Toàn bộ mạng lưới bưu cục Vietnam Post mở cửa bình thường trong kỳ nghỉ lễ. Hoạt động khai thác, vận chuyển, thu gom và phát bưu gửi vẫn diễn ra, nhưng "giờ làm việc của từng bưu cục được điều chỉnh linh hoạt, tùy thuộc lưu lượng hàng hóa và điều kiện thực tế".
Giao Hàng Nhanh cũng thông báo hoạt động nhưng ngừng việc đối soát tiền thu hộ (COD) với khách hàng trong hai ngày lễ.

Một shipper chuyển phát nhanh tại phố Duy Tân.
Viettel Post và BEST Express giữ lịch làm việc thông thường để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng cao. Trong khi đó, tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, Nasco Logistics duy trì mỗi nơi một trung tâm khai thác và giao dịch. "Các điểm còn lại nghỉ đến hết 1/5. Đơn hàng chỉ được phát tại các trung tâm đang hoạt động, không chuyển đến địa chỉ người nhận hay điểm giao dịch khác", Nasco cho biết.
Trong khi đó, công ty chuyển phát Giao hàng tiết kiệm (GHTK) thông báo cho toàn bộ nhân viên, shipper nghỉ hai ngày 30/4 và 1/5. Doanh nghiệp này trở lại làm việc từ 2/5, nhưng ngừng đối soát COD đến hết 4/5.
Việc doanh nghiệp chuyển phát nhanh hoạt động xuyên lễ diễn ra trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 đạt 25 tỷ USD (650.000 tỷ đồng), tăng 20% so với 2023, chiếm 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Song hành với thương mại điện tử, lĩnh vực bưu chính, chuyển phát ghi nhận tổng doanh thu 2024 hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2023. Sản lượng bưu gửi toàn quốc đạt 3,2 tỷ đơn, tăng 32%, theo số liệu của Vụ Bưu chính - Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nền tảng Metric dự báo năm 2025, riêng tổng doanh số 5 sàn thương mại điện phổ biến nhất Việt Nam đạt 387.500 tỷ đồng, sản lượng 4,2 triệu sản phẩm.
Trọng Đạt
- Doanh nghiệp và nhân viên giao hàng phải bảo vệ dữ liệu người dùng
- 'Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phải phát triển startup kỳ lân'