Thông tin được ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) cho biết khi công bố chương trình hợp tác với công ty Synopsys (Mỹ) sáng 26/8. Chương trình hợp tác nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành thiết kế vi mạch đến 2025.

Trong giai đoạn đầu, giảng viên, sinh viên ngành điện - điện tử, công nghệ thông tin của ba trường thuộc Đại học Quốc gia TP HCM gồm Bách khoa, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Thông tin sẽ tham gia chương trình đào tạo tại Trung tâm thiết kế chip mới đặt tại Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức).

Công ty Synopsys sẽ cung cấp phần mềm thiết kế, đội ngũ chuyên gia đào tạo, tài liệu giảng dạy. SHTP sẽ cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành trung tâm thiết kế chip. Đây cũng là nơi thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip từ nguồn nhân lực trong quá trình đào tạo, theo đặt hàng của doanh nghiệp.

vi-mach-2-7201-1661498734-1661-9760-9422-1661502268.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZEK-nd4HpaBadS73N0_2gA

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Khu công nghệ cao TP HCM phát biểu tại chương trình, sáng 26/8. Ảnh: Lực Vũ

Theo ông Thi, lĩnh vực thiết kế vi mạch tại TP HCM luôn có lợi thế lớn bởi nguồn nhân lực trẻ, năng động sáng tạo. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vi mạch.

Ở chương trình hợp tác, SHTP sẽ tập trung giai đoạn thiết kế vì khả năng mang lại giá trị gia tăng cao nhất, tận dụng được nguồn lực chất xám. "Đây là mục tiêu trong giai đoạn này nhằm có đội ngũ nhân lực vi mạch chất lượng cao, thiết kế những sản phẩm vi mạch trong xu hướng mới nhất của thế giới nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp", ông Thi nói.

Ông Robert Li, Phó chủ tịch kinh doanh Synopsys khu vực Đài Loan và Nam Á cam kết sẽ giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến cho Việt Nam giúp tăng cường năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. "Chúng tôi mong muốn là nơi ươm mầm tài năng trẻ, thúc đẩy sự phát triển ngành bán dẫn Việt Nam", ông Robert Li nói.

vi-mach-2458-1661498734-166150-2505-1627-1661502268.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DsaPbvXkZPpaMBh4ioQ4eg

Phòng nghiên cứu vi mạch tại Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Tấn Ba

Năm 2013, UBND TP HCM phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp vi mạch đến 2020 bao gồm 7 đề án thành phần gồm đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp, sản xuất, xây dựng chính sách cho ngành vi mạch...

Năm 2014, Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch, Đại học Quốc gia TP HCM (ICDREC) công bố chip thương mại đầu tiên ở Việt Nam mang tên SG8V1 ứng dụng trong điều khiển đèn giao thông, giám sát hành trình xe, điện kế điện tử...

Đến nay TP HCM đào tạo được khoảng 3.000 nhân lực vi mạch, con số được chuyên gia đánh giá khá khiêm tốn so với tiềm lực và nhu cầu của thành phố.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022