc chắn nó là lựa chọn tốt nhất cho mình", ông nói.
Sau ly hôn, chị Khánh Trang trở về Nha Trang sống cùng hai con. Chị mở một doanh nghiệp, có được tự do tài chính và cả tâm hồn. Hai con chị cũng vui vẻ, hạnh phúc dù tổ ấm không trọn vẹn. "Tôi tin khi mẹ bình an, con sẽ lạc quan. Con vẫn tin vào tình yêu và hôn nhân, không bị tổn thương trong tiềm thức để phải đi lạc trong hôn nhân như ba mẹ đã từng", chị nói.
Khánh Trang luôn tin sẽ có một người đàn ông yêu chị, coi các con chị như con anh, đang chờ mình ở tương lai.
Phạm Nga
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.