Năm tháng như con thoi trôi qua từng tầng ký ức, phủ vết bụi rêu phong thời gian lên nhiều lớp lang lịch sử, thế nhưng có những thứ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức của người dân - những chứng nhân đã qua của một thời hào hùng, của năm tháng vàng son, và của cả những đau thương nứt mình trỗi dậy vươn lên đổi thay từng ngày.
Ảnh: Mỹ Diệu
Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, vẫn luôn là trái tim của cả nước. Nơi đây, bao thăng trầm đi qua, để lại cho hậu thế biết bao những thành quả chở che cho nhiều đời nhiều kiếp. Dù cuộc sống có hiện đại, thời gian cũng vội vàng lấp dần những "ngày xưa yêu dấu" thế nhưng nhiều dấu tích của một thời đã xa vẫn còn đọng lại trong tâm can mỗi người Hà Nội - những Cửa ô.
Cửa ô là một trong những nét đặc trưng của kiến trúc đô thị Hà Nội. Dù đó chỉ là nét "chấm phá" trong bức tranh kiến trúc Thủ đô nhưng không thể phủ nhận rằng, nét chấm phá nhỏ bé đó là sợi dây liên kết, xuyên suốt những năm tháng trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai của mảnh đất kinh kỳ.
Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ từng có rất nhiều Cửa ô - không phải 5 Cửa ô như hiện tại mà nhiều người biết. Điều gì đã xảy ra với những Cửa ô này?
Cửa ô xưa - Nét kiến trúc đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến
Năm 1749, chúa Trịnh Doanh cho đắp tòa thành đất bao bọc khu Hoàng thành Thăng Long, xung quanh bên ngoài có hào nước sâu cắm chông bảo vệ. Trên thành đất mở ra 8 cửa để người dân đi lại. Kiến trúc mỗi cửa được thiết kế gồm 1 cửa chính và hai bên cửa phụ, trên cửa có vọng lâu canh gác nên còn gọi là ô môn. Tất cả 8 cửa đều có kích thước, hình dạng giống nhau. Đây đều là các cửa ra vào kinh thành, phần lớn các Cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch.
Vào thời Tự Đức (giữa thế kỷ XIX), xung quanh Hà Nội có 15 cửa ô (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn) phân bố như sau: Mặt Cửa Đông có 6 Cửa ô; ba mặt Cửa Bắc, Cửa Tây, Cửa Nam, mỗi mặt có 3 Cửa ô. Ba Cửa ô của Cửa Tây gồm ô Thụy Chương (đầu đường Cổ Ngư - nay là đường Thanh Niên, trước mặt đền Trấn Vũ), ô Thanh Bảo (còn gọi là ô Cầu Giấy) và ô Thịnh Hào (còn gọi là ô Chợ Dừa).
Mặt phía Cửa Đông có tới 6 Cửa ô bởi nơi đây có nhiều đường thông ra bến sông Hồng, những đường đi lại chính đều được canh phòng kiểm soát. Điều này cũng chứng tỏ một điều, đây là khu vực buôn bán sầm uất.
Nhưng trước đó, trong Bắc Thành dư địa chí vào đầu thế kỷ XIX có ghi Hà Nội có tận 21 cửa ô mà không có tên đầy đủ. Đến năm 1831, vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh thành Hà Nội, bản đồ lúc đó ghi rõ 16 Cửa ô gồm Yên Hoa, Thạch Khối, Yên Tĩnh, Phúc Lâm, Đông Hà, Trừng Thanh, Mỹ Lộc, Đông Yên, Tây Luông, Nhân Hòa, Thịnh Lãng, Yên Ninh, Kim Hoa, Thịnh Quang, Thanh Bảo, Thụy Chương. Và đến thời Tự Đức chỉ còn lại 15 Cửa ô, Cửa ô Nhân Hòa đã không còn nữa.
Tại sao khi xưa Hà Nội lại xuất hiện những Cửa ô, và những Cửa ô này đóng vai trò như thế nào với sự an toàn của mảnh đất kinh kỳ là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Cửa ô Hà Nội xưa.
Cửa ô được xây dựng ở kinh thành Thăng Long chính là lối ra vào thành, có vọng gác và chốt chặn kiểm soát. Những Cửa ô này không chỉ thu thuế mà còn đóng vai trò ngăn chặn trộm cắp cũng như canh chừng hỏa hoạn trong khu vực.
Tên của các Cửa ô được đặt theo tên làng, tên tổng chung. Thời gian trôi đi, địa giới hành chính, quy hoạch cung như thời gian thay đổi đã dần lấp bỏ những Cửa ô. Nhiều Cửa ô ban đầu đến nay chỉ còn cái tên trong ký ức, ngay cả nhiều Cửa ô còn lại đến hiện tại cũng chẳng còn ý nghĩa thuở xưa.
Một số Cửa ô còn lại đến nay được nhiều người biết đến là ô Cầu Dền, ô Đồng Lầm, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa và ô Quan Chưởng. Đặc biệt, dấu vết của 4 trong 5 Cửa ô này đã không còn, hình hài Cửa ô duy nhất còn tồn tại đến ngày nay gần như nguyên vẹn là ô Quan Chưởng (ngay đầu Hàng Chiếu hiện nay). Vậy những Cửa ô này khi xưa như thế nào?
Hà Nội và những Cửa ô
Cửa ô Chợ Dừa
Ô Chợ Dừa là một cửa ô đặc biệt trong những Cửa ô ở Hà Nội, bởi khi xưa đây là một trong những vi trí quân sự quan trọng phòng thủ kinh thành ở phía Nam. Khi xưa, hành trình từ Nam ra Bắc ngoài đường thủy dọc sông Hồng, còn có đường bộ từ Nghệ - Thanh ra Ninh Bình.
Con đường qua Thanh Hóa chia làm 2 ngả, 1 ngả là con đường "thiên lý" (nay là Quốc lộ 1) qua Phủ Lý, Văn Điển theo con đường Hoàng Mai (con đường ngựa trạm). Ngả còn lại là "thượng đạo" đi từ thượng du Thanh Hóa ra Nho Quan, đi từ thung lũng sông Đáy lên Thăng Long phải qua Khương Thượng đến Cửa ô Chợ Dừa. Trận Đông Quan khi xưa Lê Lợi đánh quân Minh, quân Trịnh Tùng tấn công nhà Mạc hay đội quân thần tốc của nhà Tây Sơn tiêu diệt quân Thanh đều theo con đường "thượng đạo" này.
Mô hình cổng chào Ô Chợ Dừa trong dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024) - Ảnh: Mỹ Diệu
Đến thời Lý - Trần, Cửa ô Chợ Dừa có tên cửa Trường Quảng. Đến thời Hậu Lê và thời Nguyễn, nơi này được gọi là Cửa ô Thịnh Quang, thuộc phường Thịnh Hào. Cạnh Cửa ô có nhà quan cư và trạm dịch, nơi quan lại các tỉnh về kinh, tạm nghỉ lại trước khi vào thành. Khi trong nước có loạn, các quan sẽ phụng mệnh triều đình ra quân, lấy Cửa ô này làm chỗ xuất quân, cắm cờ duyệt binh.
Xung quanh Cửa ô cũng có nhiều hàng cơm, quán trọ, quán nước, dòng người qua lại. Khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, sông Kim Ngưu mặt nước còn rộng, thuyền bè đi lại dễ dàng nên chỗ Cầu Dừa họp chợ đông đúc sát bến sông Lừ. Cạnh Cửa ô này cũng có một trường học nổi tiếng của ông Nghè Đông Các, thêm trường đại tập Hào Nam. Mỗi khi học sinh theo về học, hàng quán quanh đây lại được dịp đông khách.
Nhìn hình ảnh tấp nập của hiện tại, chẳng mấy ai biết rằng, xưa kia, Cửa ô này cũng là nơi tụ tập của dân tứ chiếng, nên có xóm tên Nặc Nô. Đến thời Nguyễn, hết chiến tranh, một bộ phận quân Bắc thành giải ngũ tập trung về Cửa ô này làm đốc thuế. Xuất thân là quân du đãng, quấy nhiễu các làng xung quanh nên đến thời Minh Mạng, đám đốc thuế này bị giải tán, chuyển sang làm nghề đòi nợ thuê cho địa chủ, nhà giàu cho vay lãi và lái buôn.
Dưới thời Pháp, Cửa ô Chợ Dừa cũng đặt trạm thu thuế của những người buôn chuyến mang hàng vào Hà Nội bán. So với các Cửa ô khác, Cửa ô Chợ Dừa sầm uất và tấp nập hơn vì có chợ, phố xá trên con đường lớn đông người qua lại. Chưa kể, đến thời Pháp lại có thêm con đường xe lửa đi Phủ Lý - Nam Định song song với đường quốc lộ 1 thu hút nhiều hoạt động kinh tế, vận chuyển hàng hóa vào phía Nam thành phố.
Hình ảnh phố xá và cao ốc của hiện tại đúng là không ai tưởng tượng được trước kia, đường La Thành lối đi Kim Liên toàn là rặng ổi và bụi mây leo, người đi chợ gánh hàng phải len qua hàng cây ngang đầu để đi. Quanh đó cũng toàn là phố ngắn với những dãy nhà tranh nứa lá. Cửa ô này khi xưa tụ tập dân tứ chiếng nên an ninh ít được đảm bảo hơn so với Cửa ô khác trong thành.
Cửa ô Cầu Dền
Ô Cầu Dền hiện nay là khu vực ngã tư phố Bạch Mai - Đại Cồ Việt - Phố Huế. Khi xưa, trên đường chạy trạm từ Hà Trung đi Hà Mai phải qua một Cửa ô ở quãng đê La Thành đầu phường Bạch Mai. Cửa ô này trong bản đồ Hà Nội năm 1831 ghi là Cửa ô Yên Ninh, bản đồ năm 1866 đổi tên là Cửa ô Thịnh Yên. Người dân lại gọi bằng cái tên nôm gần gũi hơn là ô Cầu Dền.
Ô Cầu Dền thời xưa.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Uẩn có nhắc đến một tích khá lạ về Ô Cầu Dền xưa. Có truyền thuyết kể rằng ngày xưa ở ngoài Cửa ô này có đôi vợ chồng già nhân đức, đã vãi nhiều hạt dền ra các bờ bãi chung quanh đó. Gặp những năm mất mùa đói kém, người nghèo nhờ có bãi rau dền này mà đỡ đói khát.
Mô hình cổng chào Ô Cầu Dền trong dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024) - Ảnh: Mỹ Diệu
Năm 1925, Cửa ô Cầu Dền và đê La Thành là ranh giới đất nội/ngoại thành phía Nam. Con đường thiên lý xuyên qua đê đi về phía Nam phải qua cầu ngoài đê, gọi là Cầu Dền. Nhà cửa quanh Cửa ô hầu hết đều bằng tranh tre nứa lá xen lẫn vài chiếc nhà gạch nhỏ một tầng. Cửa ô Cầu Dền này có một sự đặc biệt, đó là từ năm 1902, thành phố đã cho xây một số cơ sở y tế khá lớn, đó là nhà lục xì thành phố. Nói cách khác, nhà lục xì là nơi khám bệnh và điều trị gái mại dâm. Đầu năm 1947, ô Cầu Dền là một vị trí quân dân ta chặn người Pháp lấn ra ngoài.
Cửa ô Đống Mác
Trong khi nhiều Cửa ô ở Hà Nội thông với đường cái bên ngoài thành phố, cũng có những Cửa ô ở đầu phố nội thành ra đến đường đê, không có đường cái nối tiếp nữa, giống mấy Cửa ô trên đê Yên Phụ. Cửa ô Đống Mác trên đê Bình Lao cũng như vậy.
Bản đồ năm 1831 ghi chỗ này là Cửa ô Thanh Lãng, bản đồ năm 1866 ghi là Cửa ô Lãng Yên, còn người dân vẫn quen gọi với cái tên ô Đống Mác.
Mô hình cổng chào Ô Đống Mác trong dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024) - Ảnh: Mỹ Diệu
Cửa ô Đống Mác nằm tận cùng phố Lò Đúc, giữa quãng đê Bình Lao (nay là đường Trần Khát Chân). Thời đó, Cửa ô Đống Mác cũng không phải một đầu mối giao thông, ngã ba phía đầu ô có một chợ nhỏ của làng Thanh Nhàn, bán buôn rau cỏ lặt vặt. Quang cảnh xung quanh Cửa ô Đống Mác thay đổi chậm chạp, người ta đến ở đây đông đúc từ thời tạm chiếm, còn trong phố đông người, nhà cửa không đủ chỗ ở. Từ sau năm 1954, việc xây dựng mở mang được thực hiện liên tục và khu Thanh Nhàn - Quỳnh Lôi có nhiều cơ sở sản xuất thủ công cũng khiến diện mạo nơi này có nhiều biến chuyển mới khiến ô Đống Mác trở thành điểm đầu mối giao thông sầm uất.
Cửa ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng khi xưa người Pháp gọi là phố Nattes en joncs (phố Chiếu Cói). Ô Quan Chưởng là Cửa ô trên con đường từ trong phố đi ra bờ sông qua địa phận thôn Thanh Hà. Cửa ô này có tên chữ là cửa Đông Hà (trên cửa có đắp chữ ba chữ "Đông Hà môn").
Ô Quan Chưởng thời xưa.
Đây là Cửa ô duy nhất còn sót lại trong 16 Cửa ô xưa của Hà Nội khi nhiều công trình quanh thành bị người Pháp phá bỏ để mở rộng các khu phố. Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Uẩn có nói, Cửa ô Quan Chưởng xây có vọng lâu được canh gác cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong.
Mô hình cổng chào Ô Quan Chưởng trong dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024) - Ảnh: Mỹ Diệu
Thời xưa, việc qua lại chỗ cổng có lính canh gác này phải theo một số luật lệ, ban đêm phải có giấy tờ của quan trên. Cho nên không tránh khỏi sự nhũng nhiễu của bọn lính canh gác nên mới có tấm bia gắn trong cổng của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Cửa ô Quan Chưởng hiện nay - Ảnh: Mỹ Diệu
Ô Quan Chưởng khi xưa tập trung nhiều cửa hàng buôn bán chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định chở bằng thuyền lên. Ô Quan Chưởng là một phố ngắn, mỗi bên mặt phố chỉ khoảng 7-8 nhà, phần lớn đều là nhà cổ thấp và hẹp, nhà hai tầng rất ít. Nhà cửa ở đây chỉ là sửa chữa nâng gác mà không có xây mới.
Cửa ô Cầu giấy
Cửa ô Thanh Bảo nằm ở phía Cửa Tây thành Hà Nội, nằm trên đường từ Sơn Tây vào Hà Nội qua Cầu Giấy; chính là lũy đất nối Cửa ô Thanh Bảo với con đường Thụy Chương ở phía Bắc với đường phía Nam đi ô Chợ Dừa. Vị trí Cửa ô này ở ngã ba phố Sơn Tây và Hàng Đẫy, trước mặt bến xe Kim Mã bây giờ. Đến năm 1891, Cửa ô này bị phá bỏ.
Mô hình cổng chào Ô Cầu Giấy trong dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ảnh: Mỹ Diệu
Cửa ô Thanh Bảo là tên gọi xuất hiện trong bản đồ Hà Nội cũ, còn tại sao Cửa ô này cũng được gọi là Cửa ô Cầu Giấy. Trên thực tế, ô Cầu Giấy khác với Cầu Giấy. Cầu Giấy ở làng Hạ Yên Quyết, nay là Yên Hòa. Chỗ đó sông Tô Lịch chảy qua đường đi Dịch Vọng, trên sông bắc một chiếc cầu (tương truyền có từ thời Lý), gọi là cầu Tây Dương. Người dân làng Hạ Yên Quyết có nghề làm giấy, thứ giấy thô để gói hàng. Khi có lò làm giấy sẽ có chợ bán giấy, chợ bán giấy ngay cạnh cầu, có người đem giấy Hạ Yên Quyết lên tận Cửa ô Thanh Bảo để bán. Ở khu vực Cửa ô này cũng có quán chợ giấy, người mua kẻ bán lâu ngày gọi thành tên ô Cầu Giấy. Sau này, giấy bản của làng ít thông dụng, không còn những hàng bán giấy này nữa nhưng tên phố và Cửa ô Cầu Giấy thì vẫn còn.