Mô phỏng tiểu hành tinh bay trong vũ trụ. Ảnh: NOIRLab
Đài quan sát Catalina Sky Survey ở Arizona lần đầu phát hiện tiểu hành tinh hôm 17/12 khi nó chỉ cách Trái Đất 21.000 km, gần hơn nhiều so với độ cao 35.786 km của vệ tinh viễn thông. Nếu tiểu hành tinh mang tên 2022 YO1 đâm thẳng vào Trái Đất, nhiều khả năng nó sẽ gây rất ít thiệt hại và bốc cháy gần như toàn bộ trong khí quyển. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra một quả cầu lửa. Để so sánh, thiên thạch phát nổ phía trên bầu trời nước Nga vào năm 2013 làm nổ tung hàng nghìn cửa sổ có đường kính ước tính khoảng 40 m, gấp khoảng 10 lần kích thước của 2022 YO1.
2022 YO1 xếp thứ 6 trong số những tiểu hành tinh bay gần Trái Đất nhất năm nay. Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà thiên văn ngày càng khảo sát tốt hơn nhằm phát hiện nhiều vật thể bay ở môi trường gần Trái Đất hơn. Mô hình đường bay ở vành trong hệ Mặt Trời của 2022 YO1 cho thấy nó sẽ bay qua Trái Đất lần nữa vào năm 2024.
Trong khi giới thiên văn học tiếp tục phân loại và theo dõi nhiều tiểu hành tinh và sao chổi hơn, có tương đối ít đài quan sát ở Nam bán cầu. NASA hy vọng có thể giải quyết vấn đề thông qua nhiệm vụ NEO Surveyor phóng sớm nhất vào tháng 6/2028.
NASA ước tính có khoảng 1,1 triệu tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời, phần lớn nằm ở vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tiểu hành tinh lao về phía quỹ đạo Trái Đất có thể bị bắn ra do va chạm trong vành đai hoặc chịu ảnh hưởng từ tương tác lực hấp dẫn với các thiên thể lớn hơn như sao Mộc. Nhiều tiểu hành tinh được xếp vào nhóm vật thể gần Trái Đất (NEO) do nằm ở khoảng cách gần với hành tinh. Một số NEO được phân loại là vật thể có khả năng gây nguy hiểm nếu ở trong phạm vi 7,4 triệu km quanh quỹ đạo Trái Đất và có đường kính lớn hơn 140 m.
An Khang (Theo Cnet)