Vị trí kênh đào của các pharaoh. Ảnh: World Maps Online
Kênh đào Suez có thể là một kỳ quan kỹ thuật hiện đại, nhưng những tuyến đường thủy cho phép tàu thuyền đi lại đã được đào từ thời cổ đại, thậm chí xuyên qua sa mạc ở Bắc Phi. Kênh đào Suez là công trình gần đây nhất trong số nhiều tuyến đường thủy nhân tạo chạy qua Ai Cập. Đào dưới sự chỉ đạo của những pharaoh Ai Cập ở nhiều thời kỳ khác nhau, chúng nối liền Biển Đỏ với sông Nile, thay vì Địa Trung Hải như phiên bản hiện đại, theo Amusing Planet.
Theo Aristotle, nỗ lực đầu tiên để xây kênh đào nối giữa Biển Đỏ và sông Nile đến từ pharaoh Ai Cập huyền thoại Sesostris. Aristotle cũng ghi chép việc xây dựng kênh đào bị ngưng lại khi pharaoh phát hiện mực nước biển cao hơn đất liền. Ông lo sợ khơi thông sông Nile với Biển Đỏ sẽ khiến nước biển mặn chảy ngược vào dòng sông, phá hủy nguồn nước quan trọng nhất Ai Cập.
Theo các sử gia Hy Lạp Strabo và Diodorus Siculus, sau Sesostris, công việc xây kênh đào tiếp diễn nhờ Necho II vào cuối thế kỷ 6 trước Công nguyên, nhưng ông không sống đến ngày kênh đào hoàn thành. Sau đó, Darius Đại đế nối tiếp Necho II. Tuy nhiên, giống như Sesostris, ông cho ngừng xây gần Biển Đỏ sau khi nghe tin Biển Đỏ nằm cao hơn và sẽ làm ngập đất đai nếu mở kênh đào. Cuối cùng, Ptolemy II là người hoàn thành kênh đào nối giữa sông Nile và Biển Đỏ. Theo Strabo, kênh đào rộng gần 50 m và đủ sâu để tàu lớn nổi được. Công trình bắt đầu ở làng Phacusa, chạy ngang qua hồ Bitter, đổ ra vịnh Ba Tư gần thành phố Cleopatris.
Tuy nhiên, theo sử gia Herodotus, kênh đào được hoàn thành bởi Darius và đủ rộng để hai tàu chiến ba tầng chèo chạy ngược chiều. Trước thời Darius, một tuyến đường thủy tự nhiên có thể tồn tại giữa hồ Bitter và Biển Đỏ nhưng bị chặn bởi bùn lầy. Darius huy động đội quân nô lệ khổng lồ dọn bùn lầy để tuyến đường thủy hoạt động trở lại. Ông hài lòng với kết quả đến mức khắc chữ mô tả thành tựu lên đá ganite hồng.
Cuối thế kỷ 19, giới nghiên cứu phát hiện một tấm bia mang tên "Khối đá Pithom", cung cấp bằng chứng Ptolemy đã xây dựng âu tàu với cửa cống ở vịnh Heroopolite của Biển Đỏ, giúp tàu thuyền đi qua đồng thời ngăn nước mặn từ Biển Đỏ hòa lẫn với nước ngọt ở kênh đào.
Kênh đào tồn tại tới thế kỷ 8 cho tới khi bị chặn bởi vua al-Mansur của đế chế Abbasid năm 767 để ngăn kẻ thù và quân nổi loạn sử dụng kênh đào nhằm vận chuyển binh lính và nhu yếu phẩm từ Ai Cập tới Arab. Do không được bảo trì, kênh đào thu hẹp dần và biến mất giữa sa mạc.
Kênh đào được tái phát hiện bởi Napoleon vào năm 1798 trong một chiến dịch của Pháp ở Ai Cập và Syria. Napoleon có động lực tìm kiếm kênh đào bởi nếu có thể xây dựng lại, nó sẽ cho phép Pháp độc quyền thông thương với Ấn Độ. Với thiết kế này, Napoleon chỉ đạo kỹ sư dân sự Jacques-Marie Le Pére khảo sát địa hình của eo đất Suez trong lúc tìm kiếm vết tích của kênh đào cổ đại.
Le Pére và đồng nghiệp cuối cùng truy ngược lộ trình "Kênh đào của các pharaoh" từ Biển Đỏ tới sông Nile. Sau đó, khi Napoleon trở thành hoàng đế, ông yêu cầu kỹ sư trưởng tìm cách mở lại kênh đào, nhưng giống như các pharaoh cách đây 2000 năm, ông báo với Napoleon Biển Đỏ cao hơn so với Địa Trung Hải, và cần xây âu tàu để ngăn thảm họa nước biển chảy ngược. Mãi tới 50 năm sau, vào năm 1859, quá trình xây dựng kênh đào Suez mới bắt đầu.
An Khang (Theo Amusing Planet)