Ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi. Dự án Luật này do Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Theo dự luật, chứng nhận hợp quy là việc đánh giá và xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật có trách nhiệm công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói đây là một trong số nội dung còn có ý kiến khác nhau. Các đại biểu chưa thống nhất việc bổ sung hay không quy định chứng nhận sự phù hợp đối với tiêu chuẩn cơ sở. Ông cho biết Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội kính đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định công bố hợp quy chuẩn trong dự thảo sửa đổi Luật. "Theo quan điểm của họ là cản trở rất lớn đến sự phát triển của ngành chăn nuôi", ông Hải nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, đại diện cơ quan thẩm tra, cho rằng việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo trình tự thủ tục riêng biệt, tuân thủ đúng quy định của Hiệp định TBT, các cam kết quốc tế và được quy định cụ thể tại dự thảo Luật này. Việc này bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật có tính chuyên môn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, môi trường thì quá trình xây dựng, thẩm định phải tiến hành nhiều hoạt động như khảo sát, thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động...

Giải trình thêm về nội dung này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nói nếu không có chứng nhận hợp quy đối với hàng hóa thì giống như tham gia giao thông trên đường mà "luật lệ không minh bạch". Ông đồng tình Nhà nước cần linh động cơ chế để doanh nghiệp được hoạt động thuận lợi nhất, song không thể "muốn làm gì cũng được, muốn đưa ra chất lượng thế nào cũng được".

202501071003397345-20250107-ub-9736-6965-1736237920.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MDyjDBC5oZzAReu9TfMCNw

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định. Ảnh: Media Quốc hội

Ông cho rằng bỏ quy định về hợp quy trong dự thảo sẽ gây ra tình trạng các doanh nghiệp sẽ không đảm bảo chất lượng, không được chứng nhận, không được giám sát. Bên cạnh đó, việc này ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu không được kiểm soát được chất lượng.

Với độ mở nền kinh tế rất lớn, hàng hóa Việt Nam sẽ tiến đến nhiều thị trường khó tính. "Nếu như không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, hàng hóa không thể đáp ứng, trong khi các nước yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy thậm chí còn khắt khe hơn chúng ta", Thứ trưởng Định nói.

Ông Định dẫn chứng nhiều loại hàng hóa của Việt Nam không chỉ cần chứng nhận hợp quy để nhập khẩu. Đối tác còn sang Việt Nam để kiểm soát quy trình sản xuất, để đảm bảo chất lượng một cách thường xuyên, liên tục và bền vững.

Vì vậy, bỏ hợp quy làm mất kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm, không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng hoặc là tổn hại môi trường. Việc này làm tăng nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi, cản trở cho xuất khẩu và rủi ro cho uy tín quốc gia.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào kỳ họp giữa năm nay.

Sơn Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022