Từ bé, Loan được mẹ để tự do trong mọi chuyện, gần như mẹ không can thiệp vào bất cứ việc gì của cô. Cũng có lẽ vì thế, Loan trở nên mạnh mẽ, quyết đoán và có phần "bản lĩnh thái quá".
Khi lập gia đình, sinh con, do chồng đi công tác liên miên nên việc chăm sóc con một mình Loan tự đảm nhận. Loan nhớ về phương pháp mà mẹ cô đã dùng với mình mấy chục năm trước. Tất nhiên, khi con còn bé, Loan vẫn rất quan tâm chăm sóc, nhưng kể từ khi cu cậu vào lớp 1, Loan bắt đầu "thả".
Trường ở gần nhà nên Loan dạy con tự đi học, thỉnh thoảng lắm khi trời mưa, cô mới đến đón con. Gặp nhau, Loan cũng không hồ hởi như những bà mẹ khác mà chỉ lẳng lặng để con đi theo mình.
Việc học cũng vậy, Loan để con tự xử lý, khó thì cứ "ngồi đó mà nghĩ", làm không được thì hôm sau tự chịu "hậu quả" trên lớp. Một vào người bạn khuyên Loan nên từ bỏ phương pháp giáo dục con như thế, nó có thể khiến cậu bé trở nên cô đơn, không nơi "bám víu". Nhưng Loan nghĩ khác, cô bảo muốn con mình biết tự giác ngay từ khi còn nhỏ.
Cậu bé đi học, thi thoảng gặp những chuyện không vui, về nhà với vẻ mặt buồn rười rượi. Cu cậu mở lời kể với mẹ, Loan nghe xong thì gạt phắt đi, cô nói "cái đó con phải tự giải quyết" hoặc "mẹ không muốn nghe đâu".
Dần dần, cậu bé mỗi khi gặp chuyện thì chỉ thể hiện bằng cảm xúc khuôn mặt chứ không còn dám mở lời hay thổ lộ với Loan nữa.
Năm lớp 1, cậu bé đứng gần cuối lớp vì thành tích học hành bết bát. Cô giáo chủ nhiệm gặp Loan để trao đổi. Loan nghe xong thì im lặng ra về. Những tưởng cô sẽ có cách để vực dậy cho con, nhưng không. Loan càng quyết tâm "bỏ mặc" cậu bé với mong muốn con sẽ tự tìm cách thích nghi.
Loan không mắng, không trách, cũng chẳng nói quá nhiều về việc học, cô chỉ thuật lại những điều giáo viên đã trao đổi với mình cho cậu bé. Kết thúc câu chuyện, Loan bảo con "mẹ để con tự quyết định xem có nên tiếp tục đứng cuối lớp hay không đấy".
Với một cậu bé chỉ mới 6 tuổi, những lời nói của Loan không mang tính "giáo dục" mà là sự "bỏ rơi", khiến tâm hồn con trở nên hoang mang.
Những năm sau đó, thành tích học tập của cậu bé vẫn "xấu" như cũ, không có sự thay đổi. Giáo viên nhiều lần gặp Loan để tìm hiểu, tuy nhiên thay vì phối hợp, Loan luôn yêu câu cô cứ để con tự phấn đấu. Giáo viên nản tới mức về sau chỉ thông báo kết quả học tập mà thôi.
Khi con lên 10 tuổi, Loan bắt đầu nhận thấy cậu bé có sự "thay đổi". Cậu bé vốn ít nói, nhưng lúc này lại chuyển thành lầm lì. Loan gọi, cậu không trả lời, thậm chí còn không thèm "quay lại".
Thế rồi, những việc trước đây mà Loan quy định cậu bé sẽ phải làm như tự dọn phòng mình, tự gấp quần áo... thì bây giờ con không thực hiện. Khi Loan nhắc nhở, cậu bé "bỏ ngoài tai", tỏ thái độ không quan tâm.
Sự việc trở nên nghiêm trọng khi Loan nhận được cuộc gọi từ nhà trường, cô giáo thông báo con trai Loan vừa đánh một bạn cùng lớp chảy máu đầu. Loan có vẻ hơi sốc nên lập tức đến trường.
(Ảnh minh họa)
Con trai ngồi trong phòng giám hiệu, vẻ mặt chẳng có gì lo lắng, còn cậu bạn "nạn nhân" thì được băng bó kín mít phần trán.
Các cô kể lại, con trai Loan khá lập dị trong lớp, cậu không chơi, không giao tiếp với ai nên thường bị các bạn trêu đùa. Cũng có lần xảy ra xô xát, nhưng con Loan là nạn nhân. Do chỉ là "xô đẩy" nhau, không gây ra hậu quả gì nên cô giáo nhắc nhở bạn.
Lần này, cậu bạn kia đã lấy hộp bút của con trai Loan rồi vẽ lên áo cháu. Tức mình, con trai loan "nổi điên" đã lấy thước kẻ đánh vào đầu bạn, dẫn tới chảy máu.
Sau khi xin lỗi gia đình "nạn nhân", Loan quay ra hỏi con tại sao lại làm thế? Cậu bé nhìn mẹ như "người lạ" và không nói gì.
Suốt buổi hôm ấy tới cả những ngày sau đó, Loan có tìm mọi cách để nói chuyện thì cũng không thể "cậy răng" con. Cậu bé im lặng, thậm chí khi Loan hỏi quá nhiều, cậu bé còn ném đồ xuống đất để tỏ thái độ.
Bất đắc dĩ, Loan đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý. Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện, vị chuyên gia chỉ biết thở dài. Bà nói, cách Loan dạy con quả là một phương pháp "bi quan".
Dạy trẻ tự lập, mạnh mẽ không có nghĩa là cắt đứt mối "liên lạc" của con với bố mẹ, càng không phải để con thích làm gì thì làm. Khi đưa trẻ còn chưa thể hiểu hết ý nghĩa về cuộc sống, việc "thả" con tự đi không khác nào sự "cô lập". Điều này sẽ hình thành nên tâm lý sợ sệt. Lâu lần, từ sợ sệt sẽ chuyển thành bất cần và chống đối. Và con trai của Loan đang ở giai đoạn "căng thẳng nhất".
Loan suy sụp, lúc này cô đã nhận ra mình sai ở đâu. Chính bản thân Loan khi được mẹ dạy dỗ bằng cách "thả tự do" như thế, dù đã trưởng thành nhưng cô cảm nhận tình cảm với mẹ không thật sự nhiều. Có thể, điều ấy đang xảy ra với cô và cậu con trai.
Loan nhờ sự giúp đỡ của vị chuyên gia kia, vị chuyên gia chỉ khuyên "tình yêu thương sẽ là bài thuốc tốt nhất, em cần hàn gắn lại mối quan hệ đã sứt mẻ với con".
Học sinh Hải Phòng hào hứng với chương trình