VNE-River-1733913594-3624-1733913632.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KSBURATFJZXVmVqT7UhPpg

Người dân địa phương thường đi thuyền khi cần di chuyển trên sông Amazon. Ảnh: Photo Spirit

Sông Amazon chảy ngoằn ngoèo qua ít nhất 6.400 km, nhưng không có cây cầu chính thức nào bắc qua sông. Một trong những lý do chính là không có nhiều nhu cầu sử dụng cầu trên sông Amazon. Những khu rừng mưa có dân cư thưa thớt, tương đối ít cơ sở hạ tầng và đường sá, khiến các cây cầu trở nên không cần thiết, trái ngược với sông Thames ở London, theo IFL Science.

"Không có đủ nhu cầu cấp thiết đối với cầu bắc ngang sông Amazon", Walter Kaufmann, chủ tịch kỹ thuật công trình (cấu trúc bê tông và thiết kế cầu) ở Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich, cho biết. "Tất nhiên, có nhiều khó khăn về kỹ thuật và vận chuyển".

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong rừng mưa rậm rạp rất thách thức. Đó cũng là lý do có rất ít khi dân cư quy mô lớn ở vùng Amazon. Không chỉ nền đất mềm và khó dự đoán, công trình nhân tạo cũng dễ dàng bị "nuốt chửng" bởi thực vật sinh sôi mạnh mẽ ở rừng mưa và điều kiện khắc nghiệt như mưa lớn. Trừ khi lên kế hoạch hoàn hảo, bất kỳ nỗ lực xây cầu nào sẽ kết thúc với nền móng đổ vỡ.

Vùng Amazon rải rác tàn tích của những khu dân cư bị tự nhiên xâm chiếm sau hàng thế kỷ. Công nghệ chụp ảnh mới hé lộ nhiều khả năng có hơn 10.000 di chỉ khảo cổ thời tiền Columbia ẩn trong lưu vực Amazon. Không giống tàn tích từ các nền văn hóa cổ đại ở vùng ôn đới trên thế giới, công trình ở Amazon bị thực vật phát triển che phủ và chôn vùi.

Một ví dụ điển hình là đường cao tốc BR-319 dài 870 km chạy qua vùng nguyên sơ của rừng mưa Amazon từ Manaus tới Porto Velho. Đường cao tốc này được xây vào đầu thập niên 1970 nhưng cuối cùng bỏ hoang vào năm 1988 do không đủ chi phí bảo trì và đòi hỏi sửa chữa thường xuyên do xuống cấp nhanh chóng.

Amazon là khu vực có đa dạng sinh học cũng như nền văn hóa cực kỳ phong phú và độc đáo. Khu vực này đang chịu áp lực khổng lồ từ hoạt động chặt phá rừng và khai thác mỏ. Hoạt động xây dựng đường sá và cầu có thể khiến nó bị khai thác nặng nề hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy 95% hoạt động chặt phá rừng diễn ra trong phạm vi 5,5 km quanh một con đường do cung cấp lối đi cho thợ xẻ gỗ, phương tiện và máy móc. Những con đường được mở ra để khai thác gỗ với nhiều nhánh lan rộng từ trục đường chính, theo Carlos Souza Jr., nhà nghiên cứu ở chương trình Imazon.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022