robot-ba-chan-bo-ben-ngoai-tau-vu-tru-1671597932.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LrG4qcb8fwhpK0RWNa_yQw
Robot ba chân 'bò' bên ngoài tàu vũ trụ

Nguyên mẫu robot ba chân hoạt động ngoài không gian. Video: Istituto Italiano di Tecnologia

Chuyên gia Nikolaos Tsagarakis cùng các cộng sự tại trung tâm nghiên cứu Istituto Italiano di Tecnologia (IIT), Italy, phát triển nguyên mẫu robot ba chân MARM, New Atlas hôm 20/12 đưa tin. Robot nằm trong dự án MIRROR của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Dù có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, MARM chú trọng đến việc hoạt động bên ngoài tàu vũ trụ, lắp đặt và tháo dỡ các thiết bị. Robot bao gồm một phần đế giống xương chậu có thể xoay được và ba chi có khớp nối đóng vai trò làm cả tay và chân.

Cơ chế chốt cài dưới mỗi bàn chân sẽ khớp với các ô cách nhiệt hình lục giác phủ bên ngoài đa số tàu vũ trụ, giúp giữ robot cố định tại chỗ một cách chắc chắn. Cơ chế này cũng có thể dùng để thay thế các ô cách nhiệt khi cần, đồng thời sạc pin cho robot và gửi hoặc nhận dữ liệu qua các trạm ghép nối bên ngoài tàu.

Một ưu điểm khác trong thiết kế của robot mới là di chuyển bằng ba chân, nhờ đó luôn duy trì ít nhất hai điểm tiếp xúc và dễ dàng di chuyển theo bất kỳ hướng nào. Khi sử dụng một chi và xương chậu để thực hiện nhiệm vụ, hai chi còn lại đóng vai trò là mỏ neo, tạo thành nền móng để vận hành ổn định.

Tsagarakis cho biết, MARM sẽ vận hành bán tự động trong tương lai. Ví dụ, robot sử dụng các camera tích hợp để đặt chân chính xác lên mỗi ô trong lúc di chuyển, nhưng có thể cần người điều khiển hướng dẫn khi nó lắp đặt các thiết bị vào đúng vị trí ngoài tàu vũ trụ. Nhóm chuyên gia dự định thử nghiệm robot trong môi trường mô phỏng trên Trái Đất, sau đó đưa vào sử dụng thực tế trên tàu.

Thu Thảo (Theo New Atlas)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022