VNE-Triton-1-3961-1680260464.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3Qc0fx0gWEvFR7e4C_Tjcg

Tàu ngầm USS Triton trong một thử nghiệm trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ

Thuyền trưởng Evan P. Aurand, phụ tá hải quân của tổng thống Mỹ Eisenhower là người khởi xướng chuyến lặn vòng quanh thế giới đầu tiên có bí danh Operation Sandblast, theo Amusing Planet. Để thực hiện chuyến đi, Aurand đề xuất sử dụng USS Triton, tàu ngầm lớn, mạnh và đắt đỏ nhất được chế tạo ở thời điểm đi vào hoạt động. Con tàu dài 136 m và có lượng giãn nước gần 8.000 tấn. Hai lò phản ứng nước áp lực S4G của tàu cung cấp tổng công suất 34.000 KW, đủ để đẩy tàu ở tốc độ hơn 55,6 km/h dưới nước.

Các nhà chức trách Mỹ quyết định USS Triton sẽ đi theo cùng lộ trình như Ferdinand Magellan và Juan Sebastián Elcano trong chuyến đi vòng quanh Trái Đất đầu tiên từ năm 1519 đến năm 1522. Họ tính toán chuyến đi sẽ không kéo dài quá 80 ngày, nhưng để an toàn, con tàu trang bị đủ vật tư để dùng trong 120 ngày. Triton rời New London vào ngày 16/2/1960 dưới dạng cuộc chạy thử cuối cùng, giúp kiểm tra khả năng vận hành của tàu sau đợt đại tu lớn. Chỉ sau khi tàu rời cảng, thuyền trưởng Beach mới tiết lộ bản chất chuyến đi với thủy thủ đoàn.

Tàu USS Triton tới St. Peter và Paul Rocks ở vùng biển Đại Tây Dương thuộc xích đạo, chạy dọc vùng ven biển phía đông Nam Mỹ. Con tàu tiếp tục vòng qua Cape Horn, hướng về phía tây ngang qua Thái Bình Dương. Sau khi đi qua các quần đảo Philippine và Indonesia, chạy dọc Ấn Độ Dương, tàu vòng qua mũi Hảo Vọng, đến St. Peter và Paul Rocks vào ngày 25/4 cùng năm, sau 60 ngày và 21 giờ. Tàu USS Triton trở lại Groton, Connecticut, vào ngày 10/5 năm đó, hoàn thành chuyến lặn đầu tiên vòng quanh thế giới. Con tàu đã ở dưới nước tổng cộng 83 ngày 9 giờ và di chuyển 66.633 km.

VNE-Triton-2-3167-1680260464.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d7k9Oso1pGugNZT7uAwbgg

Hành trình vòng quanh thế giới của tàu USS Triton. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo đúng nhiệm vụ, tàu tránh nhô lên mặt nước, trừ dịp phải đưa một thủy thủ ốm sang tàu USS Macon ngoài khơi Montevideo, Uruguay, vào ngày 6/3. Để thông khí, tàu sử dụng ống thở khi ở độ sâu kính tiềm vọng và giữ nguyên vị trí nhờ kính lục phân tích hợp trên tàu. Nhằm loại bỏ rác mà không ngoi lên mặt nước, con tàu có một bộ phận vứt rác bắn túi chứa chất thải qua đáy tàu. Tất cả công tác sửa chữa đều tiến hành dưới nước.

Việc duy trì hoạt động cho thủy thủ đoàn trong thời gian dài là thách thức lớn nhất đối với thuyền trưởng. Họ sẽ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau vào các ngày trong tuần. Giữ vệ sinh trên tàu cũng là một thách thức. "Đó là 84 ngày tích cực làm việc để giữ tàu sạch sẽ. Thật kinh ngạc trước lượng chất bẩn mà chúng tôi tạo ra, vì vậy tôi ấn định một ngày dọn dẹp vào cuối tuần. Thủy thủ đoàn bắt đầu phản đối cho tới khi họ thấy số lượng rác chúng tôi tìm cách loại bỏ. Sau đó, họ không phản đối nữa", thuyền trưởng Beach chia sẻ.

Ngoài chạy vòng quanh Trái Đất, tàu USS Triton còn thu thập lượng lớn dữ liệu khoa học về đại dương. Thủy thủ đoàn lấy mẫu nước trong suốt hải trình, kiểm tra khác biệt về thành phần hóa học, độ mặn, mật độ và nhiệt độ. Họ cũng liên tục ghi chép biến động ở trường hấp dẫn của Trái Đất. Ngoài ra, con tàu còn thả hơn 100 bình thủy văn để theo dõi dòng hải lưu và lập bản đồ đáy biển, bao gồm rạn san hô cùng nhiều cấu trúc chìm dưới nước khác, sử dụng máy dò sâu và hệ thống sóng âm. Dữ liệu khoa học từ nhiệm vụ Operation Sandblast có ý nghĩa vô giá trong việc cung cấp thông tin về những thay đổi của đại dương.

An Khang (Theo Amusing Planet)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022