VNE-Starship-1736159471-5162-1736159513.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=idvgtzCpMBo9ZfKB2hQP4A

Tên lửa Starship nằm trên tháp phóng. Ảnh: SpaceX

Hôm 13/10/2024, Starship, hệ thống phóng lớn và mạnh nhất thế giới, bay vào không gian từ bệ phóng ở Texas. Tên lửa đẩy của Starship có tên Super Heavy đạt độ cao hơn 65 km, do công ty SpaceX chế tạo. Nó có thể tái kích hoạt động cơ và bay chậm dần cho tới khi lơ lửng phía trên tháp phóng 7 phút sau khi cất cánh. Cặp đũa gắp bắt lấy tên lửa đẩy và giữ chặt nó, sẵn sàng để tân trang và phóng lại. Tạp chí Science đánh giá thành tựu này mở ra kỷ nguyên mới của tên lửa đẩy hạng nặng giá rẻ có thể giảm chi phí thám hiểm không gian.

Công ty của Musk đã giảm chi phí đưa hàng hóa lên quỹ đạo quanh Trái Đất xuống 1/10. Khi Starship, hệ thống được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn và nhanh chóng, đi vào hoạt động cuối năm, mức chi phí sẽ còn giảm mạnh hơn nữa. Nhiều kỹ sư vũ trụ tin rằng Starship sẽ tạo ra bước nhảy vọt quan trọng với lịch trình phóng 2 - 3 tuần/lần. Đội kỹ sư của SpaceX tìm ra cách thu hồi và tái sử dụng tên lửa đẩy và sẽ làm tương tự với tầng trên trong năm 2025.

SpaceX lên kế hoạch cho tổng cộng 25 chuyến bay trong năm nay, một chương trình đầy tham vọng, theo nhà vật lý thiên văn Ehud Behar, giáo sư ở Technion, Viện Công nghệ Israel. Đối với các nhà khoa học, lợi ích của Starship rất rõ ràng. Chi phí những nhiệm vụ tiến hành bằng phương tiện tái sử dụng có thể giảm nhiều so với mức hiện nay, cho phép thực hiện nghiên cứu mới trong không gian.

Trong quá khứ, một chuyến bay vào vũ trụ quá tốn kém để mạo hiểm thất bại, vì vậy bộ phận trong các nhiệm vụ của NASA được kiểm tra nhiều lần, khiến chi phí tăng vọt. Nhưng với hoạt động bay định kỳ của Starship, nhà khoa học có thể tranh thủ nhiều cơ hội hơn, chế tạo thiết bị với linh kiện rẻ có sẵn và phóng thường xuyên. Cả đoàn robot tự hành có thể được vận chuyển tới sao Hỏa thay vì chỉ một phương tiện. Những tấm gương cũng có thể phóng hàng loạt để tạo ra kính viễn vọng tự lắp ráp khổng lồ trong không gian.

Nhiều khả năng Starship có thể đánh bại tên lửa của chính NASA là SLS - Hệ thống phóng không gian đắt đỏ với nhiều vấn đề được lên kế hoạch chế tạo từ nhiều thập kỷ trước. Mỗi lần phóng SLS dự kiến tiêu tốn hàng tỷ USD so với mức phí 10 triệu USD mà Musk đặt ra cho hệ thống của ông. Nhiều nhà khoa học dự đoán Starship sẽ khiến SLS trở nên thừa thãi trong vài năm tới.

Tháng 9 năm ngoái, Musk tuyên bố SpaceX sẽ phóng nhiệm vụ Starship không người lái đầu tiên tới sao Hỏa trong vòng hai năm. Nếu thành công, tiếp theo sẽ là những chuyến bay có người lái trong vòng 4 năm. Cuối cùng, Musk dự kiến một thuộc địa bao gồm một triệu người có thể sống trên sao Hỏa trong vòng 30 năm tới. Kế hoạch gây tranh cãi của tỷ phú Mỹ thu hút nhiều sự chú ý. Chở người trong hành trình 225 triệu km tới hành tinh đỏ, vượt qua bức xạ vũ trụ nguy hiểm, tìm ra cách trồng thức ăn trong thế giới khô cằn có khí quyển với áp suất trung bình chưa bằng 1% Trái Đất ở mực nước biển, là thách thức lớn chưa từng có.

An Khang (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022