VNE-Bridge-6611-1728464471.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZKpVxXN0ooRpXiUJKDBTWQ

Cầu Laguna nhìn từ trên cao. Ảnh: CYD Ingenieros

Cầu Laguna bao gồm hai nửa hình bán nguyệt, mỗi nửa là đường một chiều và được đỡ bởi trụ bên tông. Mục đích của các kỹ sư là giúp tài xế chạy qua phá nước một cách trơn tru thay vì dùng bè gắn động cơ như trước đây. Cây cầu được thiết kế bởi Rafael Viñoly Architects, công ty đứng sau nhiều công trình nổi tiếng trên khắp thế giới như tòa nhà siêu cao 432 Park Avenue ở New York, sân vận động quốc gia Nhật Bản ở Tokyo, và tòa Walkie Talkie ở số 20 đường Fenchurch, London, theo IFL Science.

Theo Dezeen, cây cầu bắc qua phá nước có chi phí xây dựng 10 triệu USD, được xây từ hơn 450 tấn thép tạo hình, 40 km dây cáp dự ứng lực và 3.500 m3 bê tông. Cầu được hoàn thành năm 2014, một năm sau khi thi công.

Thoạt nhìn, hình dáng của cây cầu dễ bị cho là không cần thiết, nhưng công ty kiến trúc thiết kế công trình với một số mục tiêu cụ thể. Trước hết, phá Garzón là một trong 22 nơi ở Uruguay được xếp hạng Khu vực đa dạng sinh học quan trọng với loài chim, nơi sinh sống của hồng hạc Chile, chim choi choi, loài lưỡng cư nguy cấp như cóc Darwin. Do đó, việc tạo ra một cây cầu ít ảnh hưởng hết mức có thể tới hệ sinh thái và vùng nước xung quanh rất quan trọng.

"Thông qua tách riêng hai tuyến đường trên cây cầu hình tròn, thiết kế giúp giảm thời gian ở bất kỳ điểm nào trên mặt nước bị khuất bóng liên tục khi Mặt Trời di chuyển ngang qua bầu trời và giảm tối đa vùng tiếp giáp bị ảnh hưởng bởi bóng râm, cải thiện độ xuyên thấu và phân tán ánh sáng khắp cột nước", Rafael Viñoly Architects giải thích.

Cây cầu cũng được thiết kế để mọi người đi chậm lại theo cả hai chiều. Bán kính khúc cua hơi chặt của công trình buộc phương tiện cơ giới đi chậm đáng kể khi chạy qua cầu, khuyến khích tài xế ngắm nhìn vẻ đẹp tự nhiên của khu vực.

Phần đường dành cho người đi bộ ở hai bên làn giao thông giúp tiếp cận khoảng hở ở trung tâm cầu và chu vi của nó. Tại đó, du khách có thể ngồi xuống câu cá và ngắm cảnh.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022