Từ những ngọn núi cao nhất tới đại dương sâu thẳm, sức ảnh hưởng của con người đã vươn tới mọi ngóc ngách trên Trái Đất. Nhiều động thực vật đang tiến hóa để phản ứng lại, thích nghi với thế giới do con người thống trị, theo Guardian.

Cây xà cừ Tây Ấn nhỏ dần

VNE-Evo-1-1736245490-7435-1736245820.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i3twWD_3uRuH3lK8523SrQ

Cây xà cừ Tây Ấn ngày nay mọc dưới dạng cây bụi nhỏ hơn. Ảnh: Alamy

Nổi tiếng với độ bền, khả năng kháng mục nát và thớ gỗ màu hồng đậm, cây xà cừ Tây Ấn trở thành biểu tượng của sự xa xỉ. Những cây lớn nhất, trụ cột quan trọng của hệ sinh thái rừng mưa, bị đốn trụi để lấy gỗ, khiến số lượng cây giảm hơn 70% ở một số nước từ năm 1970. Trong khi các cây cổ thụ gần như biến mất, cây xà cừ Tây Ấn vẫn phân bố rộng ở nhiều khu vực, theo tiến sĩ Malin Rivers, chuyên gia bảo tồn ở tổ chức Botanic Gardens Conservation International. Nhưng hiện nay, chúng phát triển dưới hình thái khác. "Bị xem như tuyệt chủng thương mại ở nhiều nơi phân bố tại Caribe, loài cây này vẫn tồn tại và thậm chí dồi dào tại một số khu vực. Nhưng cây non không còn cao lớn sừng sững và sẽ không bao giờ mọc tới chiều cao trong quá khứ. Cây xà cừ Tây Ấn từng mọc cao tới 20 m hoặc hơn, nhưng các cây ngày nay tồn tại như cây bụi nhỏ hơn với ít giá trị thương mại. Khi những cây lớn nhất bị cắt, chúng không thể sinh sản và chia sẻ vốn gene phong phú giúp thúc đẩy chiều cao.

Tổ chim ác là xây từ gai chống chim

VNE-Evo-2-1736245565-5613-1736245820.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yS9C95W4ZXDPf0ENoCNXDA

Chim ác là học được cách xây tổ từ gai chống chim. Ảnh: Auke-Florian Hiemstra

Những chiếc tổ chim xây từ gai chống chim thiết kế đơn sơ không phải cảnh tượng hiếm hoi ở khu vực đô thị. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện chim ác là, loài thường bao phủ chiếc tổ hình vòm bằng cành cây bụi có gai để ngăn động vật săn mồi trộm trứng như quạ, bắt đầu bứt gai chống chim để dùng cho tổ của chúng. Nghiên cứu sinh tiến sĩ Auke-Florian Hiemstra nhận thấy việc sử dụng gai chống chim nằm trong xu hướng chim chóc dùng vật liệu nhân tạo xây tổ ngày càng tăng.

Ốc sên có vỏ nhạt màu để chống chọi nắng nóng ở thành phố

VNE-Evo-3-1736245633-7826-1736245820.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EhLCXizb8sYPcBwmyIpYRw

Ốc sên ở các thành phố Hà Lan có vỏ nhạt màu. Ảnh: Biosphoto/Alamy

Sử dụng ảnh chụp ốc sên thu thập bởi hàng nghìn cư dân ở Hà Lan, các nhà nghiên cứu phát hiện ốc sên sống ở trung tâm thành phố tiến hóa lớp vỏ nhạt màu. Họ cho rằng thay đổi này là kết quả của nhiệt độ ấm lên ở nhiều thành phố, có thể cao hơn 8 độ C so với môi trường nông thôn. Giáo sư Menno Schilthuizen, nhà sinh vật học tiến hóa người Hà Lan, giải thích ốc sên bên trong lớp vỏ sẫm màu thường nóng lên nhiều hơn, có nguy cơ chết vì quá nhiệt. Có thể màu vỏ nhạt giúp ốc sên mát mẻ vào những ngày mùa hè nóng nhất trong thành phố.

Chim én có cánh ngắn hơn để tránh xe cộ

VNE-Evo-4-1736245692-4911-1736245820.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kbIGjySMuqAdZ1ZSBdF4Ig

Chim én ở Bắc Mỹ tiến hóa đôi cánh ngắn để tránh đâm vào xe cộ. Ảnh: blickwinkel/Alamy

Chim én vách đá ở bang Nebraska thường làm tổ bên dưới các cây cầu, thường xuyên bị xe chạy qua đâm trúng. Nhưng nghiên cứu dài hạn công bố năm 2013 phát hiện loài chim này thích nghi với nguy cơ bị xe đâm bằng cách phát triển đôi cánh ngắn hơn. Cánh ngắn giúp chúng nhanh nhẹn hơn, tránh xe cộ lao nhanh tới trong khi chim có cánh dài nhiều khả năng tử vong hơn, theo Mary Bomberger Brown, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Nebraska - Lincoln.

Voi mất ngà để đối phó thợ săn trộm

VNE-Evo-5-1736245773-7224-1736245820.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XtNfzX5a0t03nAm28zlBnQ

Tỷ lệ voi châu Phi không có ngà khi chào đời ngày càng tăng. Ảnh: John Warburton-Lee Photography/Alamy

Trong suốt nội chiến ở Mozambique, nạn săn trộm hoành hành khiến số lượng voi đồng cỏ châu Phi giảm hơn 90% trong vườn quốc gia Gorongosa. Số lượng đang phục hồi hiện nay là một trong những ví dụ quan trọng nhất về bảo tồn trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều con voi cái không có ngà, hệ quả do voi không ngà ít bị thợ săn trộm nhắm tới hơn. Thay đổi tương tự cũng được ghi nhận ở Tanzania. Theo Tanya Smith, cố vấn cấp cao ở WWF Anh, một cách thích nghi nhằm đáp lại áp lực từ nạn săn trộm trong những thập kỷ trước đó là tỷ lệ voi châu Phi chào đời với cặp ngà ngắn hơn hoặc không có ngà đang gia tăng.

An Khang (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022