Sáng 25-8, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ trong năm học vừa qua, thành phố gặp muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng nhờ tình thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm kiên trì, nhẫn nại vượt qua khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) thành phố đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt chăm lo cho đội ngũ giáo viên
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận ngành GD-ĐT thành phố đã nỗ lực rất cao, bảo đảm an toàn phòng chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng đánh giá rất cao. Tại học kỳ I năm học vừa qua, trong khi TP đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, đây là thử thách mới chưa từng có nhưng ngành GD đã nhanh chóng chủ động thích ứng, triển khai hiệu quả các biện pháp vừa ứng phó dịch bệnh vừa tranh thủ các cơ hội có thể để triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch của ngành, giữ vững thành tích trong các kỳ thi. đạt nhiều kết quả cao, các huy chương quốc tế. "Kết quả rất đáng hoan nghênh nhưng trong bối cảnh khó khăn, kết quả đó càng đáng trân trọng, tôi đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng thành tích xuất sắc của các thầy cô giáo, học sinh đã đạt được trong năm qua..."- Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM cũng gửi lời cảm ơn Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, Bộ GD-ĐT, các tỉnh, thành phố, các cấp ngành TP, các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh đã thấu cảm, đồng hành với TP, giúp TP vượt qua khó khăn... Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, dù vậy, chúng ta vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đáp ứng với mong mỏi của người dân. Chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng điều kiện, có lúc, có nơi còn bỏ lỡ thời cơ có thể tận dụng để khắc phục khó khăn. Khó khăn lớn nhất của ngành GD-ĐT TP cũng là khó khăn của TP là áp lực dân số lớn, mật độ dân số cao trong khi quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nói chung và quy hoạch trường lớp nói riêng chưa theo kịp nhu cầu học tập ngày càng cao.
Khó khăn về hạ tầng kỹ thuật khiến ngành GD-ĐT lúng túng trong dạy học trực tuyến. "TP với vai trò là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên trong quy hoạch phát triển sự nghiệp GD-ĐT phải nghĩ tới sứ mệnh của mình đối với các địa phương khác"- Bí Thư Nguyễn Văn Nên nói.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP HCM, một nền giáo dục thực chất mới tạo ra xã hội phát triển thực chất, muốn xã hội phát triển toàn diện, bền vững cần nền giáo dục phát triển toàn diện, bền vững trên tất cả hệ thống. Bí thư Thành ủy yêu cầu ngành GD-ĐT TP phải đặc biệt chăm lo cho đội ngũ giáo viên, bảo đảm sự văn minh trong môi trường học tập. "Bằng mọi cách phải bảo đảm đời sống của giáo viên đã cống hiến hết mình cho ngành giáo dục của thành phố. Nếu để tình trạng giáo viên phải bươn chải cho đời sống thì các thầy cô giáo không thể yên tâm giảng dạy"- Bí thư Thành ủy lưu ý.
Bảo đảm an toàn cho học sinh học tập trực tiếp
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sổ GD-ĐT TP HCM, trong năm học 2021-2022, công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục luôn được tập trung nguồn lực thực hiện bằng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục và toàn hệ thống chính trị. Thành phố đã linh hoạt, chủ động, với tinh thần "an toàn đến đâu mở cửa đến đó", TP HCM đã triển khai và kiên trì thực hiện Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn để học sinh toàn thành phố trở lại học tập trực tiếp tại trường học đồng thời bảo đảm an toàn về phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các đề án được giao nhìn chung được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ được phê duyệt. Hội đồng Hiệu trưởng thành phố luôn được quan tâm, kịp thời kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh hoạt động của các hội đồng hiệu trưởng khối ngành, phát huy vai trò tích cực của các trường đại học trên địa bàn thành phố trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc các đề án...
Trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong năm học 2021-2022
Tuy nhiên, năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT TP có một số khó khăn, hạn chế do năm học diễn ra trong điều kiện kinh tế xã hội thành phố gặp nhiều khó khăn; có sự điều chỉnh trong một số quy định từ Bộ GD-ĐT; nhiệm vụ công tác giáo dục tăng thêm do việc triển khai chương trình, SGK đòi hỏi công tác bồi dưỡng, tập huấn triển khai đồng loạt; các chương trình, đề án được giao trong giai đoạn phát triển kế hoạch trung hạn 2021-2025 và nhất là do tình hình dịch bệnh kéo dài, phải thực hiện giãn cách xã hội; việc xây dựng phương án tổ chức dạy học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn trong lúc các quy định, hướng dẫn chưa thật sự đồng bộ đã có những sự lúng túng trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, công tác.
Áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ để đáp ứng 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát học sinh...
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, trong năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục sẽ chủ động, tích cực thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động - sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục"với các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập. Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, nhà ở. Tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố...