Cách đây không lâu, dư luận Trung Quốc xôn xao về một clip trên mạng xã hội trong đó có cảnh một cậu bé mặc váy hoa tại thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Để tránh bị mọi người chú ý, cậu bé cố tình nấp đằng sau áo mẹ nhưng vẫn bị người đi đường quay phim và chụp ảnh. Nguyên nhân là em gái của cậu vừa tiêm phòng xong nhưng mặc váy cộc tay, người mẹ lo chỗ tiêm bị lạnh nên đã đổi quần áo của hai anh em.
Hình ảnh cậu bé mặc váy hoa đi ngoài được nhiều người dân tại thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên chụp lại.
Sau khi video được chia sẻ, nhiều người khen ngợi anh em cậu bé. Tuy nhiên cũng có người nhìn thấy dáng vẻ đau khổ đằng sau nụ cười gượng gạo của cậu. "Cậu bé cảm thấy thế nào khi gặp bạn bè hoặc người quen? Trẻ con cũng là người có lòng tự trọng", một người bình luận.
Nhà tâm lý học Trần Tử Hồng sau khi xem đoạn video nhận xét: "Người lớn cho rằng trẻ em chưa đủ khả năng nhận thức để biết xấu hổ, đó là sai lầm. Trong nhiều trường hợp, trẻ còn biết giữ thể diện hơn người lớn".
Theo chuyên gia này, khi trẻ lên 4, chúng bắt đầu quan tâm đến cách người khác nhìn nhận về mình và cố gắng duy trì hình ảnh cũng như danh dự của bản thân. Thế nhưng hầu hết cha mẹ không nhận ra điều này. Họ phớt lờ nhu cầu tôn trọng con cái và đùa giỡn với trẻ một cách kém duyên.
Cách đây không lâu, video về một cô bé 13 tuổi, tăng 15kg trong thời gian ở nhà do Covid-19 cũng hút người dùng mạng Trung Quốc. Ngày quay trở lại trường, cô phát hiện không thể ních được vào đồng phục cũ. Đối với một cô bé, tăng cân không phải là tin tốt, nhưng mẹ cô lại cho là vui, chụp những bức ảnh con gái lóng ngóng với bộ đồng phục rồi tung lên mạng. Vài ngày sau, các bạn trong lớp xem được video và cười nhạo.
Cô bé cảm thấy xấu hổ, khóc lóc và yêu cầu mẹ xóa video. Người mẹ không những không xóa mà còn gửi video cho cô giáo. Nhìn thấy lượng xem ngày càng tăng, bà hỏi: "Con có biết mình nhận được bao nhiêu lượt thích rồi không? Đừng xóa, mẹ nghĩ nó rất vui đó", người mẹ nói.
Nhà văn viết truyện thiếu nhi Trịnh Uyên Khiết từng nói: "Nếu muốn hủy hoại con mình, điều đầu tiên bạn nên làm là tiêu diệt lòng tự trọng của trẻ. Trong số đó, thủ đoạn của 'kẻ giết người' là thể hiện sự xấu xí của trẻ ở nơi công cộng, gây sát thương, hạ uy tín và khiến nó cảm thấy xấu hổ trước mặt người ngoài".
Nhiều cha mẹ phớt lờ nhu cầu tôn trọng con cái và đùa giỡn với trẻ một cách kém duyên. Ảnh minh họa
Gần đây có một ông bố tâm sự con trai anh vốn tính kỷ luật và năng động, học lực xuất sắc, đứng đầu thành tích quận năm lớp 6 và nhất trong đại hội thể thao toàn trường. Nhưng một đứa trẻ như vậy đã bỏ học, nhốt mình trong phòng chơi game vào năm lớp 8. Vào thời điểm then chốt của cuộc đời, cậy bé lại bỏ bê việc học và tương lai của mình. Tại sao cậu bé đột nhiên thay đổi đến mức này?
Hóa ra từ đầu năm lớp 8 cậu mê game và đã vài lần trốn học đi chơi. Một ngày, người cha không chặn được con ở quán game, đã đến trường để răn đe. Nhìn thấy con đang gục xuống bàn ngủ, ông nổi trận lôi đình, đánh con ngay tại chỗ. Bất ngờ bị đánh trước mặt bạn học và cô giáo giống như bị lột trần trước thiên hạ, kể từ đó cậu bé không chịu đến trường nữa.
Đến bây giờ người cha ân hận vô cùng. "Nếu có thể quay lại, tôi nhất định sẽ không đá con, cùng con nói chuyện chân tình. Một khi thời kỳ nổi loạn của con qua đi, mọi thứ sẽ ổn".
Xấu hổ là thứ giết chết ý thức về giá trị nhanh nhất. Ảnh minh họa
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ có thói quen làm con xấu hổ để chúng "nhớ lâu" và "biết xấu hổ rồi mới có dũng khí".
Họ ít biết rằng, từ 5 tuổi, trẻ sẽ quan tâm đến việc người khác nhìn nhận mình như thế nào và xây dựng hình ảnh cũng như phẩm giá của mình. Không giữ thể diện cho con sẽ chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của chúng và khiến chúng không cảm nhận được giá trị của bản thân.
Chuyên gia tâm lý, nhà giáo Li Zhongying, Hong Kong, cho biết động lực cơ bản để một người tồn tại chính là "giá trị bản thân". Nói một cách đơn giản, đó là sự tự tin, yêu bản thân và lòng tự trọng. Xấu hổ là thứ giết chết ý thức về giá trị nhanh nhất.
Vì vậy, xây dựng, bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, chính là bảo vệ động lực trưởng thành của con. Theo nhà tâm lý học người Mỹ James Dobson, "có hàng nghìn cách khiến trẻ đánh mất lòng tự trọng, nhưng để xây dựng lại lòng tự trọng của trẻ là một quá trình chậm chạp và khó khăn". Cha mẹ tốt cần biết cách bảo vệ thể diện của con cái trước, sau đó mới nói đến giáo dục.
GĐXH - Bệnh mất tập trung ở trẻ em khá phổ biến và ảnh hưởng lớn đến học tập và phát triển não bộ của trẻ.
GĐXH - 23 tuổi là giai đoạn tràn đầy năng lượng, háo hức với bao điều mới mẻ khi bắt đầu bước vào đời. Thế nhưng, chàng trai này lại chết trong cô độc và đói rét.
Việt Nam có 2 điểm đến lọt top 100 thành phố hàng đầu thế giới 2023