lon-nhat-1738988311-3774-1738988594.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q_1phpMFWyghi6TVFMcPIw

5 siêu cấu trúc mới được phát hiện gồm Quipu (đỏ), Shapley (xanh lam), Serpens-Corona Borealis (xanh lục), Hercules (tím) và Sculptor-Pegasus (cam). Ảnh: Boehringer/arXiv

Cấu trúc Quipu là một tập hợp các cụm thiên hà và nhóm cụm thiên hà, được đặt tên theo hệ thống đếm và lưu trữ số của người Inca sử dụng những nút thắt trên dây. Phát hiện được công bố trên cơ sở dữ liệu ArXiv, Live Science hôm 7/2 đưa tin. Hans Bohringer, chuyên gia từ Viện Max Planck, là tác giả chính của nghiên cứu.

Giống như dây Quipu, cấu trúc này rất phức tạp, gồm một sợi chính dài và nhiều sợi phụ. Cấu trúc trải dài khoảng 1,3 tỷ năm ánh sáng (hơn 13.000 lần chiều dài của Dải Ngân Hà), nhiều khả năng trở thành cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ xét theo chiều dài, vượt qua các kỷ lục trước đó. "Quipu thực sự là một cấu trúc nổi bật dễ nhận thấy bằng mắt thường trên bản đồ bầu trời gồm các cụm thiên hà trong phạm vi dịch chuyển đỏ mục tiêu, mà không cần sự trợ giúp của phương pháp dò tìm nào", nhóm nghiên cứu viết.

Nghiên cứu mới là một phần trong nỗ lực lâu dài nhằm lập bản đồ phân bố vật chất của vũ trụ ở nhiều bước sóng ánh sáng khác nhau. Các cấu trúc xa xôi trong vũ trụ có sự dịch chuyển trong bước sóng về phía phần đỏ của quang phổ điện từ. Hiện tượng này được gọi là dịch chuyển đỏ. Những cấu trúc có dịch chuyển đỏ tối đa 0,3 đã được lập bản đồ tương đối chi tiết, và nhóm nghiên cứu tập trung vào mức dịch chuyển đỏ 0,3 - 0,6. Dịch chuyển đỏ càng lớn, cấu trúc càng ở xa.

Các cấu trúc trong nghiên cứu mới đều nằm ở khoảng cách 425 triệu - 815 triệu năm ánh sáng so với Trái Đất. Quipu là siêu cấu trúc lớn nhất, nhưng nhóm chuyên gia cũng tìm thấy 4 cấu trúc khổng lồ khác. Cấu trúc nhỏ nhất, siêu cụm thiên hà Shapley, trước đây từng là siêu cấu trúc lớn nhất được phát hiện. Hiện tại, ngoài Quipu, 3 cấu trúc khác đã vượt qua nó gồm siêu cấu trúc Serpens-Corona Borealis, siêu cụm thiên hà Hercules, và siêu cấu trúc Sculptor-Pegasus.

5 siêu cấu trúc này chứa tổng cộng 45% cụm thiên hà, 30% thiên hà và 25% vật chất trong vũ trụ quan sát được. Tổng cộng, chúng chiếm 13% thể tích của vũ trụ.

Nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét cách những cấu trúc khổng lồ tác động đến sự tiến hóa của thiên hà. Dù những cấu trúc này chỉ mang tính tạm thời - vũ trụ luôn mở rộng, từ từ kéo các cụm tách ra - kích thước khổng lồ khiến chúng trở nên quan trọng.

"Trong sự tiến hóa vũ trụ tương lai, các siêu cấu trúc này chắc chắn sẽ phân tách thành nhiều đơn vị sụp đổ. Chúng là những cấu trúc tạm thời. Nhưng hiện tại, chúng là những thực thể vật lý đặc biệt với các thuộc tính đặc trưng và môi trường vũ trụ đặc biệt đáng được chú ý", nhóm nghiên cứu viết.

Thu Thảo (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022