Xac-uop-dot-quy-1238-1658656189.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9kSsh6c6njM8qoSOTP5Eow

Bức chạm khắc minh họa thần Anubis chăm lo cho một xác ướp. Ảnh: Jean Robert Thibault

Nhóm chuyên gia tại Đại học New Jersey (Mỹ), Đại học Alcalá (Tây Ban Nha) và Đại học American (Ai Cập) tìm thấy bằng chứng về đột quỵ trong xác ướp 2.700 năm của một phụ nữ Ai Cập, Ancient Origins hôm 23/7 đưa tin. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí World Neurosurgery.

"Người phụ nữ sống ở Ai Cập cổ đại đã bị đột quỵ. Điều này khiến bán cầu não của cô ấy bị tê liệt và phải sống với tình trạng đó nhiều năm", nhóm nghiên cứu cho biết.

Phát hiện mới rất đáng chú ý vì các nhà khoa học chưa từng tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào về tổn thương liên quan đến đột quỵ trong bất cứ bộ xương cổ đại nào khác. Trước đó, hài cốt lâu đời nhất của bệnh nhân đột quỵ là một thầy tu người Italy ở thế kỷ 18 tên là Don Giovanni Arcangeli.

Người phụ nữ Ai Cập khoảng 25 - 40 tuổi, sống trong Vương triều thứ 25. Xác ướp của người này được khai quật tại Dra Abu el-Naga, Ai Cập. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tiến hành chụp X-quang xác ướp để có thêm thông tin về cấu trúc và những đặc điểm khác của bộ xương.

"Đây là bằng chứng đầu tiên về đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người Ai Cập cổ đại. Người phụ nữ đã bị đột quỵ khi còn trẻ. Điều này khiến cô ấy trở nên tàn tật một phần, nhưng sự chăm sóc chu đáo của gia đình và bạn bè giúp cô ấy sống sót cho đến khi lớn tuổi", nhà Ai Cập học Salima Ikram tại Đại học American, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Bộ xương biến dạng đã giúp nhóm nghiên cứu phát hiện người phụ nữ từng bị đột quỵ. Phần vai co lại và đầu hướng xuống không tự nhiên. Cánh tay phải duỗi ra dọc theo cơ thể, nhưng cánh tay trái gập lại ở khuỷu, cẳng tay đặt trên ngực với bàn tay ở tư thế uốn khác thường. Hai chân thẳng và đặt sát nhau, nhưng bàn chân trái hơi vặn vẹo.

Trong quá trình ướp xác người phụ nữ, người xưa đã cố gắng chỉnh sửa tư thế biến dạng của đầu và ngực. Họ đặt hai thanh gỗ sau lưng người phụ nữ, giúp tư thế trở nên thẳng hơn so với khi còn sống. Một thanh gỗ khác trông giống nạng cũng được đặt bên cạnh hài cốt, có lẽ vì người này cần nạng để đi lại sau khi chịu những tổn thương liên quan đến đột quỵ.

Việc phát hiện thanh gỗ vô cùng quan trọng, có thể khiến các nhà khảo cổ và Ai Cập học đánh giá lại những cổ vật tương tự từng khai quật. Trước đây, họ cho rằng những thanh gỗ xuất hiện trong các ngôi mộ do niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra, có thể chúng được đặt ở đó vì mục đích y tế.

Thu Thảo (Theo Ancient Origins)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022