Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, sáng 14/7. Đây là hội nghị sơ kết đầu tiên của Bộ kể từ khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ cũ.

"Thời gian ngắn nhưng khối lượng công việc đồ sộ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Theo ông, Bộ có sứ mệnh quan trọng là đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giai đoạn phát triển từ thu nhập trung bình cao trở thành thu nhập cao. Để làm được điều đó, Bộ trưởng đưa ra yêu cầu "phải có những chuyển dịch quan trọng" và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

d4ab3279-ead8-4cd6-a6bc-263824-6914-6182-1752501156.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uB2mfN0F2beCl-L8egZ77A

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, ngày 14/7. Ảnh: TTTT

Những chuyển dịch quan trọng

Bộ Khoa học và Công nghệ sau hợp nhất có năm trụ cột gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Nhắc lại nhiệm vụ của ngành góp phần 5% tăng trưởng quốc gia, ông phân chia tỷ lệ cho các nhóm lĩnh vực là khoa học công nghệ 1%, chuyển đổi số 1-1,5% và đổi mới sáng tạo là 3%.

Với chuyển đổi số, Bộ trưởng nhấn mạnh thế giới thực và thế giới số "là một cặp không tách rời", lưu ý cần chú trọng thay đổi mô hình vận hành thay vì tư duy "mua phần mềm". Thay đổi mô hình hoạt động mới là công đoạn quan trọng nhất để phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Ông chỉ ra thực tế hiện nay, chuyển đổi số tại nhiều đơn vị ở Việt Nam vẫn theo kiểu "công nghệ thông tin", tức mua sắm phần mềm chứ không phải chuyển đổi quy trình vận hành.

"Chuyển đổi số mà không thay đổi mô hình vận hành thì không thể thành công, chỉ làm khổ những người phải dùng phần mềm", ông nói, nhắc các đơn vị chuyển đổi số phải chi ít nhất 10% cho việc nghiên cứu, sửa đổi các quy trình

Ông cũng lưu ý lĩnh vực bưu chính cần chuyển dịch thành hạ tầng logistics để đảm bảo "dòng chảy vật chất" bên cạnh dòng chảy dữ liệu, đảm bảo nhanh, chính xác và an toàn đến tận tay doanh nghiệp và người tiêu dùng. Viễn thông trở thành hạ tầng số, là hạ tầng chiến lược quan trọng sánh ngang giao thông và điện, để phục vụ cho chuyển đổi số. "Phủ sóng 5G sâu và rộng toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm, với tốc độ di động tối thiểu 100 Mbps, Internet cáp quang tối thiểu phải đạt 200 Mbps", ông nhấn mạnh.

Về khoa học công nghệ, Bộ trưởng đưa ra yêu cầu lĩnh vực này phải hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ví dụ nhà nước chi một đồng cho nghiên cứu, kết quả nghiên cứu đó khi đưa ra doanh nghiệp để làm sản phẩm cần tạo ra 10 đồng doanh thu. Ngoài ra, ông cũng cho biết đã có những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chi tiền cho nghiên cứu với mô hình "nhà nước chi 1, doanh nghiệp chi 3-4".

"Nhà khoa học bây giờ không chỉ dừng ở học hàm, học vị, bài báo hay giải thưởng, mà quan trọng là kết quả nghiên cứu của mình phải có tác động đến kinh tế xã hội của đất nước", ông nói.

Đổi mới sáng tạo là yêu cầu được đưa ra trong tất cả các nhóm lĩnh vực. Theo Bộ trưởng, đây là trụ cột mang lại sự tăng trưởng kinh tế, với những hành động thực tế về việc ứng dụng khoa học công nghệ.

"Đổi mới sáng tạo là con đường để Việt Nam đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống. Ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ, cải tiến công nghệ và tiến tới sáng tạo công nghệ là con đường dùng công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng GDP", ông nhấn mạnh.

Đối với sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng đánh giá lĩnh vực này bên cạnh việc bảo vệ quyền, phải thực hiện một việc quan trọng là tài sản hóa, thương mại hóa và thị trường hóa các kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội và văn hóa xã hội về sở hữu trí tuệ, coi ăn cắp ý tưởng, ăn cắp sáng chế cũng như ăn cắp trong xã hội và là vấn đề vi phạm đạo đức xã hội, cần phải bị lên án và trừng phạt.

"Một quốc gia phát triển là quốc gia có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ. Bởi vậy, phát triển giao dịch và bảo vệ tài sản trí tuệ, chống trộm cắp là trọng tâm của một quốc gia muốn phát triển", ông cho hay.

Với Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, tiêu chuẩn được coi là định hướng phát triển quốc gia, còn quy chuẩn là hàng rào và bảo vệ. Tuy nhiên, ông chỉ ra thực tế số lượng tiêu chuẩn cần thiết cho sự phát triển của đất nước mới chỉ đạt dưới 5%, là con số "vô cùng nhỏ".

"Sắp tới, lãnh đạo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phải tìm mọi cách để đẩy con số này lên 70% và đẩy lên tối đa trong một năm nữa. Không có tiêu chuẩn định hướng, không thể là quốc gia phát triển", Bộ trưởng yêu cầu. "Đó là những định hướng không chỉ từ nay đến cuối năm mà còn là định hướng lâu dài cho Bộ".

Một lĩnh vực trọng tâm khác được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập là năng lượng nguyên tử. Theo ông, trọng tâm trong thời gian tới là điện hạt nhân thế hệ mới với các lò hạt nhân quy mô nhỏ. "Việt Nam phải làm chủ công nghệ hạt nhân", ông nói.

L1043912-JPG-2254-1752499485.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eLng7w7syAqHLiAVOqDNqQ

Dùng năng lượng nguyên tử điều chế thuốc tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành

9 luật liên quan khoa học công nghệ sẽ được thông qua năm 2025

Hơn ba tháng sau khi hợp nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình và được Quốc hội thông qua năm luật có tính nền tảng, tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng để dẫn dắt sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Từ nay đến cuối 2025, Bộ dự kiến hoàn thành và thông qua bốn luật, gồm luật mới là Luật Chuyển đổi số và ba luật sửa đổi gồm: Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Bộ trưởng, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo ra sự thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu với mục tiêu là tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị. Với nền tảng này, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi sẽ biến các kết quả nghiên cứu thành tài sản trí tuệ để giao dịch được, để tạo thành thị trường khoa học công nghệ, đưa sở hữu trí tuệ để trở thành công cụ chiến lược để bảo vệ và chiếm lĩnh công nghệ.

Đánh giá công nghệ cao trở thành chiến lược tự chủ về công nghệ và chủ quyền của một quốc gia, Bộ trưởng cho biết Luật Công nghệ cao sẽ thay đổi trong việc ưu đãi cho nhà đầu tư sẽ dựa trên mức độ chuyển giao công nghệ, mức độ nội địa hóa, mức độ R&D tại Việt Nam.

Nhắc tới các công ty FDI, Bộ trưởng khẳng định Luật sẽ thay đổi theo hướng "ưu đãi phải đi kèm những điều kiện về chuyển giao công nghệ" và mỗi mức chuyển giao công nghệ sẽ có ưu đãi khác nhau. "Nếu không chuyển giao, chỉ là thuê người Việt Nam lắp ráp, gia công thì không có ưu đãi", Bộ trưởng nói. Ngoài ra, Luật dự kiến tạo khung pháp lý thuận lợi hơn nữa cho chuyển giao công nghệ không chỉ từ nước ngoài vào Việt Nam, mà còn từ viện, trường, doanh nghiệp trong nước, đồng thời ngăn chặn các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam và bảo vệ môi trường.

Với Luật Chuyển đổi số, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số đã thấm sâu vào hoạt động hàng ngày của đất nước nhưng lại chưa có luật. Luật mới được kỳ vọng lấp đầy các mảnh ghép còn thiếu, hình thành một khung kiến trúc Việt Nam số hoàn chỉnh, với cơ chế dẫn dắt, tạo điều kiện và giám sát, từ Nhà nước, đồng thời quản trị rủi ro trong quá trình chuyển đổi.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo 9 luật liên quan đến khoa học công nghệ trong một năm, hơn nhiều lần thông thường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị phải có nỗ lực lớn, quyết tâm cao và đặc biệt "phải có cách làm mới, làm việc không ngừng nghỉ mới có thể hoàn thành".

Trước đề xuất của cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng về việc ban hành các hướng dẫn thực thi luật cũng như xây dựng nền tảng số giúp hỏi đáp về Luật, Bộ trưởng đánh giá đây là việc cần làm, không chỉ với 5 luật mới, mà với tất cả các luật, nghị định, thông tư liên quan của ngành, giao Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị cung cấp nền tảng để thực hiện.

Tạo bài toán lớn, điều kiện tốt để thu hút nhân tài

Một trong những nội dung quan trọng trong Hội nghị Sơ kết là các chia sẻ, đề xuất sôi nổi từ doanh nghiệp, Sở, viện, trường. Bộ trưởng dành gần nửa thời gian của mình để giải đáp thắc mắc, như lôi kéo nhân tài, đầu tư phòng thí nghiệm, về cơ chế kết hợp ba nhà (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp), thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Với đề xuất về thu hút nhân tài của tập đoàn Viettel, Bộ trưởng khẳng định: "Đầu tiên để thu hút nhân tài, phải có việc lớn". Đây sẽ là thỏi nam châm hút được nhân tài, bao gồm cả ở thế giới để giải quyết các bài toán Việt Nam.

"Viettel muốn thu hút nhân tài phải có việc lớn, lớn đến mức mà bản thân tập đoàn cũng không làm được, Việt Nam cũng không thể tự làm. Khi đó, bài toán toàn cầu sẽ xuất hiện và xuất hiện nhân tài toàn cầu", ông nói. Ngoài ra, họ cũng cần được tạo điều kiện làm việc và có thu nhập phù hợp.

DSC09650-6840-1752499486.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FEBGb1w0WvwY2YhvSlMBHw

Một số mẫu chip bán dẫn cho kỹ sư Việt tham gia phát triển, được trưng bày tại triển lãm về đổi mới sáng tạo, tháng 10/203. Ảnh: Lưu Quý

Về các luật đã thông qua, Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã có nền tảng để thực hiện việc này, như 20% tổng ngân sách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cho việc xây dựng phòng thí nghiệm; người làm nghiên cứu hưởng 30% số tiền từ kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Theo ông, đây là điều kiện thuận lợi chưa từng có, nhưng cũng đi kèm điều kiện là kết quả nghiên cứu phải thương mại hóa được, tức phải tạo ra sản phẩm bán được hàng.

Để thúc đẩy sinh viên và nghiên cứu sinh đi thực tập tại doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết trong tháng 7 sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xem xét cấp chứng chỉ và tín chỉ, giúp sinh viên khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động.

Về việc xây dựng các phòng nghiên cứu trọng điểm, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để định hướng xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Sau khi Nhà nước đầu tư, việc vận hành sẽ giao cho viện, trường và doanh nghiệp. Một điểm mới được Bộ trưởng đề cập là nhà nước sẽ chi thêm các khoản thường xuyên để vận hành phòng thí nghiệm, sau đó khuyến khích các phòng lab chuyển sang hướng cung cấp dịch vụ, vận hành theo thị trường. Các mô hình như mua lại phòng lab của doanh nghiệp không dùng hết công suất, phòng nghiên cứu có yếu tố sản xuất, cũng được Bộ trưởng giải đáp.

Trước nhiều trường đại học, viện nghiên cứu có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh định hướng đưa nghiên cứu cơ bản về các trường đại học và biến các trường thành các trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Ông đề nghị các đại học cần đón nhận đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp, để nghiên cứu được gắn với thực tiễn, đồng thời cân nhắc về mô hình "tổng thầu", khi nhận các bài toán lớn và thuê những đơn vị quốc tế về giải.

Tại hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trao bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong lĩnh vực khoa học công nghệ như xây dựng 5 luật, triển khai chính quyền địa phương hai cấp.

"Bây giờ là lúc hãy làm, làm thật nhiều và làm những việc lớn hơn, hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia", Bộ trưởng kết luận.

Lưu Quý

Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022