Ý kiến được TS Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motor - doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất xe điện nói tại chương trình lãnh đạo TP HCM gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sáng 28/3.

De-xuat-1-trieu-xe-dien-1759-1711607769.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AoXcH3hC3evMf0YrkTisug

TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên (phải) trải nghiệm xe điện cùng đối tác. Ảnh: Selex

Trong 5 năm khởi nghiệp, startup của ông Nguyên làm chủ công nghệ sản xuất xe máy điện với tỷ lệ nội địa hóa 80%. Với mục tiêu ứng dụng công nghệ Việt vào chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông, ông Nguyên kiến nghị thành phố chuyển khoảng 1 triệu xe máy xăng sang xe điện, cùng với xây dựng 1.000 trạm sạc trên địa bàn và có các cơ chế hỗ trợ việc này.

Đề xuất này theo ông Nguyên hướng đến nhóm doanh nghiệp vận tải bằng xe máy, lái xe ôm công nghệ. Bởi theo ông những người này có tần suất hoạt động gấp 5 lần so với người bình thường, với mức phát thải cao. Họ cũng là nhóm sẵn sàng chuyển đổi nhất nếu có những chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, CEO Selex Motor kiến nghị cơ chế tạo điều kiện cho các nhà sản xuất xe điện vay vốn. Hiện các doanh nghiệp này gặp khó vì các nhà băng chưa có mô hình tài chính cho xe điện, chưa xây dựng định giá mặt hàng này. Ông cho rằng, đây là điểm nghẽn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tài chính để mở rộng, tăng quy mô sản xuất xe.

Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc tài chính và vận hành Dat Bike chia sẻ, từng có ý kiến cho rằng hiệu năng xe điện kém hơn xe xăng, nên khó chuyển đổi. Tuy nhiên, thực tế không phải và điều này được minh chứng bằng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt cung cấp. Ngoài ra, người dùng trong ngành vận tải có tần suất chạy nhiều nên họ luôn đối mặt với nỗi sợ về quãng đường đi xe trong mỗi lần sạc. Điều này dẫn đến cần thiết có hạ tầng trạm sạc có độ bao phủ lớn.

Ông Trung kiến nghị cần có chính sách về thuế phí để thu hút người dân, doanh nghiệp chuyển sang xe điện. Thực tế chi phí mua xe máy hiện nay trung bình khoảng 30 - 40 triệu đồng, trong đó có khoảng 10% là các loại thuế phí. Nếu nhà nước có chính sách miễn giảm các loại thuế phí này hoặc cơ chế cho vay để người dân sắm xe điện sẽ kích cầu người dùng. Ông phân tích, người sử dụng xe điện so với xe xăng, thì khả năng tiết kiệm nhiên liệu hàng tháng của khách hàng (chệnh lệch chi phí sạc điện so với đổ xăng) tương đương với tiền lãi ngân hàng khi mua xe. Nếu khoản vay này được tài trợ hoàn toàn thì người dùng tiết kiệm được khoản tiền khi dùng xe điện.

gap-go-cong-dong-dmst-3100-171-9281-5860-1711609237.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=w5K5kGCdw29IaakACs3R9w

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ định hướng về tăng trưởng xanh của thành phố tại buổi gặp mặt. Ảnh: Hà An

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang khẩn trương hoàn thiện chiến lược và chính sách về tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến trình HĐND trong tháng 7. Các chính sách hướng đến tác động đến người sản xuất, người tiêu dùng trong các lĩnh vực như năng lượng xanh, giao thông xanh, điện mặt trời áp mái, tín chỉ carbon... Về việc chuyển 1 triệu xe máy điện hay chuyển đổi một số hành vi tiêu dùng theo hướng xanh, lãnh đạo TP HCM cho biết thành phố sẽ nghiên cứu và mong muốn các nhà khởi nghiệp tiếp tục góp ý để hoàn thiện.

Ông Mãi mong muốn cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục đồng hành chính quyền thành phố trong đóng góp xây dựng chính sách, kiến tạo môi trường xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc này nằm trong mục tiêu đưa TP HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền khoa học công nghệ tầm khu vực ASEAN và châu Á.

Hồi tháng 3 Viện nghiên cứu phát triển TP HCM đề xuất chính sách hỗ trợ người dân sử dụng xe điện tại huyện Cần Giờ với các hỗ trợ về tiền, lãi suất, giảm phí đăng ký, cấp biển số khi chuyển sang sử dụng xe điện.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022