Rạng sáng nay 15/7, anh Nguyễn Viết Hiệp (ở xã Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) dậy sớm đi tập thể dục, nhìn thấy vệt sáng hình chiếc lá chầm chậm trên bầu trời tiến từ phía bắc vào phía nam. Hiện tượng diễn ra trong khoảng ít phút, sau đó biến mất.

"Ban đầu tôi tưởng đó là máy bay vì phía bắc có sân bay Chu Lai. Nhưng sau khi đăng trên mạng và tìm hiểu mới biết có thể do Trung Quốc phóng tàu vũ trụ", anh Hiệp nói.

Ông Huỳnh Văn Mười, 58 tuổi, trú phường Sơn Trà, Đà Nẵng ra bãi biển Mân Thái ven đường Hoàng Sa tập thể dục cũng nhìn thấy vệt sáng di chuyển từ phía bán đảo Sơn Trà, hướng phía trên tượng Phật chùa Linh Ứng.

"Ban đầu, mọi người nghĩ đó là vệt sáng bình minh nên không chú ý lắm", ông Mười kể. Tuy nhiên sau đó vệt sáng di chuyển, trông giống như hình cánh diều và lớn dần. Ông Mười cùng bạn bè lấy điện thoại ghi lại.

"Cánh diều" di chuyển về hướng đảo Cù Lao Chàm và loang dần ra bầu trời. Ông Mười cho biết ban đầu mọi người đều nghĩ đó là hiện tượng thiên nhiên, nhưng khi kéo dài gần 10 phút, ông nghĩ ánh sáng nhân tạo.

Cùng thời điểm, người dân ở nhiều tỉnh thành miền Trung, đặc biệt là các vùng biển ở Gia Lai, Đăk Lăk cũng nhìn thấy hiện tượng trên.

nhieu-nguoi-thay-vet-sang-do-trung-quoc-phong-tau-vu-tru-1752555650.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5MwN7XbFeIwZXP8aBfS7NQ
Nhiều người thấy vệt sáng do Trung Quốc phóng tàu vũ trụ

Vệt sáng trên bầu trời được người dân các tỉnh miền Trung ghi lại. Video người dân cung cấp

Trên fanpage của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, hiện tượng vệt sáng được nhìn thấy ở Việt Nam nhiều khả năng là do Trung Quốc đã phóng thành công tàu chở hàng vũ trụ Thiên Chu - 9 từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-7 Y10.

"Hiện tượng xảy ra khi tên lửa được phóng lên ở độ cao lớn, qua tầng bình lưu hoặc cao hơn. Khi đó, các luồng khí thải từ động cơ tên lửa (gồm hơi nước, khí đẩy và các chất hóa học) bị ánh sáng mặt trời chiếu từ phía dưới đường chân trời. Các hạt này sẽ phản xạ ánh sáng, tạo thành vệt sáng trắng hoặc màu sắc rực rỡ, kéo dài và lan tỏa giữa trời đêm", cơ quan khí tượng nhận định.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, tên lửa Trường Chinh 7 là một tên lửa đẩy siêu vượt âm (tốc độ lớn hơn 8.575km/h) sẽ tạo ra một "bức tường âm thanh" phía sau nó. Vệt khí màu trắng hình nón phía sau tên lửa siêu thanh được gọi là đám mây ngưng tụ (condensation cloud) hoặc vệt ngưng tụ (vapor cone).

Vệt sáng màu trắng thấy được bằng mắt thường là do bốn yếu tố gồm sóng xung kích, ngưng tụ hơi nước, điều kiện môi trường và hiệu ứng thị giác.

Khi tên lửa di chuyển với tốc độ siêu thanh, nó nén không khí phía trước tạo ra các sóng xung kích (shockwave). Những sóng này làm giảm áp suất và nhiệt độ của không khí ở một số khu vực phía sau tên lửa.

Trong điều kiện áp suất và nhiệt độ thấp do sóng xung kích gây ra, hơi nước trong không khí ngưng tụ thành các giọt nhỏ li ti, tạo thành một đám mây trắng. Đám mây này thường có hình nón vì sóng xung kích lan tỏa theo hình nón (gọi là nón Mach) từ điểm mũi của tên lửa.

Hiện tượng này dễ thấy hơn trong điều kiện không khí ẩm, khi có nhiều hơi nước để ngưng tụ. Nếu không khí quá khô, vệt khí có thể không xuất hiện hoặc khó thấy.

Vệt khí trắng không phải là khói hay nhiên liệu cháy, mà chỉ là hơi nước ngưng tụ, nên nó thường xuất hiện và biến mất nhanh chóng khi tên lửa di chuyển qua các vùng không khí có điều kiện khác nhau. Góc nhìn của người quan sát và thời điểm quan sát cũng cho thấy chất lượng hình ảnh khác nhau.

Tân Hoa Xã đưa tin, tên lửa Trường Chinh 7 mang theo tàu hàng vũ trụ Thiên Chu 9 đã phóng tại Trường phóng vũ trụ Văn Xương, Hải Nam, vào lúc 5h34 sáng 15/7 (4h34 phút, giờ Việt Nam).

Khoảng 10 phút sau, tàu Thiên Chu 9 đã tách khỏi tên lửa thành công, đi vào quỹ đạo dự kiến. Tiếp theo, tàu Thiên Chu 9 sẽ nối ghép với tổ hợp trạm vũ trụ đang vận hành trên quỹ đạo.

Theo thông tin từ Văn phòng Chương trình Vũ trụ có người lái Trung Quốc, tàu Thiên Chu 9 mang theo nhu yếu phẩm cho phi hành đoàn trong quá trình làm việc trên quỹ đạo, chất đẩy, thiết bị thí nghiệm ứng dụng, cùng nhiều vật tư khác.

Nhiệm vụ lần này là chuyến cung cấp hậu cần bằng tàu hàng thứ 4 kể từ khi chương trình vũ trụ có người lái Trung Quốc bước vào giai đoạn ứng dụng và phát triển trạm vũ trụ. Đây cũng là lần phóng thứ 36 kể từ khi chương trình được phê duyệt thực hiện, đồng thời là chuyến bay thứ 584 của loạt tên lửa Trường Chinh.

Phạm Linh - Nguyễn Đông - Bùi Toàn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022