Con dế cái sống trong ống dung nham sau vụ phun trào. Video: National Geographic
Trong chương trình "America’s National Park" phát sóng cuối tháng 8, đoàn làm phim của National Geographic ghi hình một loài dế sống trên đỉnh hai trong số những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới là Kīlauea và Mauna Loa đều nằm trên Đảo Lớn của Hawaii, theo Newsweek. Dế dung nham không cánh (Caconemobius fori) còn gọi là 'ūhini nēnē pele trong tiếng Hawaii, là dạng sống đa bào đầu tiên làm tổ trong ống dung nham cứng sau vụ phun trào gần đây trên đảo, các nhà khoa học cho biết.
Trong clip từ chương trình, một con dế cái bò trên ống dung nham cứng. "Tự nhiên cần phải thích nghi để sống ở vùng đất lửa này. Sau vụ phun trào, đây là sinh vật đầu tiên cư trú ở môi trường khắc nghiệt như vậy", người dẫn chương trình Garth Brooks cho biết.
Các nhà khoa học phát hiện con dế lớn cỡ móng tay duy trì sự sống bằng cách ăn những mẩu thực vật phân hủy và bọt biển do gió thổi tới. Ngoài ra, họ không biết gì về chúng. Nhiều mặt đời sống và hành vi của chúng vẫn là "bí ẩn khoa học", Anwar Mamon, nhà sản xuất chương trình America's National Parks chia sẻ.
"Không ai biết bất kỳ điều gì về vòng đời của chúng. Đó là lý do dế dung nham rất đặc biệt. Chúng sống sót ở một trong những môi trường cằn cỗi nhất trên Trái Đất, nơi nồng độ oxy suy giảm, nhiệt độ cực cao và dung nham phun trào gần đó", Mamon nói.
Những con dế xuất hiện ở ống dung nham cứng lại sau vụ phun trào cách đây 3 tháng. Nhưng vào thời điểm cây cỏ bắt đầu mọc, chúng biến mất một cách khó hiểu. "Chúng giống như không thuộc về hành tinh này. Có nhiều bí ẩn đang chờ khám phá và phát hiện", Newsweek dẫn lời Mamon.
An Khang (Theo Newsweek)