tai-sao-bao-milton-manh-len-than-toc-1728451129.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v2zBy54Lc4qa-ttZTHkFAg
Tại sao bão Milton mạnh lên thần tốc?

Quá trình bão Milton hình thành tại Vịnh Mexico. Video: CIRA/NOAA/Space

Hơn một triệu người đã được yêu cầu sơ tán khỏi bang Florida, Mỹ, khi bão Milton đổ bộ từ bờ biển phía tây, Guardian hôm 8/10 đưa tin. Milton là cơn bão mạnh lên nhanh thứ ba từng ghi nhận ở Đại Tây Dương, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ.

Trong khi nhiều khu vực miền nam nước Mỹ vẫn đang khắc phục hậu quả do siêu bão Helene đổ bộ cuối tháng 9, tốc độ mạnh lên quá nhanh của bão Milton khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ trong khoảng một ngày, Milton mạnh lên thành bão cấp 5, cấp mạnh nhất theo thang Saffir - Simpson, với sức gió lên tới 290 km/h khi di chuyển qua Vịnh Mexico, hướng về phía trung tâm Florida.

Milton đã trải qua sự "gia tăng cường độ nhanh", thuật ngữ dùng cho cơn bão có sức gió tăng ít nhất 55 km/h trong vòng 24 giờ. Tốc độ mạnh lên của Milton phá vỡ chuẩn mực này với sức gió tăng 145 km/h trong khoảng 25 giờ, theo tổ chức nghiên cứu Climate Central.

Điều này khiến Milton trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất từng đe dọa Mỹ. "Cơn bão này đang tiến gần đến giới hạn toán học về những gì khí quyển Trái Đất phía trên vùng đại dương này có thể tạo ra", Noah Bergren, nhà khí tượng tại Florida, nhận định.

tai-sao-bao-milton-manh-len-than-toc-1728451259.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VrGvEuvsOzHmDQ-27R0u8A
Tại sao bão Milton mạnh lên thần tốc?

Hình ảnh độ phân giải cao về mắt bão Milton do vệ tinh GOES-19 cung cấp. Video: CSU/CIRA/NOAA

Một cơn bão hình thành từ nhiều biến số. Ở Milton, các biến số này kết hợp với nhau tạo thành "ác mộng". Cơn bão thu được một lượng lớn năng lượng nhờ nhiệt độ mặt biển cao ở Vịnh Mexico, cao hơn nhiều so với bình thường. Năng lượng này chuyển thành tốc độ gió cao hơn. Vịnh Mexico đã nhiều lần lập kỷ lục nhiệt độ trong năm nay và nước biển được ví như bồn tắm vào mùa hè. Lõi của Milton đi qua một số vùng nước ấm bất thường, khoảng 2 - 3 độ C, ấm hơn mức trung bình vào thời điểm này trong năm.

Milton cũng hấp thụ hơi ẩm từ khí quyển rất ẩm. Theo nguyên tắc, khí quyển ấm lên có thể chứa thêm 7% hơi nước với mỗi độ C tăng thêm. Thêm vào đó, không khí rất không ổn định và có thể bốc lên dễ dàng hơn, giúp cơn bão hình thành và duy trì hình dạng.

Do ảnh hưởng của La Nina, không có nhiều gió đứt, tốc độ và hướng gió tương đối đồng đều ở các độ cao khác nhau. Vì vậy, Milton có thể duy trì trạng thái rất tốt, theo Kim Wood, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Arizona. "Tất cả những điều trên kết hợp lại khiến cơn bão sử dụng năng lượng sẵn có hiệu quả hơn", Wood giải thích.

Sự kết hợp hoàn hảo của biển ấm, không khí ẩm và gió đứt ít tiếp tục được hỗ trợ bởi đường đi của Milton qua phần phía tây Vịnh Mexico, nơi chưa trải qua nhiều hoạt động bão lớn trong mùa bão năm nay. Khi một cơn bão đi qua vùng nước ấm, nó hấp thụ phần lớn lượng nhiệt này và dùng làm nhiên liệu, khiến nước hạ nhiệt. Nhưng Wood cho biết, ở phía tây vịnh, chưa có thứ gì khác để làm mát nước.

Milton cũng là một cơn bão rất gọn với lõi tròn đối xứng cao. Trong khi đó, lõi của Helene mất nhiều thời gian hơn để kết tụ và cơn bão này cũng trải rộng hơn. Tốc độ gió bên trong Milton tăng 145 km/h trong khoảng 25 giờ, nhanh hơn gần như mọi cơn bão từng ghi nhận, chỉ sau bão Wilma năm 2005 và bão Felix năm 2007.

Từ lâu các nhà khoa học khí hậu đã lo ngại biến đổi khí hậu có thể tạo ra những cơn bão mạnh lên nhanh hơn và đạt cường độ đỉnh cao hơn. Milton dường như đang khẳng định điều này.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports năm ngoái chỉ ra, bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương hiện có khả năng trải qua sự "gia tăng cường độ nhanh" cao hơn khoảng 29% so với giai đoạn năm 1971 - 1990. Một nghiên cứu khác cho thấy, sự biến đổi tự nhiên không đủ để giải thích cho sự gia tăng những cơn bão như vậy. Điều này đồng nghĩa, biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân.

Thu Thảo (Theo Guardian, The Atlantic)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022