Địa tầng đỏ mới được phát hiện ở Hoh Xil trên cao nguyên Thanh Tạng. Ảnh: Xinhua
Nằm ở trung tâm khu vực Hoh Xil của tỉnh Thanh Hải, "ngọn núi đỏ" khổng lồ được bao phủ bởi thảm cỏ xanh vào mùa hè, trải dài theo hướng đông-tây với sườn dốc không đối xứng và có mặt cắt địa tầng rõ ràng. Khoảng 160 km từ bắc xuống nam và gần 600 km từ đông sang tây của địa tầng là lộ thiên tự nhiên, Global Times hôm 19/7 đưa tin.
Theo Phó giáo sư Shen Tianyi tại Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, một thành viên trong đoàn thám hiểm, ngọn núi có thể đã hình thành từ cuối kỷ Paleogen hoặc kỷ Phấn Trắng, cách đây 30 - 70 triệu năm.
"Thật hiếm khi tìm thấy địa tầng đỏ có diện tích lớn như vậy ở Trung Quốc. Nó là một di tích địa chất cổ đại trên cao nguyên Thanh Tạng", Shen nhấn mạnh.
Ngọn núi có các thành tạo địa chất phong phú liên quan chặt chẽ đến quá trình nâng lên của cao nguyên Thanh Tạng, hỗ trợ quan trọng cho việc nghiên cứu chuyên sâu về sự tiến hóa của cao nguyên.
Địa tầng đỏ trước đây là những tảng đá màu đỏ gạch ở núi Tanggula. Sau quá trình phong hóa và xói mòn liên tục, những tảng đá này được vận chuyển bằng các con sông, lắng đọng trong lưu vực Hoh Xil và sau đó lộ ra khỏi mặt đất do ảnh hưởng của chuyển động kiến tạo địa chất.
Là một phần của cao nguyên Thanh Tạng, Hoh Xil ngày nay là khu vực không có người ở lớn nhất Trung Quốc. Với cảnh quan ngoạn mục, núi đỏ dự kiến sẽ được phát triển thành công viên địa chất lớn.
Đoàn Dương (Theo Global Times)