robot-sua-duong-dau-tien-tren-the-gioi-1705148927.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZwccyfzP4ga97DOM4UUCfA
Robot sửa đường đầu tiên trên thế giới

Hoạt động của robot sửa đường ARRES PREVENT. Ảnh: Robotiz3d

Robot sửa đường đầu tiên trên thế giới sẽ có mặt trên đường phố ở hạt Hertfordshire, Anh, trong vòng vài tháng nữa để kiểm tra công nghệ sửa chữa tự động, Mail hôm 11/1 đưa tin. Robot mang tên ARRES PREVENT (Autonomous Road Repair System) sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động phát hiện, phân loại và lấp những vết nứt. Nếu thử nghiệm thành công, robot có thể chủ động phát hiện và vá vết nứt trước khi chúng trở nên quá lớn để xử lý nhanh chóng. Điều này có thể giúp công việc bảo trì đường trở nên rẻ, hiệu quả và nhanh hơn so với sử dụng sức người.

ARRES PREVENT là sản phẩm hợp tác giữa công ty Robotiz3d và các chuyên gia ở Đại học Liverpool cùng Hội đồng kỹ sư đường cao tốc hạt Hertfordshire. Bản thân Robotiz3d là công ty công nghệ của Đại học Liverpool với nguồn vốn từ Quỹ đầu tư doanh nghiệp của trường.

Bắt đầu phát triển vào năm 2020, hiện nay robot này là phương tiện sửa đường tự động duy nhất trên thế giới. Dù mới ở giai đoạn thử nghiệm sơ bộ, nó sẽ hoạt động trên đường thật cuối năm nay. Robot sẽ được thả để tự tìm kiếm và sửa chữa hư hại trên đường phố ở Hertfordshire.

Một phát ngôn viên của Hội đồng hạt Hertfordshire cho biết robot sẽ hỗ trợ đội nhân công hiện nay của họ. "Ý định của của chúng tôi là sử dụng robot AI cùng với con người chứ không phải thay thế họ. Nó sẽ tự động tìm kiếm và vá vết nứt trên đường trong khi đội kỹ thuật viên làm việc khác, giúp ngăn chặn ổ gà to hơn trong tương lai đồng thời giảm gián đoạn giao thông công cộng", phát ngôn viên chia sẻ.

Robot hoạt động bằng cách tuần tra những con đường và quét bề mặt bằng camera. Sử dụng AI, robot có thể phát hiện chỗ lõm trên mặt đường và phân loại đó là ổ gà hay vết nứt. Sau khi xác định hư hỏng bề mặt, nó sẽ quyết định sửa chữa ngay lập tức hay thêm vào danh mục kiểm tra sau. Nếu quyết định tiến hành sửa chữa, nó sẽ phun vật liệu làm đầy vào vết nứt để ngăn nước gây hư hỏng nặng hơn. Dù robot không thể lấp đầy ổ gà lớn, Robotiz3d cho biết mục tiêu của họ là ngăn những ổ gà này hình thành ngay từ đầu.

Ổ gà hình thành từ các vết nứt nhỏ trên mặt đường do xây đã lâu, thời tiết xấu hoặc dạng xói mòn khác. Khi vết nứt xuất hiện, nước ngấm vào bên trong và khiến nó to ra. Vào mùa đông, nước đông cứng thành băng và giãn nở, làm vết nứt mở rộng thêm. Nhiều khối nhựa đường sau đó bị cày xới bởi phương tiện chạy qua.

Do điều kiện thời tiết lạnh và ướt ở Anh, nước mưa dễ dàng chảy vào hố, ổ gà càng lõm sâu cho tới khi đủ to để gây thiệt hại cho xe cộ. Việc sửa chữa ổ gà có thể trở nên vô cùng tốn kém. Gần đây, chính phủ Anh dành 3,6 tỷ USD để sửa đường chỉ ở khu vực phía đông, đông nam, tây nam và London. Robotiz3d ước tính tài xế ở Anh phải trả 2,2 USD chi phí liên quan tới ổ gà mỗi năm.

Theo Robotiz3d, giải pháp tự động của họ rẻ hơn 90% so với dùng sức người, có thể tiết kiệm hàng triệu USD qua nhiều năm. Thời gian trung bình để sửa chữa một ổ gà là 15 tháng tại Anh. Do robot không cần nghỉ ngơi, nó có thể làm việc toàn thời gian để thường xuyên theo dõi và sửa chữa hư hại đối với mặt đường. Thông qua chuyển sang robot, Robotiz3d ước tính nó có thể tiến hành sửa chữa nhanh hơn 70% so với con người.

An Khang (Theo Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022